Tạo dựng niềm tin trên thị trường vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông điệp được giới đầu tư chia sẻ nhiều nhất ngay sau hội nghị về thị trường vốn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta không hình sự hoá các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế.

Ổn định tâm lý nhà đầu tư, giữ ổn định thị trường

Đây cũng là kiến nghị của chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Không nên hình sự hoá các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế.

Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia chứng khoán Đào Phúc Tường nhận định tại Talkshow “Chọn danh mục” của Báo Đầu tư Chứng khoán tuần qua, nếu chúng ta xác định được điểm cuối của quá trình thanh lọc thị trường thì đáy VN-Index có thể quanh đâu đây.

Những ý kiến trên đã cho thấy ổn định tâm lý cho các thành viên thị trường là một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển thị trường vốn bền vững. Chuyên gia Trần Hoàng Ngân đã nhấn mạnh đến yếu tố này khi phát biểu: Kết luận hội nghị tuy chưa có nhưng giá trị ảnh hưởng đến thị trường đã có. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đã tăng 9 điểm, giá trị giao dịch của thị trường đã tăng thêm 1.490 tỷ đồng.

Hai ngày nghỉ cuối tuần qua cũng là “quãng nghỉ” cần thiết để nhà đầu tư xem xét, cân nhắc lại chiến lược, chiến thuật đầu tư cho giai đoạn tới khi các biến số trên thị trường xuất hiện thêm những tín hiệu tích cực. Cộng đồng nhà đầu tư đang chờ Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường vốn để vững tin vào sự phát triển dài hạn của thị trường.

Khi nhà đầu tư ở lại thị trường cũng là cơ hội để doanh nghiệp và Nhà nước huy động được các nguồn lực xã hội vào phát triển sản xuất - kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế.

Theo tinh thần Nghị quyết 31 của Quốc hội năm 2021, mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu thị trường tài chính để vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm 85% GDP và thị trường trái phiếu là 47% GDP. Đến cuối năm 2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt được tỷ lệ 93,8% GDP, thị trường trái phiếu đạt 14,2% GDP. Nếu so với các nền kinh tế trong khu vực, quy mô của thị trường trái phiếu Việt Nam còn dư địa để phát triển, ví dụ thị trường trái phiếu của Thái Lan hiện nay là 24,8%, Malaysia là 56,8% GDP.

“Với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, chúng ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đến năm 2025 thì chúng ta vượt qua mức trung bình thấp, điều quan trọng là để đạt được mục tiêu này thì vai trò của các nguồn lực đầu tư xã hội rất quan trọng, trong đó vốn đầu tư từ khu vực nhân dân phải chiếm ít nhất là 50%, vốn đầu tư nước ngoài trên 20% và vốn từ khu vực nhà nước dưới 30%. Vốn từ khu vực nhân dân và nhà nước đến từ 3 kênh, từ hệ thống ngân hàng thương mại, từ thị trường cổ phiếu và từ thị trường trái phiếu”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Theo ông Ngân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán sẽ tăng tích tụ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại, bởi độ sâu tài chính, trong đó vốn tín dụng ở Việt Nam hiện nay đã đạt đến 124% GDP.

Doanh nghiệp cần chung tay bảo vệ nhà đầu tư

Không chỉ có các thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trên mạng xã hội mà thông tin truyền miệng trong giới đầu tư hiện nay cũng rất hỗn loạn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự nắm bắt và có hành động để bảo vệ cổ đông, bảo vệ sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/4/2022, khi nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn thực hiện phát hành trái phiếu thời gian qua giảm sàn, trong cộng đồng chuyên gia chứng khoán chia sẻ thông tin rằng, lãnh đạo các doanh nghiệp này đã sử dụng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, rồi dùng tiền thực hiện các thương vụ mua bán dự án, tài sản. Khi giá cổ phiếu giảm mạnh, không bù được thêm tài sản đảm bảo nên bị bán giải chấp (?).

Báo Đầu tư Chứng khoán đã đem các thông tin này kiểm chứng với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nói trên, họ rất ngạc nhiên trước những thông tin như vậy. Ở một doanh nghiệp, trên báo cáo tài chính quý I/2022, tiền và các khoản tương đương tiền lên tới gần 6.000 tỷ đồng; một doanh nghiệp khác có khoản tiền gửi ngân hàng trên 2.000 tỷ đồng, lại vừa bán cổ phiếu quỹ và hiện đang dư thừa tiền mặt.

Rõ ràng, những câu chuyện trên nếu không có thông tin chính thống từ doanh nghiệp cung cấp sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư cầm cổ phiếu dao động và hoảng sợ mà vội vàng cắt lỗ, bán đi cổ phiếu, trong khi thực tế doanh nghiệp đang hoạt động tốt, triển vọng kinh doanh tích cực.

Khá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong tuần qua đã hành động nhằm đồng hành với các cổ đông. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu GEX, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Đất Xanh Group đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu DXG…

Trong thông cáo báo chí công bố ra thị trường, lãnh đạo Bamboo Capital khẳng định, Công ty đang kinh doanh tốt, dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực về kết quả kinh doanh quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái.

Công tác huy động vốn của được tư vấn bởi những đơn vị chuyên nghiệp, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Công ty đã được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm với đánh giá triển vọng tích cực…

Thực tế thị trường gần đây đã cho thấy, hành trình đầu tư luôn không hề dễ dàng. Đầu tư cổ phiếu một cách hiệu quả và sinh lời dài hạn đòi hỏi nhà đầu tư phải bỏ nhiều thời gian để theo dõi, tìm hiểu sát sao về tình hình kinh tế, am hiểu thị trường chứng khoán, hiểu rõ về cổ phiếu công ty mình bỏ vốn (đặc thù ngành, đặc thù doanh nghiệp, lợi nhuận, tiềm năng tăng trưởng và các yếu tố khác).

Đầu tư cũng đòi hỏi tính kỷ luật để đảm bảo chiến lược đề ra ban đầu được thực hiện mà không bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông khi thị trường biến động mạnh như vừa qua.

Cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP vào năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trái phiếu chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 14,2% GDP).

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chính sách ứng phó linh hoạt để thị trường vốn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và doanh nghiệp.

VN-Index có sự tăng trưởng tốt, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP vào cuối tháng 3/2022, tăng 3,37% so với cuối năm 2021, với 1.651 chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch. Thanh khoản thị trường đạt 258% so với bình quân năm 2020 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.800 tỷ đồng/phiên.

Tổng mức huy động vốn trên thị trường đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ và các doanh nghiệp. Quy mô tổng tài sản của các công ty niêm yết năm 2021 đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2020; lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 35,1% so với năm 2020; tỷ suất sinh lời được cải thiện từ 13,1% năm 2020 lên 14,6% năm 2021.

Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn. Đáng chú ý nhất là trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa đảm bảo chất lượng.

Để đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cần tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp luật. Đồng thời, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường; cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững và nâng cao hiệu quả công tác giám sát và tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và hoạt động hợp tác quốc tế.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm tải sức ép cho các tổ chức tín dụng

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực, bởi vậy doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung và dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng; vốn trung và dài hạn thì dựa vào thị trường vốn. Từ đó, giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất - kinh doanh với nguồn vốn trung và dài hạn.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, hiện các tổ chức tín dụng vừa là nhà phát hành, vừa là nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2021 có 41 tổ chức tín dụng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống tổ chức tín dụng là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống.

Ngược lại, các tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, sau Bảo hiểm xã hội. Năm 2021, trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường. Tính đến 31/3/2022, có 29 tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu với dự nợ khoảng 427.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế.

Cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm và tài sản thế chấp cho các thương vụ phát hành trái phiếu

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE).
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE).

REE gần đây đã phát hành 2 đợt trái phiếu với quy mô 1.000 tỷ đồng và 100 triệu USD nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển công suất điện năng lượng tái tạo, nước sạch và bất động sản văn phòng cho thuê.

Chúng tôi cho rằng, bên cạnh vốn vay ngân hàng, kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh huy động vốn quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển trung và dài hạn.

Về mặt luật pháp, REE kiến nghị cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm và tài sản thế chấp phải được định danh cũng như có tính thanh khoản cao.

Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp "chệch hướng". Về pháp lý, cần củng cố trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, định giá và giám sát tài sản.

REE mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch và bình đẳng để các doanh nhân có thể dấn thân cùng nhau xây dựng nền kinh tế nước nhà.

Cần sớm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank (VCB).
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank (VCB).

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.

Do đó, Vietcombank luôn chủ động, tích cực tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò đa dạng như nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh phát hành, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán... để góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường và phục vụ chiến lược phát triển dài hạn của Ngân hàng.

Vietcombank có 3 ý kiến đóng góp giúp thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả:

Thứ nhất, cần khuyến khích sự hình thành và phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Mặt khác, cần sớm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành và trái phiếu phát hành.

Thứ hai, xem xét việc hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nguyên nhân do các trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được niêm yết và giao dịch tập trung tại HNX, tuyệt đại bộ phận các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ lại được lưu ký và giao dịch phân tán.

Thứ ba, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cũng cần được liên tục cải thiện. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo, truyền thông cho công chúng về các kiến thức đầu tư từ phổ thông tới nâng cao, cần thiết phải hoàn thiện các cơ chế quản lý, giám sát. Công tác hậu kiểm và chế tài đi kèm đối với các doanh phát hành, các tổ chức tham gia vào quy trình phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phải đủ sức răn đe.

Chứng khoán Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ

Ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới.
Ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới.

Quy mô thị trường chứng khoán của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên.

Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu của MSCI. Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để nâng cấp thành thị trường mới nổi và điều này nếu thành công có thể mang lại nhiều lợi ích.

Chẳng hạn, trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp lên thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam.

Với những nhiễu loạn hiện nay trên thị trường, chúng tôi lưu ý rằng, thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ.

Vì vậy, sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng quan trọng hơn là cách thức chúng ta học hỏi từ sai sót, không nên đóng cửa chỉ vì có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn.

Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi.

Tin bài liên quan