TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam (phải) và ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan (giữa) trong talkshow Đối thoại đầu tuần của Báo Đầu tư

TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam (phải) và ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan (giữa) trong talkshow Đối thoại đầu tuần của Báo Đầu tư

Thị trường mua bán sáp nhập vẫn hứa hẹn nhiều thương vụ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đang chững lại và có nhiều dấu hiệu khó khăn ngắn hạn nhưng theo các chuyên gia trong ngành thì triển vọng hoạt động M&A vẫn sáng với nhiều thương vụ tiềm năng.

Trong Chương trình "Đối thoại đầu tuần" do Báo Đầu tư thực hiện đã được tổ chức vào 7/11 với chủ đề "Kích hoạt những cơ hội M&A mới", TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, năm nay KPMG đã thực hiện khảo sát các thương vụ M&A 2022, hiện đang tập hợp số liệu trong 10 tháng vừa qua và để so sánh với những năm trước thì năm 2022 là một năm thị trường M&A Việt Nam tương đối trầm lắng.

Về giá trị cũng như số lượng thương vụ thì trong 10 tháng của năm 2022 đã ghi nhận con số bằng khoảng một nửa so với những con số của cả năm 2021. Cụ thể, 10 tháng đầu năm nay ghi nhận 350 thương vụ so với con số 700 thương vụ của năm 2021, với giá trị thương vụ đạt khoảng 5,7 tỷ USD, bằng hơn một nửa so với 11 tỷ USD của năm ngoái.

TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán KPMG Việt Nam

TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán KPMG Việt Nam

Theo ông Ái, điều kiện thị trường năm nay ghi nhận những khó khăn do xung đột Nga-Ukraine hay nền kinh tế Mỹ, châu Âu mấp mé bờ vực suy thoái. Những điều này dẫn đến khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đang giảm đi. Tuy nhiên thị trường Việt Nam vẫn đang là điểm sáng nếu so sánh với các thị trường khác trong cùng hoàn cảnh là kinh tế thế giới đang gặp khó khăn.

Vậy nên KPMG vẫn "tương đối lạc quan một cách khiêm tốn" về triển vọng của thị trường trong năm 2023 và 2024. Ông Ái chia sẻ ông hy vọng rằng năm nay những thương vụ trong ngành tài chính, ngân hàng gần như không thấy có thương vụ nào lớn thì sang năm những thương vụ lớn trong lĩnh vực này sẽ được khởi sắc.

"Nếu trong năm 2023, 2024 mà một số doanh nghiệp lớn của nhà nước được cổ phần hóa thì đây cũng sẽ là cú huých cho thị trường M&A của Việt Nam, từ đó tạo nên các cơ hội mới và chúng tôi cũng rất mong muốn được nhìn thấy các cơ hội này trong thời gian tới", ông Ái nhấn mạnh.

Chia sẻ từ góc nhìn của tập đoàn Masan, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết ông đánh giá thị trường vốn trong 12-18 tháng tới sẽ rất khó khăn. Đó là bởi lãi suất của thị trường Mỹ và Việt Nam đang tăng lên, cùng với xung đột Nga-Ukraine nên nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào những tài sản an toàn ví dụ như trái phiếu của chính phủ Mỹ.

Trước khi có khủng hoảng này thì nhà đầu tư hay đi tìm kiếm cơ hội ở các công ty có nền tảng tốt nhưng lợi nhuận không cao ví dụ như Uber hay Grab 3 năm qua có giá trị rất cao nhưng giai đoạn này vì hai công ty này không có lợi nhuận nên giá cổ phiếu đã giảm rất nhiều. Theo ông Danny, nhà đầu tư sau giai đoạn khủng hoảng sẽ quan tâm đến các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận, vậy nên việc gọi vốn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên ông vẫn tin sẽ có vài cơ hội cho các công ty có dòng tiền tốt.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Chia sẻ về việc lý do tại sao Masan lại tiến vào lĩnh vực công nghệ bằng cách thành lập liên doanh với Trusting Social, ông Danny Le cho biết Masan từ một công ty nước mắm, nước tương rồi sang lĩnh vực bán lẻ. Hiện doanh nghiệp đang muốn xây dựng để cạnh tranh với các công ty trên thế giới và nếu không có công nghệ thì sẽ không thể làm được điều này.

Công nghệ hiện nay đang thay đổi cách vận hành công ty cũng như thay đổi cách người tiêu dùng mua hàng. Masan muốn hợp tác với Trusting Social để xây nền tảng để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ tích hợp từ offline đến online (O2). Qua đó cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và Fintech trong bán lẻ và tiêu dùng, mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội. Đó là một mảnh ghép cực kỳ quan trọng trong bức tranh của Masan.

Còn theo ông Ái, không chỉ Masan đang thay đổi theo hướng chuyển đổi số, đây là xu hướng của nền kinh tế Việt Nam và là một phần của sự thay đổi xu hướng của nền kinh tế toàn cầu. KPMG nhận thấy xu hướng về chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ và tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường một cách tích cực và đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Ở Việt Nam, bên cạnh xu hướng chuyển đổi số ông Ái cho biết còn có 2 xu hướng nữa đang làm thay đổi các hành xử của doanh nghiệp. Xu hướng thứ nhất là sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam rất nhanh, vậy nên họ có những nhu cầu khác với những nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng trong quá khứ. Thứ hai là xu hướng “go green”, các sản phẩm oganic, sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của IMG chứ không chỉ đơn thuần là các sản phẩm giá rẻ hay chất lượng tốt.

Đồng quan điểm này, ông Danny Le cho biết thêm Masan đang có định hướng để triển khai mô hình bán hàng on-off tuy nhiên trước mắt đang tìm hiểu và nghiên cứu tệp khách hàng thông qua dữ liệu từ các công ty con trong tập đoàn và cần từ 3-9 tháng để làm điều này. Masan đang phân tích cụ thể các hành vi tiêu dùng của khách hàng để tạo ra một bức tranh tổng thể từ đó đưa ra những gói đề xuất cá nhân phù hợp với nhu cầu và sở thích của từng khách hàng. Dự kiến sẽ cần khoảng 2-3 năm để đưa mô hình on-off này vào thực tế. Trong bối cảnh kinh tế này theo ông Danny nhờ tiềm lực tài chính mạnh mà Masan sẽ có lợi thế để đến đích nhanh hơn.

Khi được hỏi về vai trò của các Quỹ đầu tư tư nhân trên thị trường M&A, ông Ái cho biết các quỹ đầu tư tư nhân có rất nhiều tiền và họ đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam tuy nhiên khẩu vị rủi ro của họ đã khác trước. Trước đây hoạt động huy động vốn dễ hơn và khối lượng vốn huy động được cũng nhiều hơn bây giờ. Hiện tại không còn môi trường kinh tế tiền rẻ nữa nên ngay cả các nhà đầu tư tư nhân cũng thận trọng hơn.

Mặt khác, đang có xu hướng mới là các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông với mục tiêu là thay đổi cơ cấu kinh tế của các nước Trung Đông, hạn chế phụ thuộc vào dầu mỏ. Do vậy các quỹ này muốn đầu tư vào các startup, lĩnh vực năng lượng tái tạo đặc biệt là đầu tư vào các nước đang phát triển, đạt tốc độ phát triển cao như Việt Nam. Nên cơ hội để hợp tác với các quỹ đầu tư Trung Đông hiện đang rất lớn.

Ở một số các thị trường khác ở châu Á ví dụ như Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách Zero-Covid nên rất khó để thực hiện các thương vụ M&A. Vậy nên đây là cơ hội cho Việt Nam để tạo được môi trường đầu tư thông thoáng và ổn định kinh tế vĩ mô, như vậy cũng sẽ tạo được điều kiện cho các thương vụ M&A cất cánh trong thời gian tới.

Theo ông Ái, trong 1-2 năm tới thị trường M&A chủ yếu vẫn sẽ dành cho người mua bởi thị trường tiền đắt sẽ là thị trường ít vốn hơn. Sắp tới các doanh nghiệp muốn bán cũng sẽ phải có những điều chỉnh về định giá để phù hợp với điều kiện thị trường mới.

"Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một điểm sáng so với khu vực và các nền kinh tế khác trên thế giới nên chúng ta có thể lạc quan về thị trường M&A Việt Nam nhưng chắc chắn kể cả bên mua lẫn bên bán đều phải làm việc tích cực và cẩn trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình", ông Ái nhận xét về thị trường M&A trong thời gian tới.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Danny Le chia sẻ thêm, lúc lãi suất đang là 0% thì mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư sẽ lớn hơn khi lãi suất tăng và nhà đầu tư sẽ tìm những bến đỗ an toàn hơn vậy nên các thương vụ M&A sẽ chậm lại, nhất là những thương vụ đầu tư vào startup.

Tin bài liên quan