Thời cơ vàng để xuất khẩu gạo

Cho dù hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta vẫn còn những yếu kém, nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế khách quan là sự đỏng đảnh của thị trường thế giới đã khiến cả “làng” xuất khẩu gạo thế giới đều phải ngụp lặn trong tình trạng này. Tuy nhiên, nếu như những dự báo gần đây của Tổ chức Nông - Lương Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về việc thị trường này sẽ “phá lệ” là đúng, thì đây quả là thời cơ có một không hai để nước ta có thể nâng hoạt động xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này lên một tầm cao mới.

Cần một cái nhìn tổng thể khách quan

Trước hết, nếu quan sát những biến động của giá gạo trên thị trường thế giới trong 14 năm trở lại đây, thì có thể thấy rằng, nước ta đang ở trong thời kỳ “vàng son” thứ hai của mặt hàng nông sản chiến lược này.

Cụ thể, tính bình quân theo các số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với mức giá dao động 302,47 - 338,06 USD/tấn trong các năm 1995 - 1998, đây có thể coi là thời kỳ sốt nóng thứ nhất kéo dài trong 4 năm của giá gạo thế giới.

Thế nhưng, ngược lại, với mức giá dao động chỉ trong khoảng 191,83 - 203,69 USD/tấn trong các năm 2000-2003, thì đây lại có thể coi là thời kỳ sốt lạnh cũng kéo dài trong 4 năm của giá gạo thế giới.

Và xen lẫn giữa các chu kỳ sốt nóng và sốt lạnh này, với các mức giá 269,46 USD/tấn năm 1994; 248,97 USD/tấn năm 1999 và 245,75 USD/tấn năm 2004, đây có thể coi là những năm “giao mùa”.

Cuối cùng, với mức giá 287,81 USD/tấn năm 2005, tăng 17,11% so với năm trước đó và tiếp tục nhích lên 303,51 USD/tấn trong năm 2006, đây hoàn toàn có thể coi là 2 năm sốt nóng đầu tiên trong chu kỳ sốt nóng thứ hai của thị trường gạo thế giới.(xem bảng sau) 

Hẳn nhiên, không phải tất cả các nước xuất khẩu gạo trên thế giới đều được lợi như nhau khi giá gạo thế giới sốt nóng, và tương tự, cũng đều chịu thiệt như nhau khi giá gạo thế giới sốt lạnh, bởi cái lợi và cái thiệt này lớn tới mức nào còn tùy thuộc vào đối sách của các thương nhân quốc gia đó. Thế nhưng, cũng có thể khẳng định rằng, không thể có tình trạng một nước xuất khẩu gạo nào lại không hề bị thua thiệt gì khi thị trường gạo thế giới sốt lạnh, và ngược lại, không hề được lợi gì khi thị trường gạo thế giới sốt nóng, bởi “khi trời mưa thì dù ở đâu cũng đều bị ướt”. Việc bản thân giá gạo thế giới “trèo đèo, lội suối” như nói trên, tức là hoạt động xuất khẩu gạo của từng nước đều góp phần tạo nên bức tranh chung cũng đủ cho thấy điều đó.

Trong đó, tuy không thể phủ nhận rằng nếu “khôn ngoan” hơn thì tình hình sẽ còn khả quan hơn, nhưng như biểu đồ nói trên cho thấy, việc giá gạo xuất khẩu của nước ta nhìn chung đã ngày càng bám sát hơn giá bình quân trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới, thậm chí ở thời điểm năm 2002 đã đạt được mức cao hơn giá bình quân này, rõ ràng là những kết quả rất đáng được ghi nhận của các thương nhân kinh doanh mặt hàng này.

Thị trường gạo thế giới sẽ “phá lệ” ?

Ở thời điểm hiện nay, sau 2 năm sốt nóng liên tục, thị trường gạo thế giới vẫn tiếp tục diễn biến theo đúng thông lệ nói trên. Các số liệu thống kê của IMF cho thấy, liên tục trong 3 tháng đầu năm nay, giá gạo thế giới đã leo thang từ 309,28 USD/tấn lên 326,18 USD/tấn và bình quân đạt 318,57 USD/tấn, tức là đã cao hơn giá bình quân năm 2006 gần 5%. Riêng đối với nước ta, việc giá gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay đạt kỷ lục gần 313 USD/tấn hiển nhiên cũng đã là một thành công rất lớn.

Như vậy, nếu lịch sử lặp lại đúng như chu kỳ trước, sẽ chỉ còn năm 2007 và năm 2008 là thời gian cho nước ta với vị trí “đương kim Á hậu” trong làng xuất khẩu thế giới được hưởng lợi rất lớn, nhưng kể từ năm 2009 trở đi tới gần giữa thập kỷ sau sẽ lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do thị trường gạo thế giới sẽ sốt lạnh trở lại.

Thế nhưng, một công trình nghiên cứu chung của hai tổ chức quốc tế đầy uy tín là FAO và OECD mới công bố gần đây cho thấy, thị trường gạo thế giới sẽ có sự thay đổi kỳ diệu trong suốt 10 năm tới. (Xem bảng)

Cụ thể, trong khi giá gạo thế giới bình quân trong năm niên vụ từ 2000/2001 đến 2004/2005 chỉ là 214,9 USD/tấn và ước tính tăng vọt rất mạnh 34,8% để đạt 289,6 USD/tấn trong niên vụ 2005/2006, thì trong niên vụ 2006/2007 tiếp tục tăng khá mạnh tới 6,8% để đạt 318,8 USD/tấn và sẽ đạt đỉnh với 319,8 USD/tấn trong niên vụ 2007/2008, tức là tăng tổng cộng gần gấp rưỡi so với giá bình quân trong năm niên vụ 2000/2001 - 2004/2005 của gần trọn thời kỳ sốt lạnh vừa qua. Và điều kỳ diệu chính là ở chỗ, sau 4 niên vụ liên tục sốt nóng này, giá gạo thế giới tuy có giảm liên tục trong hai niên vụ tiếp theo, nhưng mức giảm không đáng kể, bởi thấp nhất cũng vẫn là 310,8 USD/tấn và sau đó sẽ nhích lên, nhưng tối đa cũng chỉ là 317,6 USD/tấn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chắc chắn nguyên nhân sau đây giữ vai trò mấu chốt. Đó chính là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và dân số của các nước đang phát triển, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ về kinh tế của cả hai “người khổng lồ” Trung Quốc và Ấn Độ và sự gia tăng dân số vẫn còn rất mạnh của “người khổng lồ” Ấn Độ từ nay tới giữa thập kỷ sau.

Cụ thể, theo dự báo này, tốc độ tăng GDP của các nước đang phát triển tuy giảm dần, nhưng giảm rất chậm, từ 5,1% hiện nay xuống còn 4,3% năm 2015. Trong đó, tốc độ tăng GDP của “người khổng lồ” Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu nhóm các nước này, còn “người khổng lồ” Ấn Độ thì liên tục “bám đuổi” ở ngay phía sau. Về dân số, trong khi số dân của toàn bộ các nước đang phát triển tăng mạnh từ 4,368 tỷ người hiện nay lên 4,897 tỷ người vào năm 2015, thì do sự gia tăng vẫn còn rất mạnh của “người khổng lồ” Ấn Độ, tỷ trọng dân số của hai “người khổng lồ” này hiện là 54,86% cũng sẽ chỉ giảm rất chậm xuống còn 53,69% vào năm 2015.

Rõ ràng, kinh tế phát triển nhanh và dân số vẫn tăng nhanh của nhóm các nước đang phát triển, đặc biệt là của cả hai “người khổng lồ” châu Á vốn quen với tập quán sử dụng gạo là loại lương thực chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới gia tăng nhu cầu về loại lương thực đang nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới hiện nay. Trong khi đó, cho dù sản xuất lúa gạo thế giới vẫn tăng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, tốc độ tăng cũng cao hơn không đáng kể so với tiêu dùng, nên đây chính là nguyên nhân hàng đầu khiến giá gạo thế giới sẽ không còn rơi vào tình trạng sốt lạnh như những năm cuối thập kỷ trước và đầu thập kỷ hiện nay.

Ngoài ra, một nguyên nhân cũng quan trọng khác cũng bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của các nước đang phát triển. Đó là, chính do sự phát triển rất nhanh về kinh tế của các nước đang phát triển, nhu cầu dầu mỏ thế giới tiếp tục tăng càng mạnh, trong khi nguồn cung có hạn, dẫn đến việc giá dầu thế giới tuy có giảm, nhưng kỷ nguyên giá dầu mỏ rẻ mạt đã chấm dứt.

Cụ thể, cũng theo dự báo này, cho dù sẽ liên tục giảm, nhưng giá dầu thô thế giới cũng chỉ giảm từ đỉnh cao chót vót hiện nay xuống còn 39,17 USD/thùng vào năm 2015. Trong bối cảnh giá “vàng đen” cao như vậy, công nghiệp ethanol đi từ mía như của Brazil , hay đi từ ngô như của Mỹ... chắc chắn sẽ mạnh lên, nên sẽ tác động dây chuyền đến giá nông sản thế giới nói chung và giá gạo thế giới nói riêng.

Tận dụng cơ hội “vàng”

Nếu những dự báo trên đây của FAO và OECD là đúng, là một quốc gia xuất khẩu hiện đứng hàng thứ hai thế giới, hiển nhiên lợi ích mà chúng ta thu được từ mặt hàng nông sản chiến lược này là không nhỏ.

Mặc dù vậy, nếu như mọi chuyện không có gì thay đổi, thì chúng ta cũng sẽ chỉ có thể tận dụng được một nửa cơ hội “vàng” này như hiện nay.

Bởi lẽ, sau khi bất ngờ đạt được hai kỷ lục xuất khẩu 5,25 triệu tấn và trên 1,4 tỷ USD năm 2005, chúng ta đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn trong năm 2006, nhưng chẳng những mục tiêu này không thể đạt được, mà an ninh lương thực trong nước còn bị lung lay.

Trước hết, thực tiễn của nước ta trong 3 năm gần đây nhất cho thấy, sau khi đã liên tục nỗ lực để đạt kỷ lục 36,15 triệu tấn vào năm 2004, sản lượng lúa của nước ta đã ở mức “kịch trần”, chẳng những không còn khả năng tăng thêm nữa, mà còn giảm trên dưới 300.000 tấn, mặc dù nhiều nơi trong vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp tuyệt đại bộ phận khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đã vắt kiệt sức của đất với 3 vụ lúa mỗi năm, thậm chí có nơi còn “bóc lột” đất tới mức không thể tệ hơn với 7 vụ trong hai năm.

Hơn thế, do mỗi năm nước ta vẫn còn tăng khoảng 1 triệu người, việc không thể tiếp tục tăng được sản lượng lúa đương nhiên còn đồng nghĩa với tiêu dùng tăng, khối lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm và tương lai tươi sáng của thị trường gạo thế giới sẽ ngày càng vuột khỏi tầm tay.

Không những vậy, sốt nóng giá gạo thế giới liên tục trong 10 năm tới sẽ còn tiếp tục khiến cho chúng ta điêu đứng do tình trạng bóc lột đất quá mức, đồng thời tạo điều kiện cho sâu bệnh bùng phát dữ dội chưa từng có như vụ đông - xuân vừa qua. Việc phải đưa thuế nhập khẩu về 0% trong những tháng cuối năm 2006 để lúa gạo khắp nơi dồn về vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long minh chứng cho những lời cảnh báo của các nhà khoa học về việc nước ta sẽ phải đứng trước nguy cơ nhập khẩu gạo là không quá xa vời, nếu nền nông nghiệp lúa nước của nước ta không đổi mới mạnh mẽ.

Do vậy, để tận dụng tối đa cơ hội vàng trong cả một thời kỳ dài 10 năm cho bộ phận dân cư nông thôn vẫn còn rất đông đảo của nước ta, có lẽ câu chuyện quy hoạch 1,3 triệu ha lúa chất lượng cao vẫn còn “lình xình” từ nhiều năm nay cần được tiến hành một cách nghiêm chỉnh và rốt ráo hơn, đồng thời cần căn cơ hơn trong việc sử dụng tiết kiệm quỹ đất lúa không có gì giàu có của nước ta để vừa đủ nuôi gần trăm triệu dân, vừa có khối lượng gạo lớn hơn dành cho xuất khẩu. Làm được như vậy, chúng ta sẽ biến được những thất bại đẩy mạnh xuất khẩu trong những năm giá gạo thế giới sốt lạnh trước đây thành những thành công rực rỡ trong liên tục những năm tới.