Thua và mất

Thua và mất là hai từ được nêu nhiều nhất khi trao đổi với những người trong cuộc bị ảnh hưởng bởi Chỉ thị 03 của NHNN. Xem ra mọi kế hoạch kinh doanh của họ đổ vỡ hoàn toàn

Không lường được

Rõ ràng thời điểm áp dụng cũng như mức khống chế tỷ lệ dư nợ cho vay đối với chứng khoán theo quy định của Chỉ thị 03 là điều không lường trước được đối với ngân hàng, CTCK và nhà đầu tư. Do vậy bộ ba này không thể tìm được một giải pháp tình thế hữu hiệu.

Một số CTCK đành “bó tay”, các ngân hàng thương mại đành “đóng cửa” đối với việc cho vay cầm cố CK. Nhà đầu tư lâm vào cảnh người biết bơi nhưng phải chết đuối. Trong “họa” vẫn có chút may vì vài ngân hàng liên doanh đã “ra tay” cứu thị trường bằng cách mở rộng danh mục cầm cố CP, nhưng xem ra chiếc phao này quá nhỏ so với nhu cầu.

Xét theo tiêu chí ngành thì không ai có thể phủ nhận tiếng tăm cũng như thị phần của Bảo Việt. Do đó việc sở hữu được CP của công ty này là điều rất nhiều nhà đầu tư mơ đến. Vậy mà Chỉ thị 03 đã hạ gục nhà đầu tư. 

T.Tùng - một nhà đầu tư cho biết anh đấu giá thắng Bảo Việt đến 30.000 cổ phần, nhưng phải “bán lúa non” do thời hạn nộp tiền đang đến gần trong khi CTCK “lơ” việc cho vay như đã hứa trước đây. Một nghịch lý đành phải chấp nhận đối với nhà đầu tư kỳ cựu này: muốn CP của mình trở thành blue chips nhưng giờ đây chỉ là giá CP “hạng ruồi”.

Tín dụng đen cũng chào thua

Chưa thấy một quan chức NHNN nào nhận định giữa CK và bất động sản, lĩnh vực nào rủi ro hơn? Vậy vì sao phải khống chế tỷ lệ 3%? Chính tỷ lệ bất hợp lý ấy đang lan dần đến cách tính giá trị cầm cố CP. Khi không còn cửa ở những nơi cho vay cầm cố chính thống, giới đầu tư đành gõ cửa tín dụng đen.

Mặc dù lãi suất cao ngất ngưởng  (bình quân từ 12-15%/ tháng), nhưng giới đầu tư cũng đành chấp nhận vì có CP rớt giá đến 15% chỉ trong vòng hai ngày. Giới tín dụng đen cũng dần đóng cửa cho vay CP do tính thanh khoản của loại hàng này đang rơi vào mức kém nhất kể từ đầu năm.

Các DN như Eximbank, Phương Nam, Sacomreal … có kết quả kinh doanh khá tốt trong 6 tháng đầu năm, riêng Eximbank có thặng dư phát hành CP lên đến 3.500 tỷ đồng. Song cổ đông không thể dùng CP của những DN trên để thế chấp, lạ thật!

Một chỉ thị đưa ra vào thời điểm không thích hợp đang làm cho TTCK chựng lại, gây thiệt hại cho giới đầu tư. Không lẽ NHNN không lường trước(!?)

Ông Nguyễn Hoàng Hải,Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI):
Cơ sở pháp lý của Chỉ thị 03?

Xét về nguyên tắc thì việc cho vay đầu tư chứng khoán có nhiều rủi ro trong bối cảnh thị trường như hiện nay, khi mà mặt bằng giá chứng khoán cao, cổ tức được trả không bù được lãi vay ngân hàng. Việc cho vay đầu tư chứng khoán có thể chỉ thích hợp với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đối với Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước, theo tôi, cơ sở pháp lý còn hạn chế, bởi chỉ thị là dạng văn bản đôn đốc của cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện những chính sách đã ban hành. Tuy nhiên, Chỉ thị 03 lại là chính sách mới và như vậy không phù hợp với quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tôi cũng đặt vấn đề là cơ sở pháp lý nào để đưa ra mức khống chế 3%. Tại sao không thể cao hơn? Theo tôi, với bối cảnh như hiện nay cần nâng mức khống chế cho vay cao hơn hoặc đưa ra những điều kiện cho vay chặt chẽ hơn mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc môi giới (CTCK Tràng An):
Phải hoạch định lại việc đầu tư

Rõ ràng, hiện nay, nhà đầu tư rất cần vốn để đầu tư chứng khoán, bởi theo tính toán của chúng tôi, lượng vốn của mỗi nhà đầu tư chỉ khoảng 500-600 triệu đồng. Đối với đầu tư chứng khoán, đây không phải là lượng vốn nhiều và tôi biết nhiều nhà đầu tư đang chờ một sự phản hồi khác từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không có sự thay đổi thì việc áp dụng Chỉ thị 03 sẽ buộc các nhà đầu tư phải hoạch định lại việc đầu tư của mình.

Về phía ngân hàng, tôi được biết nhiều ngân hàng chỉ cho vay đầu tư chứng khoán bằng khoảng 30% thị giá cổ phiếu và nếu cao hơn thì bị khống chế ở mức chỉ cao hơn 5 lần mệnh giá. Xét như vậy thì việc cho vay cũng khá an toàn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại có nguồn thu khá cao từ việc cho vay đầu tư chứng khoán, nếu khống chế ở mức 3% sẽ làm cho nguồn thu giảm. Đối với các đợt IPO lớn sắp tới, chắc chắn chỉ thị này sẽ gây ảnh hưởng lớn bởi nhà đầu tư đang “đuối” vốn!

Ông Phạm Đức Thắng, Trưởng phòng môi giới và tư vấn niêm yết (CTCK Vietcombank):
Doanh nghiệp khó huy động vốn

Theo tôi, giao dịch cổ phiếu thời gian qua bị ảnh hưởng phần lớn là do Chỉ thị 03, bởi quy định này đã làm hạn chế việc mua - bán chứng khoán, người mua không mua được và người bán cũng không bán được. Mỗi chính sách của cơ quan quản lý nhà nước thường có tác động rất lớn. Quy định về việc khống chế mức cho vay đầu tư chứng khoán bên cạnh việc tăng dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng đã làm thị trường bị tác động kép, gây ảnh hưởng, khó khăn cho các doanh nghiệp muốn huy động vốn hiện nay.

Ông Nguyễn Sơn, Phụ trách Ban Phát triển thị trường (UBCKNN):
Thời điểm chưa thích hợp

Việc ban hành Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước khống chế hạn mức cho vay chứng khoán nhằm mục đích kiểm soát chặt lượng vốn cho vay vào lĩnh vực này đối với các ngân hàng thương mại, song quy định đó lại làm ảnh hưởng đến tổng cầu trên TTCK. Việc quy định khống chế cho vay chứng khoán cũng là cần thiết, tuy nhiên thời điểm áp dụng cũng cần phải tính toán, nếu như TTCK đang ở giai đoạn “nóng” như trước kia thì quy định này ban hành có thể dễ hiểu, nhưng hiện nay thì chưa thực sự cần phải có biện pháp như vậy. Quy định trên sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường, bởi nhà đầu tư chuyển sang bán nhiều cổ phiếu thì có thể sẽ tăng cung, gây bất ổn cho thị trường.