Thông nút thắt cuối về thu phí đường bộ tự động không dừng

0:00 / 0:00
0:00
Đang có cơ hội lớn để Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) “phủ sóng” thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) đối với toàn bộ tuyến đường bộ có thu phí trước ngày 31/7/2022.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên thí điểm áp dụng thu phí không dừng hoàn toàn từ ngày 1/6.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên thí điểm áp dụng thu phí không dừng hoàn toàn từ ngày 1/6.

Áp lực xả trạm

Toàn bộ Ban lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cùng đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như cất được gánh nặng ngàn cân khi tham dự lễ ký kết hợp đồng Gói thầu thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác được ký hôm 7/6.

Theo các điều khoản hợp đồng vừa được ký, Công ty cổ phần Tasco - nhà thầu được lựa chọn sẽ cung cấp dịch vụ thu phí ETC, sử dụng công nghệ RFID cho các làn thu phí tự động; thu phí kín thủ công (MTC) cho các làn hỗn hợp (ETC+MTC); dịch vụ tổ chức vận hành thu phí ETC và MTC tại các trạm thu phí của 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác trong thời gian 64 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực. Các tuyến cao tốc được lựa chọn thuê dịch vụ là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sau khi hoàn thành lắp đặt, VEC sẽ có 155 làn thu phí đi vào vận hành, bao gồm 132 làn ETC và làn hỗn hợp làm mới, 15 làn hiện có của tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, 8 làn nút Phố Lu tuyến Nội Bài - Lào Cai.

Điều khoản quan trọng nhất của hợp đồng là chậm nhất đến ngày 31/7/2022, Tasco phải hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC cho tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC cho tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đổi lại, Tasco sẽ nhận được 694 tỷ đồng tiền thuê dịch vụ từ VEC, đồng thời nhận được cam kết hỗ trợ tối đa từ đơn vị đang nắm quyền sở hữu, vận hành 4 tuyến cao tốc.

Tiến độ trên được rút ngắn đáng kể (từ 3 -5 tháng) so với hồ sơ mời thầu, cho thấy quyết tâm của chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Trước đó, VEC đã thành lập Ban chỉ đạo Tổng công ty về triển khai thu phí tự động không dừng do Chủ tịch HĐTV làm Trưởng ban, đồng thời huy động tổng lực nhân lực để rút ngắn tiến độ lựa chọn nhà thầu Gói thầu thuê dịch vụ thu phí cho 4 tuyến cao tốc.

“Tính từ thời điểm HĐTV phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ thu phí đến khi chọn được nhà thầu trúng thầu, bao gồm tổng cộng 8 bước với việc chấp hành nghiêm túc các trình tự, thủ tục đấu thầu, chỉ mất đúng 32 ngày”, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, nếu không kịp hoàn thành việc vận hành các làn ETC trên 4 tuyến cao tốc đang khai thác, VEC sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy tai hại. Tại buổi làm việc với Bộ GTVT hôm 17/5/2022 (Thông báo Kết luận số 158/TB-VPCP ngày 26/5/2022), Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC phải tập trung cao để hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do VEC quản lý.

“Đến ngày 31/7/2022, nếu VEC không triển khai, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc xem xét việc tạm dừng thu phí (xả trạm)”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.

Mở rộng diện phủ sóng

Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, trong trường hợp không thể hoàn thành đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc triển khai lắp đặt ETC, hệ lụy nặng nề không chỉ ập đến với riêng VEC.

“Các dự án của VEC là dự án đặc thù, trong đó có tới 3/4 số dự án phải thu phí đường bộ để trả nợ khoản vay nước ngoài do Chính phủ đứng ra vay (thực chất là thu phí hoàn vốn ngân sách nhà nước). Việc dừng thu phí có hệ quả rất lớn do ảnh hưởng đến phương án tài chính và phương án trả nợ của các dự án”, ông Thọ cho biết.

Thực tế, không phải VEC không quyết tâm triển khai sớm việc lắp đặt các hệ thống thu phí ETC trên các tuyến cao tốc. Ngoài lý do phải chờ phê duyệt Đề án tái cơ cấu 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cũng mất khá nhiều thời gian để xem xét lựa chọn phương án tối ưu giữa 3 phương án: sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư hệ thống; sử dụng nguồn thu phí của VEC để đầu tư; thuê các nhà cung cấp dịch vụ, vận hành toàn bộ hệ thống.

Đến tháng 11/2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, lãnh đạo Chính phủ mới chốt phương án sử dụng chi phí quản lý thu phí VEC đang thực hiện (thu phí một dừng) để thuê trọn gói dịch vụ thu phí điện tử không dừng, đồng thời yêu cầu hoàn thành trong quý I/2022. Đến cuối tháng 4/2022, VEC mới nhận được sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền về việc vận dụng trình tự thủ tục thuê nhà cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng chi phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đây là nút thắt cuối để VEC có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Được biết, việc VEC triển khai đúng tiến độ Gói thầu thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc sẽ giúp Bộ GTVT “phủ sóng” thu phí ETC đối với toàn bộ tuyến đường bộ có thu phí trước ngày 31/7/2022 theo đúng thời hạn chót được lãnh đạo Chính phủ đặt ra. “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian triển khai lắp đặt hệ thống ETC. Với năng lực, kinh nghiệm của Tasco, VEC hy vọng sẽ cơ bản hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC tại 4 tuyến cao tốc vào giữa tháng 7/2022”, ông Đông cho biết.

VEC đã đưa vào vận hành khai thác 490 km thuộc 4/5 dự án đường cao tốc, chiếm 42% tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc quốc gia. Tính đến cuối tháng 4/2022, VEC đã phục vụ an toàn và thông suốt gần 297,281 triệu lượt phương tiện, tổng doanh thu thu phí hơn 22.673 tỷ đồng (chưa VAT), đảm bảo trả các khoản nợ đến hạn theo phương án tài chính được duyệt.

Tin bài liên quan