Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại buổi họp báo Chính phủ tháng 6/2022 chiều tối 4/7/2022.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại buổi họp báo Chính phủ tháng 6/2022 chiều tối 4/7/2022.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam chưa phải vấn đề quá nóng nhưng nguy cơ và sức ép đang hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam chưa phải vấn đề quá nóng, nhưng nguy cơ và sức ép đang hiện hữu, do đó cần hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.

GDP 6 tháng đầu năm 2022 phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 diễn ra vào chiều tối 4/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cả năm.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, GDP quý II đạt 7,72% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% là “những con số tích cực”, phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế trong những tháng đầu năm. "Điều này cho thấy chúng ta đang thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, kết quả của quý II và 6 tháng đầu năm là tổng hoà các giải pháp đã đề ra, từ Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, Nghị quyết 11 về phục hồi kinh tế và hàng loạt nghị quyết, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cũng như công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp ngành cùng sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Đặc biệt, "đó cũng nhờ quan điểm chống dịch của Chính phủ, với tư tưởng phải linh hoạt, hiệu quả khi hoạt động kinh tế trở lại hoạt động bình thường”, ông Phương nói.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các mục tiêu, định hướng được đề ra đã xác định năm 2022 là năm phục hồi để tạo đà, nền tảng quan trọng cho năm 2023 và các năm tiếp theo quay về quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững.

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 diễn ra từ 18h ngày 4/7
Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 diễn ra từ 18h ngày 4/7

Ông Phương cũng thông tin, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2022 diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022 và mục tiêu tăng trưởng cần đạt được trong 6 tháng cuối năm 2022.

Theo đó, với kịch bản 1: mục tiêu GDP tăng 6,5% thì quý III cần tăng 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01), quý IV tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01 khoảng 0,7 điểm phần trăm).

Với kịch bản 2: để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0% thì quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu GDP cả năm khoảng 7,0%, cao hơn 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%) để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu GDP cả năm 2022 khoảng 7,0%, cao hơn 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra trước đó.

Nhận diện hai thách thức lớn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, nền kinh tế cả nước đang đối diện 2 vấn đề rất lớn là bão giá và tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Cụ thể, vấn đề giá cả, nhất là giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo hàng loạt chi phí đầu vào tăng, nguyên nhiên liệu nhập khẩu và chi phí logistics cũng tăng cao.

Từ đó, dẫn tới giá của hàng hoá xuất ra tăng lên, khiến cho hoạt động sản xuất khó khăn hơn, tác động lớn đến kế hoạch mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và gián tiếp là tác động lớn đến tăng trưởng chung của kinh tế.

“Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam chưa phải vấn đề quá nóng nhưng nguy cơ và sức ép đang hiện hữu, do đó cần phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả. Để CPI dao động trong khoảng 4% là vấn đề khó, cần sự điều phối nhịp nhàng của cả hệ thống”, Thứ trưởng nêu quan điểm

Đối với vấn đề thiếu hụt nhân lực, nhất là tại một số trung tâm kinh tế, Thứ trưởng cho rằng, tình trạng nhiều lao động chưa sẵn sàng quay trở lại nơi làm việc hoặc đã thay đổi ngành nghề khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu tức thời nhân lực, nhất là nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

“Kinh tế đang phục hồi nhưng kết nối cung cầu lao động còn thiếu hụt rất lớn”, ông Phương nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp để gia tăng kết nối cung - cầu thị trường lao động khi vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn.

Kết thúc phần phát biểu, Thứ trưởng Phương kỳ vọng năm 2022 có thể vượt được các mục tiêu đề ra, nhất là giải quyết được hai vấn đề thách thức của nền kinh tế nói trên.

Cũng tại buổi họp báo nói trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin thêm, sáng 4/7 Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp quyết liệt về các nội dung trong chương trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia.

"Chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm để 6 tháng cuối năm thực hiện hiệu quả các Nghị quyết đã đề ra”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan