Thị trường tài chính 24h: Rủi ro điều chỉnh vẫn tiềm ẩn

Thị trường tài chính 24h: Rủi ro điều chỉnh vẫn tiềm ẩn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều tăng nhẹ; Tương lai của ngân hàng; Sóng gió ngành quỹ; Loay hoay chiến lược đầu tư tháng 11; Kinh nghiệm giảm sốc thị trường trái phiếu; Morgan Stanley: Tiền tệ các nền kinh tế mới nổi sắp chạm đáy…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/11 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,20 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 7,2 USD xuống mức 1.675,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm về 1.665 USD, nhưng đã hồi phục mạnh lên trên 1.670 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 110,48 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.688 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.722 – 24.872 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 20.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm khá mạnh về 19.600 USD trước khi hồi phục lên gần 19.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,93 USD (-1,01%), xuống 90,86 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,76 USD (-0,84%), xuống 97,10 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng nhẹ

Dư âm từ 2 phiên giảm sâu trước đó tiếp tục gây sức ép khiến thị trường giảm mạnh ngay khi mở cửa, VN-Index thủng đáy 960 điểm và rung lắc mạnh quanh ngưỡng này.

Trong phiên chiều, sức ép lớn tiếp tục được duy trì, khiến nhóm bất động sản và thép vẫn la liệt các mã giảm sàn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, cùng với một số bluechip đã giúp VN-Index đảo chiều tăng thành công, đóng cửa ở mức cao nhất ngày, vào trong đường bollinger.

Các mã bất động sản, xây dựng giảm sàn đáng chú ý có NVL, PDR, DXG, DIG, CTD, HBC... với dư bán sàn rất lớn. Trong khi nhóm thép là NKG, HSG, HPG dù hãm đà giảm, nhưng cũng mất hơn 4%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 30,63 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 646,61 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/11: VN-Index tăng 6,46 điểm (+0,66%), lên 981,65 điểm; HNX-Index tăng 1,21 điểm (+0,61%), lên 199,77 điểm; UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 72,28 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên ngày thứ Hai (7/11), khi các nhà đầu tư tập trung vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào thứ Ba và đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Các cổ phiếu công nghệ lớn trở lại mạnh mẽ cũng đã giúp thị trường tăng tích cực, với Meta Platforms (Facebook) đã tăng hơn 6% sau một báo cáo rằng công ty đang có kế hoạch bắt đầu một đợt sa thải quy mô lớn trong tuần này.

Cùng với Facebook, cổ phiếu của Microsoft tăng gần 3% và Alphabet, công ty mẹ của Google tăng hơn 2% đã đóng góp lớn vào mức tăng của S&P 500 trong phiên.

Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Dow Jones tăng 401,97 điểm (+1,26%), lên 32.403,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 50,66 điểm (+1,36%), lên 3.770,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 132,31 điểm (+1,28%), lên 10.475,26 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng lên gần mức cao nhất trong tám tuần, khi các nhà đầu tư mua mạnh nhóm cổ phiếu chip và công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,25% lên 27.872,11 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 15/9. Chỉ số Topix tăng 1,21% lên 1.957,56 điểm.

Các cổ phiếu liên quan đến chip như Tokyo Electron và Advantest lần lượt là 3,3% và 2,96%.

Cổ phiếu lớn SoftBank Group tăng 4,97% để trở thành động lực lớn nhất cho chỉ số Nikkei 225, theo sau là cổ phiếu của công ty điện thoại KDDI tăng 1,48%.

Toshiba giảm 1,82%, sau khi một báo cáo cho biết quỹ đầu tư tư nhân Japan Industrial Partners đã nộp hồ sơ dự thầu mua lại tập đoàn này với giá 15 tỷ USD mà thiếu các cam kết từ các ngân hàng hỗ trợ vốn.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi các ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này tăng lên mức cao nhất trong nửa năm và một số nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,43% xuống 3.064,49 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,69% xuống 3.749,33 điểm.

Chỉ số CSI 300 đã tăng 7,6% kể từ ngày 31/10 đến ngày thứ Hai vừa qua, do tin đồn về việc Trung Quốc có thể chấm dứt việc các biện pháp gắt gao chống Covid-19, ngay cả khi Bắc Kinh tái khẳng định chính sách Zero COVID là không đổi.

Các ca lây nhiễm mới Covid-19 tại nhiều nơi ở Trung Quốc đã tăng lên 7.475 vào ngày 7/11, tăng từ 5.496 một ngày trước đó và cao nhất kể từ ngày 1/5.

Trong khi đó, Wall Street Journal đưa tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét các bước hướng tới việc mở cửa trở lại sau gần ba năm chống đại dịch gay gắt, nhưng tiến hành chậm chạp và không xác định được mốc thời gian.

Phiên này, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, mặt hàng tiêu dùng chủ lực và các công ty bán dẫn đều giảm từ 1% đến 1,5%.

Chứng khoán Hồng Kông lùi bước, do nhóm cổ phiếu công nghệ trượt dốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,23% xuống 16.557,31 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,6% xuống 5.602,61 điểm.

Cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 1,6%, trong đó Alibaba và Meituan lần lượt giảm 3,7% và 2,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, theo chân mức mức tăng đêm qua trên Phố Wall, dẫn đầu bởi sự tăng giá của các cổ phiếu bluechip trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI đã tăng 27,25 điểm, tương đương 1,15% lên 2.399,04 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 2,66% và SK Hynix tăng 1,39%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,17%.

Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức đầu tư đã gom mạnh các bluechip và cả cổ phiếu bán dẫn khi đồng won tăng so với đồng USD trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Kết thúc phiên 8/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 344,47 điểm (+1,25%), lên 27.872,11 điểm, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,32 điểm (-0,43%), xuống 3.064,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 38,60 điểm (-0,23%), xuống 16.557,31 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 27,25 điểm (+1,15%), lên 2.399,04 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tương lai của ngân hàng

Tương lai của ngân hàng sẽ như thế nào và các ngân hàng nên làm gì để cải tiến năng lực cạnh tranh trên thị trường?..>> Chi tiết

- Sóng gió ngành quỹ

Những biến động chung của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các quỹ đầu tư..>> Chi tiết

- Loay hoay chiến lược đầu tư tháng 11

Những rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến diễn biến chung của thị trường chứng khoán trong thời gian qua và tiếp tục tác động trong 2 tháng cuối năm. Đặc biệt, khi lượng trái phiếu đáo hạn sẽ còn gia tăng, dồn vào các doanh nghiệp bất động sản trong tháng 12, không loại trừ khả năng yếu tố này sẽ còn tác động tiêu cực lên thị trường..>> Chi tiết

- Kinh nghiệm giảm sốc thị trường trái phiếu

Vụ đổ vỡ của trái phiếu dự án công viên giải trí Legoland, Hàn Quốc làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng lan rộng trên thị trường trái phiếu châu Á..>> Chi tiết

- Morgan Stanley: Tiền tệ các nền kinh tế mới nổi sắp chạm đáy

Morgan Stanley nhận định rằng, giá trị các đồng tiền mới nổi sắp chạm đáy trong bối cảnh năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan