Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế đã tham mưu Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô (Ảnh: Thái Hùng)

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế đã tham mưu Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô (Ảnh: Thái Hùng)

Thừa Thiên Huế hút đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thế nhưng trong năm 2021, Thừa Thiên Huế vẫn thu hút đầu tư được 47 dự án với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện vai trò tham mưu, đề xuất giải pháp để triển khai hiệu quả các đề án phát triển kinh tế trọng tâm của tỉnh; tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đã hoàn thành Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; đề án Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trình các cấp có thẩm quyền.

Công tác xúc tiến đầu tư đạt được những con số khả quan, trong năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành chấp thuận chủ trương đầu tư cho 47 dự án với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, trong đó chấp thuận 32 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 14.500 tỷ đồng và điều chỉnh 29 dự án.

Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế đã thành lập Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng quy trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cấp phép hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện; xây dựng các bước hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

“Sở đã thiết lập 4 kênh hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm Kênh online qua số điện thoại của Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua trang web và fanpage của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ trực tiếp các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hỗ trợ thông qua Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ thông qua các đơn vị tư vấn doanh nghiệp, hỗ trợ các công ty tư vấn đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đang hỗ trợ. Hỗ trợ thông qua các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp (chương trình café khởi nghiệp) theo các chủ đề và mời các chuyên gia đến trao đổi kinh nghiệm, đưa ra các định hướng cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết.

Theo ông Nguyễn Đại Vui, trên cơ sở nhiệm vụ UBND tỉnh giao trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế sẽ tập trung công tác cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành; hoàn thành 100% các nhiệm vụ theo chương trình công tác của Sở năm 2022.

Tại hội nghị tổng kết năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,5 - 7,5%. Đây là mục tiêu cao trong tình hình hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, tạo đà cho Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư có vai trò là đơn vị đi đầu dẫn dắt. Vì thế, Sở cần có những đổi mới, cải tổ bộ máy điều hành để phục vụ, hỗ trợ tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp và phải coi doanh nghiệp, nhà đầu tư là trung tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tăng cường hơn nữa công tác tham mưu, giám sát, phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các địa phương và sở ngành liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án đảm bảo triển khai hiệu quả, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế .xã hội. Trong đó, tập trung cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, nhanh chóng đưa các dự án vào hoạt động, gia tăng đóng góp cho phát triển kinh tế.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động rà soát, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các ngành, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ, phát triển phù hợp; có chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, phát triển sản xuất nông nghiệp, đổi mới chuyển giao công nghệ, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư theo hướng xử lý triệt để các vướng mắc cho từng dự án, hoàn tất các thủ tục nhanh nhất có thể. Bộ máy Sở Kế hoạch và Đầu tư phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng bậc nhất để tập trung cho phát triển kinh tế xã hội”, ông Phương chỉ đạo.

Tin bài liên quan