Thiếu kiến thức khiến nhà đầu tư lạc quan hơn

Thiếu kiến thức khiến nhà đầu tư lạc quan hơn

(ĐTCK) Việc thiếu kiến thức về tài chính đã đem lại sự lạc quan cho các nhà đầu tư ở Malaysia, Indonesia và Philippines, giúp chỉ số lạc quan về đầu tư ở các thị trường này tăng trong quý I/2014, đây cũng là thời điểm mà niềm tin vào chứng khoán của các nhà đầu tư được cải thiện đáng kể.

Theo khảo sát mới nhất của Tập đoàn Manulife Financial, các nhà đầu tư ở Malaysia, Indonesia và Philipines đánh giá mức độ am hiểu tài chính của họ cao hơn nhiều so với các nhà đầu tư ở các thị trường phát triển hơn như Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông.

Việc các nhà đầu tư này tự đánh giá bản thân một cách lạc quan như trên tương đồng với mức độ lạc quan đang tăng cao của họ và điều này một lần nữa làm họ khác biệt so với các nhà đầu tư ở các thị trường khác trong khu vực.

Khảo sát này cho thấy, chỉ số lạc quan của nhà đầu tư tại châu Á đã tăng 2 bậc (+2) lên 24 so với quý IV/2013, chủ yếu là cho niềm tin vào chứng khoán tăng cao (từ +7 lên 16). Chính điều này đã bù đắp cho sụt giảm nhẹ về niềm tin của các nhà đầu tư đối với bất động sản.

Chỉ số lạc quan tăng chủ yếu là do tác động từ các thị trường Trung Quốc, Malaysia và Indonesia. Chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư Hồng Kông và Đài Loan không thay đổi nhiều, vẫn ở mức âm, tuy nhiên đã có sự cải thiện so với quý trước, với Hồng Kông đạt -11 (tăng +2) và Đài Loan -6 (tăng +5). Ba thị trường có chỉ số lạc quan của nhà đầu tư sụt giảm là Nhật Bản, Philippines và Singapore, mặc dù vẫn giữ mức dương tại mỗi nước. 

Trong khi đó, nhận định về thị trường Việt Nam,  bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam cho rằng, chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tốt trong quý I/2014 với mức tăng 17,2% do các nhà đầu tư đánh giá cao sự ổn định của các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Chúng tôi khá lạc quan về sự tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2014 vì chúng tôi dự đoán kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục xu hướng khả quan và định giá cổ phiếu, với tỷ lệ giá/lợi nhuận (P/E) đạt khoảng 12,7 lần, tương đối hấp dẫn so với các thị trường lân cận.

Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (EMI) của ngân hàng HSBC mới công bố đầu tháng cũng cho thấy, tại Việt Nam, các điều kiện kinh doanh tại khu vực sản xuất được đẩy mạnh trong tháng 5/2014, dù có một số quy định về giao thông ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất và thời gian giao hàng của nhà cung cấp kéo dài hơn và giá đầu vào cũng tăng lên.

Theo bà Trinh, các nhà đầu tư cũng phấn khởi với những động thái của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thị trường thông qua các biện pháp cải cách cơ cấu sở hữu cổ phần trong các công ty. “Tuy nhiên, những cải cách này cũng cho thấy những rủi ro nhất định trong chính sách cũng như  một số vấn đề tranh chấp về địa chính trị trong khu vực cần được theo dõi sát sao", bà Trinh cho biết.

“Khi nhìn về tương lai, chúng ta có thể lạc quan về sự tăng trưởng chứng khoán ở châu Á trong các quý còn lại của năm 2014. Giá trị chứng khoán tăng trưởng hấp dẫn và các yếu tố của nền kinh tế đều cho thấy xu hướng tăng trưởng ở nhiều thị trường trong khu vực”, ông Ronald Chan, Trưởng phòng Phụ trách Chứng khoán khu vực châu Á của Công ty Quản lý Quỹ Manulife châu Á nhìn nhận.

Khảo sát này của Manulife Financial cho thấy cái nhìn của các nhà đầu tư có vẻ khá lạc quan cho dù thực tế tình hình kinh tế còn nhiều biến động. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects) vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, ngân hàng này đã hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển xuống 4,8% cho năm nay, trong khi mức dự báo đưa ra hồi tháng 1/2014 là 5,3%. Các dấu hiệu cho thấy mức tăng trưởng sẽ đạt 5,4% năm 2015 và 5,5% năm 2016.

“Tình hình tài chính tại các nền kinh tế đã cải thiện. Ngoại trừ Trung Quốc và Nga, thị trường chứng khoán tại các thị trường mới nổi hoạt động tốt, nhất là tại Ấn Độ và Indonesia. Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vẫn cần phải từ từ siết chặt chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu nhằm khôi phục hiện trạng tài khóa như năm 2008, thời điểm trước khi bị phá vỡ bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Nói tóm lại, đây chính là lúc cần chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng lần tới”, ông Kaushik Basu, Phó chủ tịch, Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới nhận định.

Ông Andrew Burns, tác giả chính bản báo cáo trên cũng đưa ra lời khuyên, vấn đề chính là phải chi tiêu khôn ngoan hơn thay vì chi tiêu nhiều hơn.

Tin bài liên quan