Theo các điều khoản của thỏa thuận được Tổng thống Donald Trump đưa ra, các nhà sản xuất ô tô nhập khẩu xe từ Nhật Bản vào Mỹ hiện phải đối mặt với mức thuế 15%, thay vì mức 25%.
Hôm thứ Tư (23/7), cổ phiếu GM tăng 9% và Stellantis tăng 12% do các nhà quan sát thị trường dự đoán các thỏa thuận tiếp theo có thể giảm bớt các rào cản thương mại khác đang gây tổn hại đến lợi nhuận của các công ty. Cổ phiếu Ford tăng khoảng 2%. Ford ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan hơn vì họ chủ yếu bán xe sản xuất tại Mỹ để tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh đó, Liên minh Châu Âu và Mỹ cũng đã gần đạt được một thỏa thuận thương mại, trong đó cũng sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu.
GM, Ford và Stellantis đã phải trả tới 25% cho các xe nhập khẩu từ Mexico hoặc Canada, tùy thuộc vào hàm lượng linh kiện Mỹ trong xe. Các công ty này lo ngại rằng họ có thể sớm phải trả mức thuế cao hơn đối với xe lắp ráp tại Mexico hoặc Canada so với xe có hàm lượng linh kiện Mỹ thấp hơn đáng kể được sản xuất tại Nhật Bản hoặc Anh.
Một số nhà vận động hành lang cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu Hàn Quốc đạt được một thỏa thuận tương tự với Mỹ, nước này có thể trở thành một thị trường lắp ráp ô tô và xe tải giá rẻ.
Trong khi đó, Hội đồng Chính sách Ô tô Mỹ (AAPC) đã chỉ trích thỏa thuận này, cho rằng nó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xe nhập khẩu từ Nhật Bản so với một số xe sản xuất tại Bắc Mỹ.
Ngay cả trước thỏa thuận được công bố, các giám đốc điều hành của Ford, General Motors và Stellantis (Detroit Three) đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách thương mại của Tổng thống Trump có thể tạo lợi thế cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, những người không đầu tư mạnh vào ngành sản xuất tại Mỹ.
"Đây là một món hời cho các đối thủ cạnh tranh nhập khẩu của chúng tôi", Giám đốc điều hành Ford Jim Farley phát biểu vào tháng 2, khi Tổng thống Trump ban đầu đề xuất đánh thuế Mexico và Canada, nhưng không áp dụng cho các trung tâm ô tô lớn như Hàn Quốc.
Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW) cho biết, họ rất bất mãn trước thỏa thuận này. "Những gì chúng ta thấy cho đến nay là người lao động Mỹ một lần nữa đang bị bỏ lại phía sau", UAW cho biết.
Thông báo về thương mại với Nhật Bản được đưa ra cùng ngày General Motors cho biết lợi nhuận ròng của hãng giảm 1,1 tỷ USD do bị ảnh hưởng bởi hàng loạt khoản thuế, bao gồm thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, và 50% đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Chuyên gia tư vấn ngành và cựu giám đốc điều hành GM, Warren Browne cho biết, thỏa thuận với Nhật Bản "khiến tất cả các xe do Detroit Three sản xuất tại Mexico và Canada gặp bất lợi" vì chúng phải chịu mức thuế cao hơn so với xe Toyota nhập khẩu từ Nhật Bản chẳng hạn. Điều này có thể cho phép các thương hiệu nước ngoài cạnh tranh về giá với các công ty ô tô Mỹ.
Theo công ty phân tích kinh doanh GlobalData, các hãng Toyota, Subaru và Mazda nằm trong số những công ty phụ thuộc nhiều nhất vào xe sản xuất tại Nhật Bản để bán tại Mỹ, và sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc giảm thuế quan. Toyota đã nhập khẩu khoảng 500.000 xe từ Nhật Bản vào năm ngoái.
Autos Drive America, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cùng với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác đang hoạt động tại Mỹ đã ca ngợi thỏa thuận thương mại, cho rằng nó sẽ thúc đẩy đầu tư nhà máy tại Mỹ.