Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững

Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 24/9 đã diễn ra Hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường gia tăng… và điều này có ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế.

Những hệ quả từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô trong thời gian qua thúc đẩy nhu cầu chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài.

Bà Thủy cho biết, thực hiện tăng trưởng xanh sẽ góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và con người trước biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, tạo thuận lợi cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đến tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh, như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Khí tượng thủy văn và một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.

Tái khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững quốc gia, ngay trước thềm Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021, trong đó, đề ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh có thể thấy, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt là tại các xã nông thôn mới.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 đã đạt được kết quả khả quan, như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của Việt Nam đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) trong giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dự nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng đã tạo được làn sóng về đầu tư xanh, như: năng lượng gió, mặt trời, năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tăng trưởng xanh. Phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Một trong những vấn đề quan trọng được TSKH. Trần Kỳ Phúc và TS. Nguyễn Ngọc Hưng tới từ Viện năng lượng (Bộ Công thương) đưa ra trong bài tham luận của hội thảo là việc thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với vấn đề an ninh năng lượng. Trong quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa và xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu năng lượng cũng ngày càng tăng nhanh.

Việc đảm bảo an ninh năng lượng đối mặt với nhiều thách thức khi các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống suy giảm và tăng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Chính vì vậy, việc đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu và các cam kết quốc tế, quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam là một tiến trình tất yếu.

Ngành năng lượng chiếm đến 3/4 tổng phát thải khí nhà kính và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Giảm phát thải khí nhà kính về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đồng nghĩa với nỗ lực hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC. Theo báo cáo “Net Zero by 2050” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA, 2021), điều này đòi hỏi một mô hình chuyển đổi hoàn toàn đối với việc sản xuất, vận tải và tiêu thụ năng lượng.

Theo hai vị chuyên gia, để đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần thiết phải có các thay đổi hành vi sử dụng năng lượng, điển hình như: điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hợp lý, giảm sử dụng nước nóng quá mức, sử dụng giao thông công cộng thay thế xe cá nhân, tăng tuổi thọ các công trình xây dựng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giảm tiêu thụ vật liệu nung trong các công trình xây dựng...

Bên cạnh thay đổi hành vi sử dụng năng lượng, các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng cần được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích, thị trường năng lượng.

Tin bài liên quan