Các ngân hàng đều tích cực tăng vốn điều lệ, giúp vốn tự có tăng lên, qua đó làm tăng tỷ lệ an toàn vốn

Các ngân hàng đều tích cực tăng vốn điều lệ, giúp vốn tự có tăng lên, qua đó làm tăng tỷ lệ an toàn vốn

Thông tư 13 có thực sự “làm khó” ngân hàng?

(ĐTCK-online) Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát lại các quy định của Thông tư 13 đang nhen lên hi vọng với không ít nhà đầu tư. Bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc điều chỉnh Thông tư 13 theo hướng “nới lỏng”hơn cũng sẽ hỗ trợ cho việc ra quyết định mua vào hoặc không bán ra của nhiều nhà đầu tư chứng khoán.

Lý do là, hiện tại, thông tư này đang khiến không ít nhà đầu tư lo lắng về việc các ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong mở rộng tín dụng, qua đó khiến dòng tiền trên thị trường bị siết lại. Song, các ngân hàng có thực sự gặp khó với Thông tư 13?

 

>> Thông tư 13 và hệ thống tài chính Việt Nam

 

Các ngân hàng liệu có đáp ứng được các tỷ lệ an toàn vốn

Thông tư 13/2010/TT-NHNN được ban hành từ tháng 5/2010 và sẽ có hiệu lực từ   ngày 1/10/2010. Trong quá trình soạn thảo thông tư này, NHNN đã gửi dự thảo xin ý kiến của các ngân hàng thương mại (NHTM). Các NHTM đều đã biết trước về các tỷ lệ an toàn vốn mới theo quy định của NHNN. Do vậy, không thể nói việc áp dụng Thông tư 13 là quá gấp gáp và gây bất ngờ cho các NHTM.

Thời gian từ lúc ban hành chính thức Thông tư cho đến khi áp dụng là gần 5 tháng. Trong quá trình đó, các ngân hàng đã có những kiến nghị riêng lẻ hoặc thông qua Hiệp hội Ngân hàng. Đa phần các ý kiến này có nội dung chính là “Thông tư 13 khó nhưng không thể không thực hiện được”. Vì thế, NHNN vẫn giữ nguyên quyết định thực thi Thông tư 13 theo lịch trình dự thảo. Về phía các NHTM, nhiều ngân hàng cũng đã tìm ra các biện pháp để đáp ứng yêu cầu về các tỷ lệ an toàn vốn được bao hàm trong Thông tư 13 vào thời điểm 1/10/2010.

 

Các tỷ lệ an toàn vốn quan trọng nhất của Thông tư 13

Mặc dù Thông tư 13 đưa ra 5 nhóm tỷ lệ an toàn vốn, trong đó có những điều chỉnh so với quy định có hiệu lực hiện hành, nhưng theo nhiều người đánh giá, những tỷ lệ an toàn vốn khó thực hiện nhất (sau điều chỉnh) và có mức độ ảnh hưởng nhất đến hoạt động của hệ thống ngân hàng là 3 tỷ lệ sau đây:

Thứ nhất là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu với sự điều chỉnh từ 8% lên 9%, áp dụng với cả báo cáo tài chính hợp nhất. Chỉ tiêu này đo lường tỷ lệ giữa “Vốn tự có” và “Tổng tài sản ‘Có’ rủi ro” của ngân hàng. Trong đó, “Vốn tự có” phải loại trừ lợi thế thương mại, các khoản góp vốn vào công ty con, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác và lỗ kinh doanh lũy kế.

Thứ hai là tỷ lệ giới hạn góp vốn mua cổ phần với điều chỉnh giảm. Cụ thể, TCTD góp vốn vào công ty trực thuộc tối đa không quá 25% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của TCTD. TCTD và công ty trực thuộc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp không vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Thứ ba là tỷ lệ cấp tín dụng, không vượt quá 80% tổng nguồn huy động, trong đó, nguồn cấp tín dụng sẽ chỉ bao gồm tiền gửi của khách hàng cá nhân, tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức (trừ KBNN), tiền vay của tổ chức trong nước (trừ vay của KBNN, vay của TCTD khác trong nước) và TCTD nước ngoài, vốn huy động từ tổ chức, cá nhân do phát hành giấy tờ có giá.

 

Đáp ứng các tỷ lệ trên bằng cách nào?

Đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và giới hạn góp vốn mua cổ phần, hai tỷ lệ này có sự liên hệ chặt chẽ. Nếu ngân hàng giảm vốn đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng hoặc các công ty con thì nguồn vốn tự có của các ngân hàng sẽ tăng lên. Khi đó, tỷ lệ 9% sẽ nhanh chóng đạt được hơn. Có thể thấy là hiện nay, nhiều ngân hàng đang thực hiện việc thoái vốn ở các công ty con và các công ty khác rất mạnh mẽ khi liên tục thông báo giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty này. Vietcombank đăng ký bán hơn 2 triệu cổ phiếu PVD và 10 triệu cổ phiếu EIB. Sacombank cũng đã IPO thành công SBS và SCR, thoái gần một nửa lượng vốn góp của mình vào BHS…

Song song với đó, các ngân hàng đều tích cực tăng vốn điều lệ, giúp vốn tự có tăng lên, qua đó làm tăng tỷ lệ an toàn vốn. Các ngân hàng nhỏ là nhóm tích cực tăng vốn nhất, bởi nhóm này không chỉ phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn mới theo Thông tư 13 mà còn phải đảm bảo vốn điều lệ không dưới 3.000 tỷ đồng trước khi năm 2010 kết thúc theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP.

Vietcombank đã chào bán thành công 112,28 triệu cổ phiếu (VCB), Vietinbank chào bán và trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu 392 triệu cổ phiếu (CTG) (chưa tính việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược), Sacombank đã phát hành 134 triệu cổ phiếu (STB), SHB đã tăng vốn lên gấp rưỡi và phát hành trái phiếu chuyển đổi. Mặc dù TTCK đang ở trong giai đoạn suy giảm, việc phát hành gặp nhiều khó khăn nhưng các NHTM vẫn có thể phát hành tăng vốn thành công.

Một biện pháp nữa cũng được các NHTM tính đến là điều chuyển tỷ lệ rủi ro của các nhóm tài sản có mức độ rủi ro cao sang các tài sản có rủi ro thấp. Theo đó, mẫu số “Tổng tài sản ‘Có’ rủi ro” trong phân thức tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sẽ giảm đi, giúp tỷ lệ này tăng lên. Những tài sản có hệ số rủi ro lớn như cho vay công ty con, liên doanh, liên kết, cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay công ty chứng khoán và cho vay kinh doanh bất động sản sẽ giảm đi. Các ngân hàng có thể ngừng cho vay các khoản mục này trước ngày 1/10/2010 để đáp ứng được các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9%. Còn sau ngày 1/10/2010, các ngân hàng lại có thể cho vay lại như cũ cho đến kỳ báo cáo tiếp theo.

Đối với giới hạn cấp tín dụng, được quy định là không quá 80% nguồn vốn huy động, qua báo cáo tài chính của một số ngân hàng thì đa phần trong số này vẫn chưa đạt được tỷ lệ 80%. Tỷ lệ cấp tín dụng hiện dao động phổ biến từ 80 - 110%. Để đáp ứng tỷ lệ này, các ngân hàng sẽ phải giảm tín dụng và tăng cường nguồn huy động.

Hiện các NHTM có một lượng khá lớn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 13, khoản này không được tính vào nguồn vốn huy động. Để xử lý tình huống này, các ngân hàng có thể sẽ phải ký kết với các khách hàng là tổ chức các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn dài nhưng thời điểm rút vốn linh hoạt, nhờ đó, một phần nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức sẽ có thể chuyển thành nguồn tiền gửi có kỳ hạn. Ngoài ra, ngân hàng có thể tăng cường phát hành các giấy tờ có giá ngắn hạn để tăng nguồn vốn huy động lên.

Còn đối với việc cấp tín dụng thì nhiều khả năng, việc giảm dư nợ tín dụng qua thời điểm 1/10/2010 sẽ được các ngân hàng thực hiện mạnh rồi mới tăng trở lại sau thời điểm này. Một số cam kết ngoại bảng chiếm tỷ trọng lớn như bảo lãnh cũng sẽ giảm đi mạnh. Việc giảm đi các khoản cấp tín dụng này có thể chỉ mang tính thời điểm. Sau khi thực hiện các báo cáo NHNN xong thì các tổ chức tín dụng sẽ lại thực hiện cho vay hay thực hiện tiếp các cam kết bảo lãnh của mình.

Như vậy, Thông tư 13 về ngắn hạn sẽ không phải là khó khăn lớn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài hơn, nếu NHNN yêu cầu các ngân hàng phải tăng tần suất báo cáo về các tỷ lệ an toàn vốn thì việc “lách” tạm thời như vậy sẽ khiến cho các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Sau thời điểm 1/10/2010 trên, các ngân hàng sẽ tiếp tục phải tăng nguồn vốn huy động hoặc giảm dư nợ cho vay để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn một cách liên tục.