Ông Lê Đỗ Tuấn.

Ông Lê Đỗ Tuấn.

Thời của đầu tư chiến lược

(ĐTCK-online) Trong thời điểm thị trường tài chính còn khó khăn, việc DN Việt Nam thu hút thành công vốn đầu tư nước ngoài thông qua bán cổ phần, phát hành trái phiếu DN là sự kiện đáng chú ý. Ông Lê Đỗ Tuân, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM CTCK FPTS, người thực hiện thành công 2 thương vụ Eland (Hàn Quốc) đầu tư vào CTCP Dệt may Thành Công và Quỹ SEAF Blue Waters Growth Fund đầu tư vào CTCP Hoà Bình, chia sẻ với ĐTCK.

Ông có thể cho biết một số khó khăn, thuận lợi khi thực hiện tư vấn tìm NĐT cho 2 DN nói trên?

Thời gian khó khăn vừa qua, việc huy động vốn của các DN niêm yết đã khó, với DN chưa niêm yết còn khó khăn gấp bội. Đặc biệt, 2 thương vụ trên đều được tiến hành vào đúng những thời điểm TTCK ảm đạm nhất. Trong điều kiện đó, theo tôi, xuất hiện những yếu tố mới đối với các thương vụ mua bán, sáp nhập DN (M&A).

Về mặt thuận lợi, khi TTCK đi xuống, lãi suất ngân hàng tăng cao, huy động vốn từ cổ đông cũ không được, do đó nguồn vốn từ NĐT chiến lược thực sự rất quan trọng. Từ đó, các DN sẽ “thoáng” hơn trong tìm và chọn lựa các NĐT. Đối với NĐT tài chính, đây là điểm khó khăn, nhưng đối với NĐT chiến lược thì có thể lại là một điểm thuận lợi. Đồng thời, các đối tác gặp nhau phải có những điểm tương đồng về chiến lược và mục tiêu chung. Hay nói đơn giản, họ hiểu công ty của mình cần gì ở đối tác và ngược lại. Chúng tôi đánh giá rất cao 2 DN trên ở điểm này, họ có sự thay đổi tư duy sâu sắc, đưa ra yêu cầu cho NĐT không chỉ trợ giúp về tài chính mà còn giúp công ty phát triển các hoạt động kinh doanh của mình. Như Dệt may Thành Công, Tập đoàn Eland đã cử những nhân viên xuất sắc nhất của mình tham gia trực tiếp vào quản lý điều hành DN, gắn quyền lợi và nghĩa vụ của Eland trực tiếp vào Công ty.

Tất nhiên, cũng xuất hiện những khó khăn. Điều đầu tiên là khi thị trường tài chính thế giới gặp khủng hoảng, thông thường các hoạt động đầu tư sẽ chững lại hoặc hủy bỏ do thiếu nguồn vốn. Đồng thời, phải thừa nhận rằng, khuôn khổ luật pháp áp dụng trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam đang còn thiếu và có nhiều điểm chưa rõ ràng.

Được biết, thương vụ Eland kéo dài gần 1 năm đàm phán, xin hỏi yêu cầu của NĐT nước ngoài vào các DN Việt Nam hiện tập trung vào những vấn đề gì?

Theo tôi, phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của TTCK mà các hoạt động đầu tư với các đối tượng NĐT khác nhau sẽ diễn ra một cách khác nhau.

Vào thời điểm thị trường đi xuống như giai đoạn vừa qua, các quỹ đầu tư, công ty đầu tư tài chính đều gặp khó. Trong khi đó, đây chính là cơ hội để NĐT chiến lược cùng ngành hoặc NĐT chiến lược đa ngành trỗi dậy, họ liên tục tìm kiếm các công ty tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn để đầu tư số lượng lớn cổ phần, tham gia vào HĐQT, ban giám đốc, giúp tái cơ cấu và tăng cường hiệu quả hoạt động cho DN từ bên trong. Như vậy, càng ngày hoạt động M&A sẽ diễn ra không chỉ ở chiều rộng còn đi vào chiều sâu của sự hợp tác, các NĐT ngày càng tham gia trực tiếp hơn vào hoạt động của DN.

Khi thực hiện hai thương vụ trên, về khung pháp lý có gì khó khăn, đâu là những vấn đề cần cải thiện để thu hút thêm NĐT bỏ vốn vào DN Việt Nam?

Hệ thống pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực M&A dù đang ngày một hoàn thiện hơn, nhưng vẫn có nhiều điểm cần thay đổi. Chẳng hạn, trong Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán có đề cập tới định nghĩa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, đầu tư trực tiếp phải có giấy phép đầu tư, còn gián tiếp thì không? Vậy đầu tư cổ phần, tham gia vào HĐQT được coi là đầu tư gián tiếp hay trực tiếp? NĐT nước ngoài không hiểu rõ về việc này. Thay mặt NĐT nước ngoài, FPTS đã gửi công văn lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư về trường hợp này có phải xin giấy chứng nhận đầu tư hay không? Rất may mắn, chúng tôi đã có câu trả lời như mong muốn.

DN muốn tìm kiếm NĐT ở thời điểm khó khăn này cần chú ý những vấn đề gì?

Một là, phải biết rõ mục tiêu của công ty mình cần đạt được là gì? Thêm vào đó, việc sử dụng số tiền từ NĐT một cách rõ ràng cũng cần có kế hoạch chi tiết.

Hai là, cần chuẩn bị kỹ các tài liệu, nhân sự… cho các hoạt động của quá trình M&A, chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu thì mức độ thành công của thương vụ càng cao bấy nhiêu. Thông thường, nhà tư vấn giới thiệu cho công ty 3 - 4 đối tác khác nhau, nhưng sau những cuộc gặp đầu tiên, NĐT tiềm năng nhất sẽ yêu cầu ký kết các thỏa thuận độc quyền (Exclusivity), nghĩa là chỉ có mình họ được tham gia các đàm phán tiếp theo. Nếu không tận dụng tốt cơ hội đồng nghĩa với DN sẽ tự làm mất đi những cơ hội đàm phán khác của mình.

Ba là, phải tìm được một nhà tư vấn chuyên nghiệp, nhờ nhà tư vấn hoạch định kế hoạch sử dụng vốn, chuẩn bị đoàn đàm phán, tìm hiểu đối tác, hiểu biết quy trình M&A…, đó thu hẹp khoảng cách giữa các đối tác tham gia đàm phán.