Dòng tiền nóng và sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra trào lưu meme stock

Dòng tiền nóng và sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra trào lưu meme stock

Thời của “meme stock”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm qua, cụm từ “meme stock” đã trở nên phổ biến trong giới đầu tư chứng khoán toàn cầu, ám chỉ các cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh.

Chuyện của thị trường Mỹ

Việc ngân hàng trung ương các nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch đã giúp các thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng trưởng mạnh. Nhiều cổ phiếu dù không có thay đổi nội tại, nhưng nhờ được phổ cập trên các mạng xã hội đã thu hút nhiều nhà đầu tư và ghi nhận mức tăng giá không tưởng.

Cổ phiếu GameStop tại thị trường chứng khoán Mỹ là một điển hình. Chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 1/2021 (từ 12/1 - 27/1), cổ phiếu này đã tăng từ 12,95 USD/cổ phiếu lên 347,51 USD/cổ phiếu, tức tăng tới 25,8 lần.

Một ví dụ khác là cổ phiếu AMC Entertainment Holdings. Trong vòng gần 5 tháng, từ ngày 14/1 - 2/6/2021, cổ phiếu này xác lập mức tăng 27,7 lần, từ 2,18 USD/cổ phiếu lên 62,55 USD/cổ phiếu.

Đặc điểm chung của GameStop và AMC là hoạt động kinh doanh đi xuống nhiều năm nay nhưng lại được Reddit - diễn đàn của các nhà đầu tư cá nhân - hô hào mua vào với hai mục tiêu chính là: đẩy giá cổ phiếu lên cao nhằm kiếm lợi nhuận và buộc các quỹ lớn phải từ bỏ trạng thái đặc cược bán khống cổ phiếu. Bên cạnh đó, ứng dụng giao dịch cổ phiếu miễn phí Robinhood cũng là vũ khí của đám đông nhà đầu tư cá nhân sử dụng trên diễn đàn Reddit để chống lại nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp thực hiện bán khống.

Kết cục, đám đông nhà đầu tư cá nhân đã chiến thắng, làm nhiều quỹ đầu tư thua lỗ lớn. Đỉnh điểm là Quỹ Melvin Capital, quỹ quản lý 12,5 tỷ USD tài sản đã bốc hơi hơn 50% NAV trong tháng 1/2021.

Tuy vậy, đà tăng của cổ phiếu không dựa trên yếu tố bền vững là giá trị nội tại nên sau khi lập đỉnh, những “meme stock” như GameStop, AMC bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh. Đóng cửa năm 2021, cổ phiếu GameStop về mức giá 148,39 USD/cổ phiếu, thấp hơn 57,3% so với đỉnh. Còn AMC rơi về 27,2 USD/cổ phiếu, giảm gần 60% so với đỉnh.

Việt Nam không là ngoại lệ

Điều tương tự cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021, khi dòng tiền mới đổ mạnh vào thị trường và các mạng xã hội như Facebook, Zalo trở nên phổ biến.

Mở màn cho trào lưu “meme stock” ở thị trường chứng khoán trong nước chính là nhóm cổ phiếu “họ Louis” với vai trò “đặc biệt” của ông Đỗ Thành Nhân. Theo đó, ông Nhân đã dùng tài khoản Fecebook cá nhân liên tục đăng các bài dự báo về triển vọng giá của các cổ phiếu trong “họ Louis”. Bên cạnh đó, trên Facebook có một nhóm “Louis Family” hô hào đầu tư vào nhóm cổ phiếu gồm Louis Capital (TGG), Louis Land (BII), Chứng khoán APG (APG) và nhóm cổ phiếu là đối tượng thâu tóm của Louis như Thủ Đức House (TDH), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC), DAP-Vinachem (DDV)… và gần đây là Ladophar (LDP).

Điểm chung của các cổ phiếu “họ Louis” là thuộc nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, có thị giá thấp trước khi được “hô” mua và đặc biệt hơn, doanh nghiệp trải qua nhiều năm khó khăn, thua lỗ và tạo câu chuyện tái cơ cấu, thâu tóm để thu hút nhà đầu tư.

Mở màn cho trào lưu “meme stock” ở thị trường chứng khoán trong nước chính là nhóm cổ phiếu “họ Louis” với vai trò “đặc biệt” của ông Đỗ Thành Nhân.

Trong giai đoạn đầu, nhiều nhà đầu tư hoài nghi với nhóm cổ phiếu “họ Louis”, tuy nhiên khi chứng kiến giá các cổ phiếu này cứ liên tục đi lên, nhiều nhà đầu tư đã không thể đứng ngoài. Việc FOMO của nhà đầu tư giúp các cổ phiếu “họ Louis” có mức tăng chóng mặt. Cụ thể, từ ngày 17/6 đến 21/9/2021, cổ phiếu TGG tăng 12,9 lần, từ 5.300 đồng/cổ phiếu lên 73.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu BII tăng 3,8 lần trong khoảng thời gian từ ngày 2/7 - 15/9/2021, từ mức 6.500 đồng/cổ phiếu lên 31.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu là đối tượng thâu tóm như VKC, DDV và TDH đều có diễn biến tương tự.

Tuy vậy, câu chuyện thâu tóm chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Không lâu sau khi mua vào, nhóm Louis chốt lời.

Đỉnh điểm tại TDH, vào tháng 9/2021, TDH và BII đồng loạt công bố thông tin về việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược nhằm triển khai hàng loạt dự án bất động sản. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2021, hai bên thông báo chấm dứt chủ trương ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ngoài ra, BII thực hiện bán ra toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu TDH để giảm sở hữu từ 10,07% về 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 18/10/2021.

Điều tương tự cũng diễn ra tại các “game” thâu tóm VKC, DDV, nhóm Louis nhanh chóng bán ra. Cụ thể, ngày 1/11/2021, TGG bán ra toàn bộ 2 triệu cổ phiếu VKC để giảm sở hữu từ 10,37% về 0%. Ngày 7/12/2021, TGG bán ra 4,85 triệu cổ phiếu DDV để giảm sở hữu từ 5,03% về còn 1,71% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của DDV.

Lên nhanh nhờ kỳ vọng, các cổ phiếu này sau đó đã rớt nhanh bởi sự thất vọng của nhà đầu tư, khi cổ đông lớn không gắn bó với các doanh nghiệp mục tiêu như cam kết. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư cá nhân mua vào cổ phiếu “họ Louis” ở vùng đỉnh. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2021, cổ phiếu TGG mất 75% so với đỉnh, về 18.500 đồng/cổ phiếu. Cùng thời điểm, BII chỉ còn 13.500 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 56,5% từ đỉnh.

Một trường hợp khác là cổ phiếu SJF (của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương). Mặc dù cổ phiếu vào diện cảnh báo do lỗ trên báo cáo tài chính bán niên 2021, nhưng nhờ được hàng loạt group trên Zalo do một nhà đầu tư lập ra liên tục đưa thông tin về việc công ty này có thể trở thành đối tác cung cấp ván lót sàn container cho Tập đoàn Hòa Phát, trong thời gian từ ngày 26/8 - 26/11/2021, cổ phiếu SJF tăng 5,4 lần, từ 3.750 đồng/cổ phiếu lên 24.100 đồng/cổ phiếu. Để rồi kết thúc năm tài chính 2021, cổ phiếu này giảm 50% từ đỉnh về còn 12.050 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, Tập đoàn Hoà Phát đã đứng ra phủ nhận thông tin Sao Thái Dương sẽ cung cấp ván lót sàn container cho Tập đoàn.

Trào lưu đầu tư “meme stock” phổ biến đến mức giai đoạn cuối năm 2021, các hội nhóm và diễn đàn chứng khoán liên tục truyền nhau về một nghịch lý của thị trường: doanh nghiệp càng lỗ thì giá cổ phiếu càng tăng cao. Điều này thôi thúc một làn sóng nhà đầu cơ ngắn hạn đi tìm kiếm các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tệ và mua vào nhóm cổ phiếu này, đẩy giá nhóm cổ phiếu này chạy rất nhanh. Chẳng hạn, cổ phiếu HUT từ 12/7 đến 31/12/2021 tăng 210% lên 20.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CEO từ 3/11 đến 31/12/2021 tăng 490% lên 70.900 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu YEG từ 22/10 đến 31/12/2021 tăng 67,2% lên 25.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu TNI từ 27/9 đến 26/11/2021 tăng 243% lên 13.700 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu TTF từ 27/9 đến 31/12/2021 tăng 91% lên 13.500 đồng/cổ phiếu…

Nhà đầu tư sở hữu nhóm cổ phiếu này ở vùng đỉnh với mục tiêu "hớt váng" đa phần đều thảm bại trong chu kỳ rơi tự do trung tuần tháng 1/2022. Nhìn chung, tận dụng dòng tiền giá rẻ trên thị trường, cũng như tâm lý dễ dãi của một bộ phận nhà đầu tư mới (F0) tham giá thị trường với chiến lược đầu tư chạy theo dòng tiền nóng, một số cá nhân và tổ chức đã tận dụng cơ hội và sử dụng mạng xã hội để thu hút nhiều đầu tư tham gia vào các cổ phiếu bằng cách tự vẽ ra những “game” không có thực để đẩy giá cổ phiếu trục lợi.

Việc lãnh đạo và cổ đông lớn tận dụng cơ hội giá cổ phiếu được đẩy lên cao để bán ra cổ phiếu chính là một chỉ báo quan trọng về việc giá cổ phiếu đã đi quá xa so với giá trị thực. Đáng tiếc là, nhiều nhà đầu tư cá nhân nhận ra điều này khi đã quá muộn.

Tin bài liên quan