Thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ cảnh báo về tình trạng nợ ở khu vực Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) lo ngại về tình trạng nợ nần ngày càng tăng giữa các đối tác thương mại trong khu vực và cảnh giác với những rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế nội địa do suy thoái toàn cầu.
Thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ, Shaktikanta Das

Thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ, Shaktikanta Das

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das cho biết, ông rất lạc quan về sự tăng trưởng và ổn định tài chính của Ấn Độ bất chấp triển vọng kinh tế toàn cầu đang xấu đi. Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) dự đoán suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến 1/3 nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Giới phân tích dự báo Ấn Độ sẽ là điểm sáng nhưng ông Shaktikanta Das cho biết “không có chỗ cho sự tự mãn”.

“Ấn Độ ở vị trí tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác. Tuy nhiên, những thách thức toàn cầu đang tăng lên, đồng thời chúng sẽ có tác động lan tỏa và tác động đến Ấn Độ”, ông cho biết.

Về các nước láng giềng trong khu vực của Ấn Độ, ông cho biết: “Chúng tôi khá lo ngại về tình trạng nợ nần chồng chất ở tất cả các quốc gia này vì chúng tôi có nhiều quan hệ thương mại với các quốc gia này. Đó là một vấn đề mà chúng tôi đang xem xét với rất nhiều sự quan tâm”.

Sri Lanka năm ngoái đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á vỡ nợ sau nhiều thập kỷ. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Pakistan đã giảm xuống còn 5,6 tỷ USD, tương đương với khoảng một tháng nhập khẩu.

Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Bangladesh đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu chậm lại, giá nhiên liệu tăng và tình trạng cắt điện, khiến chính phủ nước này vào năm ngoái phải tìm kiếm sự trợ giúp của IMF.

Ngược lại, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới trong năm qua.

Ông Shaktikanta Das cho rằng, khả năng phục hồi của Ấn Độ một phần là nhờ phản ứng tài chính “được hiệu chỉnh, thận trọng” của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đối với đại dịch Covid-19 và một phần là do phản ứng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, vốn có thời hạn và nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực cụ thể. Ông cho biết, dự trữ ngoại hối đáng kể của Ấn Độ đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế.

Ông cho biết, cách tiếp cận tương đối thận trọng của Ấn Độ đối với chi tiêu kích thích Covid-19 đã giúp kiềm chế lạm phát. Mặc dù RBI dự báo lạm phát của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại sẽ là 6,7% - cao hơn mức 4 - 6% mà RBI đặt mục tiêu - nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nền kinh tế hàng đầu khác.

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Ấn Độ sẽ tăng chi tiêu trong ngân sách hàng năm vào tháng tới, trước cuộc tổng tuyển cử năm 2024.

Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ từng đạt mức cao nhất là 642 tỷ USD vào năm 2021, đã giảm xuống còn khoảng 563 tỷ USD sau khi chi tiêu để ổn định đồng rupee và định giá lại do đồng USD mạnh lên.

Ông mô tả đây là “mức rất thoải mái”, tương đương với 9 tháng nhập khẩu dự kiến của Ấn Độ và 92% nợ nước ngoài của nước này.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, Ấn Độ đã cảm thấy áp lực từ giá lương thực và năng lượng cao hơn, khiến nước này phải xoay trục khỏi các nhà cung cấp dầu truyền thống và hướng tới dầu thô giảm giá của Nga, cũng như nỗ lực của Ấn Độ trong việc thúc đẩy đồng rupee trong thương mại quốc tế.

Ông cho biết, hiện RBI đã phê duyệt các tài khoản bằng đồng rupee cho 6 - 7 quốc gia, và điều này sẽ cho phép họ giải quyết các giao dịch bằng đồng nội tệ của Ấn Độ thay vì đô la.

Ngoài ra, Thống đốc RBI cũng tỏ ra gay gắt về tiền điện tử, lập luận rằng RBI đã giúp bảo vệ các nhà đầu tư khỏi cuộc khủng hoảng gần đây trong lĩnh vực này bằng cách tư vấn cho chính phủ đưa ra các quy định, và hợp pháp hóa tài sản kỹ thuật số.

Tin bài liên quan