Việt Nam hiện là tâm điểm của dòng đầu tư công nghệ cao. Ảnh: Đức Thanh

Việt Nam hiện là tâm điểm của dòng đầu tư công nghệ cao. Ảnh: Đức Thanh

Thu hút đầu tư nước ngoài: Việt Nam tiếp tục là lựa chọn ưu tiên

Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tích cực hơn, với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng qua vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Quan trọng hơn là, vẫn còn nhiều cơ hội ở phía trước.

Cuộc đua sôi động

Có lẽ, hiếm có thời điểm nào trong năm 2023, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài lại sôi động như hiện tại.

Ít ngày trước, chỉ cách nhau 1 ngày (25 và 26/9), De Heus (Hà Lan) và Cargill (Mỹ) đồng loạt khánh thành nhà máy mới tại Việt Nam. Nếu nhà máy của De Heus có vốn đầu tư 20 triệu USD, được đặt tại Cần Thơ, chuyên sản xuất thức ăn dành cho cá tra, cá basa, thì nhà máy của Cargill được đặt tại Đồng Nai, vốn đầu tư 28 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng vật nuôi.

Trước đó, ngày 22/9, trong khi buổi sáng, “ông lớn” Lotte (Hàn Quốc) khánh thành, đưa vào hoạt động Lotte Mall West Lake Hanoi, vốn đầu tư 643 triệu USD, thì buổi chiều, “đại gia” SK - thông qua công ty con SKC - đã được Hải Phòng trao chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện dự án sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao, vốn đầu tư 500 triệu USD.

Chiều cùng ngày 22/9, Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư cho hàng loạt dự án khác, trong đó có dự án tăng vốn thêm 238 triệu USD của Công ty TNHH Công nghệ máy văn phòng Kyocera Việt Nam (Nhật Bản). Tổng vốn đầu tư của các dự án là 1,4 tỷ USD - một con số không nhỏ và chắc chắn góp phần cải thiện đáng kể các số liệu thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong tháng tới và năm nay.

Trong khi đó, Nghệ An vừa trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive Quang học Vina của Tập đoàn Sunny. Với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, sự xuất hiện của Sunny Automotive Quang học Vina góp phần quan trọng nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Nghệ An trong 9 tháng đầu năm lên 1,27 tỷ USD.

Lần đầu tiên, thu hút đầu tư nước ngoài của Nghệ An đã vượt mốc trên 1 tỷ USD. Chính vì thế, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An rất vui: “Kết quả này một lần nữa khẳng định hiệu quả, quyết tâm, nỗ lực của Nghệ An trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, thực chất để thu hút các dự án lớn, dự án động lực”.

Còn Bình Phước hôm 11/9 đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Shandong Haohua Tire (Tập đoàn Haohua). Haohua sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất lốp xe radial toàn thép không săm tại Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico. Với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của tỉnh này.

Không khí rất sôi động và càng sôi động hơn khi trong chuyến công du tới Mỹ và Brazil mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp hàng loạt tập đoàn lớn, như Apple, Google, Boeing, Siemens Healthineers… Tất cả đều bày tỏ mối quan tâm đến điểm đến đầu tư Việt Nam.

Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 thêm sáng màu khi vốn nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tiếp tục tăng. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử của Công ty Foster tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 thêm sáng màu khi vốn nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tiếp tục tăng. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử của Công ty Foster tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Bức tranh thêm sáng màu

Sự sôi động kể trên đã góp phần quan trọng khiến bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2023 thêm sáng màu. Các số liệu thống kê mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố đã cho thấy điều này. Theo đó, tính đến ngày 20/9/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với hơn 10,23 tỷ USD, tăng 66,3% về số dự án và tăng 43,6% về số vốn so với cùng kỳ năm trước; 934 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 5,15 tỷ USD, tăng 21,5% về số lượt và giảm 37,3% về số vốn so với cùng kỳ. Cùng với đó, 2.539 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị vốn góp hơn 4,82 tỷ USD, giảm 5,9% về số lượt và tăng 47% về số vốn so với cùng kỳ.

Vốn giải ngân cũng rất tích cực. Con số sau 9 tháng là hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ (cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với 8 tháng). “Các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Các thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, xu hướng ngày càng tích cực hơn, dù tốc độ tăng 7,7% của 9 tháng thấp hơn mức tăng 8,2% của 8 tháng 0,5 điểm phần trăm. Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng vậy.

Có thể thấy, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn rất khó khăn, Việt Nam tiếp tục là một điểm đến được ưu tiên lựa chọn. “Việt Nam là thị trường, địa bàn sản xuất rất quan trọng của chúng tôi. Hai bên còn nhiều tiềm năng để hợp tác”, ông Nick Ammann, Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ toàn cầu và các lãnh đạo cấp cao của Apple nói như vậy với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Apple tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm, mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản xuất của Tập đoàn.

Thực tế, sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu các sản phẩm của Apple tại Việt Nam trong bối cảnh còn khó khăn khẳng định sự tin tưởng của Tập đoàn với thị trường Việt Nam. Không chỉ là Apple, các nhà đầu tư khác cũng tin tưởng ở Việt Nam. .

Trong cuộc làm việc với S&P và Moody’s tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận được các đánh giá tích cực từ các tổ chức này, rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo...

Tình hình còn khó khăn và đó là xu hướng chung. Nhưng rõ ràng, đang có rất nhiều cơ hội mở ra cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Sự kiên cường của nền kinh tế

Trong một báo cáo vừa được công bố, Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam đang nổi lên trong nhóm những nước có tăng trưởng tốt nhất khu vực ASEAN bởi sự kiên cường của nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19. “Cùng với lực lượng lao động lành nghề, chăm chỉ và cơ cấu chi phí cạnh tranh, sự kiên cường này tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào Việt Nam”, ông Tim Evans, Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam nhận định

Theo ông Tim Evans, câu chuyện của Việt Nam không chỉ xoay quanh đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. “Tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh cũng là một cơ hội thực sự cho các công ty quốc tế kỳ vọng trở thành một phần của câu chuyện tiêu dùng, trong đó Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030”, ông Tim Evans nói.

Tin bài liên quan