Thủ tướng chỉ đạo TTCK phải đạt “3 không”

(ĐTCK) Một thị trường kém lành mạnh và bền vững không chỉ không thu hút được vốn đầu tư trung và dài hạn, mà còn có khả năng đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế.
Thủ tướng chỉ đạo TTCK phải đạt “3 không”

“Phát triển phải đi liền với quản lý. Quản lý không chỉ bằng quyết tâm, ý chí. Cùng với hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường phát triển nhanh và thuận lợi, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát huy điểm mạnh và chủ động ngăn ngừa những hiện tượng xấu, ngăn ngừa các yếu tố gây khó khăn cho sự phát triển hay làm đảo lộn thị trường. Khi TTCK khó khăn sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô”.

Đó là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ kỷ niệm 15 năm hoạt động TTCK diễn ra cuối tuần trước.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Không được để xảy ra bong bóng, không khủng hoảng, không đổ vỡ trên TTCK. Muốn vậy, thị trường phải hoạt động đầy đủ, công khai minh bạch. Nhìn kinh nghiệm phát triển từ các thị trường đi trước, đặc biệt là TTCK Trung Quốc hiện nay, chúng ta là thị trường đi sau phải làm sao phát triển nhanh, nhưng bền vững, hiệu quả”.

Những chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ có tính chất định hướng dài hạn, nhưng cũng có tính thời sự cao khi những thông tin về sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chứng khoán toàn cầu và là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý NĐT trên TTCK Việt Nam.

Trên thực tế, kinh nghiệm xương máu của các thành viên thị trường trong 15 năm hoạt động vừa qua cho thấy, tổ chức, cá nhân nào đặt mục tiêu phát triển bền vững mới có thể trụ lại qua những sóng gió và lớn mạnh.

Ngược lại, những tổ chức, cá nhân nào chạy theo lợi nhuận nhất thời đều phải trả giá đắt, thậm chí bị đào thải. Rất nhiều cuộc tái cơ cấu ở các DN niêm yết, CTCK, ngân hàng là sự chấp nhận trả giá và sửa sai cho những giai đoạn phát triển nóng, không quan tâm đến yếu tố kiểm soát rủi ro và phát triển bền vững.

Đối với các NĐT trong nước hay quốc tế, một TTCK phát triển lành mạnh là môi trường để họ lựa chọn bỏ vốn đầu tư. Một thị trường kém lành mạnh và bền vững không chỉ không thu hút được vốn đầu tư trung và dài hạn, mà còn có khả năng đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế.

Một nền kinh tế càng được thị trường hóa, tính chất liên thông càng cao, ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực của một ngành hay một thành tố lên cả nền kinh tế càng rõ ràng bởi tính chất mở của nó.

Dù đã hoạt động 15 năm, nhưng TTCK luôn mang đến bài học mới. Ngay những tháng đầu năm nay, một CTCK đã cấp margin vào một nhóm vài mã chứng khoán nóng tới gần một nửa nguồn vốn margin của mình. Ngay sau đó, khi công ty này cắt margin và các CTCK khác cũng cắt margin nhóm cổ phiếu này, tạo ra hiệu ứng domino toàn thị trường.

Không bán được các mã chứng khoán nóng, CTCK và nhà đầu tư quay ra bán các mã chứng khoán khác. Đó là lý do dẫn đến thị trường giảm sâu ngoài dự đoán.

Cho đến thời điểm này, khi mà dòng vốn “sửa sai” chảy sang các mã cơ bản thì các mã nóng vẫn đang lẹt đẹt ở mức giá rất thấp và khó có cơ hội phục hồi.

Câu chuyện thời sự này cho thấy, một yếu tố tiêu cực xảy ra ở một DN, hay dấu hiệu xấu ở một vài mã chứng khoán cũng có khả năng tác động tiêu cực đến toàn thị trường.

Để thị trường phát triển lành mạnh đạt được “3 không” như Thủ tướng chỉ đạo, có lẽ cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và các chủ thể trên thị trường cũng cần thực hiện “3 không”: không lơi là, không nóng vội và không chủ quan.

Tin bài liên quan