Bộ Tài chính có kế hoạch nâng “room” xử lý của sàn HOSE lên 5 triệu lệnh/ngày.

Bộ Tài chính có kế hoạch nâng “room” xử lý của sàn HOSE lên 5 triệu lệnh/ngày.

Thị trường vốn lành mạnh và lời hứa của Bộ trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát triển thị trường vốn minh bạch, lành mạnh, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên là thông điệp được Bộ trưởng Tài chính khẳng định trước đại biểu Quốc hội.

Từ thông điệp của Bộ trưởng Tài chính

Kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XV diễn ra trong bối cảnh thị trường cổ phiếu sụt giảm mạnh, rủi ro trên thị trường trái phiếu lộ diện khi cơ quan quản lý xử lý hình sự với số cá nhân sai phạm khiến tâm lý doanh nghiệp và người dân bất an. Vì vậy, không khó hiểu khi nhóm vấn đề tài chính được đa số đại biểu Quốc hội chọn làm chủ đề được chất vấn ở nghị trường.

Sau hơn nửa ngày đăng đàn, với 72 đại biểu đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tranh luận trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ về nhiều giải pháp Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhằm phát triển thị trường chứng khoán.

Theo đó, về nhiệm vụ nâng cấp thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, sau khi xây dựng dự án dùng công nghệ của sàn HNX đưa vào HOSE, đã tăng được “room” xử lý từ 1 triệu lệnh/ngày lên 3 triệu lệnh/ngày. Thừa nhận hệ thống giao dịch KRX hợp tác với Hàn Quốc đã 22 năm chưa thể vận hành, ông Phớc cho biết, Bộ đã có kế hoạch nâng “room” xử lý lên 5 triệu lệnh/ngày.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, thị trường cổ phiếu, chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao, không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.

Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).

Ảnh tác giả

Bộ rà soát đồng bộ từ luật đến các nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường”

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ luật đến các nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Nhiều ý kiến truyền đạt lo ngại của doanh nghiệp, người dân về tình trạng “siết” hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay, không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Bởi trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng cường giám sát để việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cam kết sẽ xử lý “nút thắt” định giá đất đai – nguyên chính gây chậm trễ các đợt thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, từ đó đẩy nhanh quá trình này, tạo nguồn cung mới cho thị trường chứng khoán.

Bộ trưởng cũng cho biết đã tăng cường giám sát và kiểm tra từ dư luận xã hội, phản ánh của các cấp, các ngành, từ việc tự kiểm tra để phát hiện sai phạm… và cam kết xử lý nghiêm.

Thông điệp chính sách chung của Tư lệnh ngành tài chính là hướng đến ổn định, phát triển thị trường vốn Việt Nam minh bạch, lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế đối trọng với kênh tín dụng ngân hàng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia.

Kỳ vọng những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn

Thông điệp trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đồng tình với giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng vẫn để thị trường phát triển, đáp ứng được nguồn vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp thì quan trọng là hoàn thiện các quy định dưới luật (Nghị định 153), nhất là các vấn đề liên quan đến điều kiện phát hành.

Ông Ngân đã nhìn thấy sự quyết liệt của Bộ trưởng trong thời gian qua và kỳ vọng sự quyết liệt này sẽ tiếp tục được duy trì sau lời hứa của Bộ trưởng trên Nghị trường.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Nguyễn Thành Trung, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chia sẻ, những vụ việc nổi cộm xảy ra vừa qua như FLC, Tân Hoàng Minh, Louis đã khiến nhà đầu tư phần nào mất niềm tin vào sự minh bạch của thị trường vốn và cơ quan quản lý.

Ở cả khía cạnh đạo đức và trình độ quản lý, cán bộ quản lý đã thể hiện sự yếu kém nên mới bị các cá nhân lợi dụng để lũng đoạn thị trường. Vì thế, việc minh bạch hoá, lành mạnh hoá thị trường thời gian tới, nhà đầu tư trông chờ rất nhiều vào động thái quyết liệt nhưng vẫn phải mềm dẻo của ngành tài chính.

“Nhà đầu tư trông chờ những giải pháp cụ thể, những mốc thời gian, mục tiêu cụ thể để thực hiện thông điệp phát triển thị trường. Hy vọng chúng sẽ không quá dài như quá trình vận hành hệ thống KRX”, anh Trung nói.

TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP. HCM), người có nhiều tâm huyết và nghiên cứu về trái phiếu doanh nghiệp nhận định, mục tiêu phát triển thị trường vốn của Bộ trưởng Bộ Tài chính là đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, quan trọng nhất vẫn là việc rà soát các quy định hiện hành để đề ra và triển khai quy định mới phù hợp trong thực tiễn.

Lưu ý thêm về các giải pháp lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, vị chuyên gia khuyến nghị, cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng một cách công bằng và hiệu quả các chế tài, công cụ quyền lực được nhà nước trao để quản lý thị trường.

Tin bài liên quan