TP.HCM là trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước

TP.HCM là trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước

Thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025

(ĐTCK) Với vị thế là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất đất nước, sự ổn định, phát triển của hệ thống ngân hàng tại TP.HCM có vai trò quan trọng đối với sự vững mạnh của toàn hệ thống.

Có thể nói, chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là hệ thống nhiệm vụ giải pháp lớn nhằm phát triển Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngân hàng trung ương là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả, tăng trưởng ổn định và bền vững, cạnh tranh và phù hợp xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.

Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã tổ chức triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng theo nhiệm vụ được phân công, đặc biệt là phát huy bản sắc năng động, sáng tạo của Thành phố, vai trò vị trí của Thành phố trong suốt quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế, phát triển thị trường tài chính và hoạt động ngân hàng để tổ chức, triển khai thực hiện tốt chương trình hành động này.

Các hoạt động đã triển khai

Trên cơ sở nội dung của Chiến lược và chương trình hành động thực hiện Chiến lược, theo nhiệm vụ được giao cho các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, đặt trong vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã tập trung và thực hiện, tổ chức thực hiện một số hoạt động chủ yếu sau:

Thứ  nhất, tổ chức triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành trên địa bàn. Trong đó, chỉ đạo các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn xây dựng chương trình kế hoạch để thực hiện Chiến lược, cũng như xây dựng chế độ báo cáo theo yêu cầu.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM

Thứ hai, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng, chương trình hành động và nhiệm vụ của ngành ngân hàng Thành phố, của NHNN Chi nhánh Thành phố đến toàn thể cán bộ công chức của Chi nhánh, nhằm đảm bảo phối hợp tổ chức triển khai thực hiện tốt, cũng như nhận thức của mỗi cán bộ công chức về ý nghĩa, mục tiêu và sự thành công của ngành ngân hàng khi thực hiện hiệu quả Chiến lược.

Thứ ba, phối hợp trong công tác truyền thông và có kế hoạch để thông tin tuyên truyền (thường xuyên) về Chiến lược, quá trình thực hiện và kết quả thực hiện Chương trình hành động.

Thứ tư, tổ chức theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện Chiến lược của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, cũng như nhanh chóng phản ánh, báo cáo NHNN theo chương trình đã đề ra.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn như là giải pháp nền tảng và có vai trò hỗ trợ quan trọng để thực hiện thành công chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng trên địa bàn, với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục thực hiện và thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng của NHNN giai đoạn 2016 - 2020 và hướng đến nâng cao năng lực hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế - Basel II giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025, kết quả đạt được gắn với việc chỉ tiêu nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới mức 3%; đồng thời tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16 - 17%.

Trong quá trình này, NHNN Chi nhánh TP.HCM và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM với vai trò quản lý, thanh tra, giám sát trên địa bàn sẽ phối hợp và cùng nhau hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc triển khai và thực hiện tốt Đề án xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, cũng như các vấn đề liên quan tới hoạt động này.

2. Tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, với vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn, NHNN Chi nhánh TP.HCM tổ chức triển khai cơ chế chính sách của ngành, của Ủy ban nhân dân Thành phố đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn để định hướng các ngân hàng trong việc tập trung tín dụng vào các lĩnh vực cần quan tâm, đó là 5 lĩnh vực, ngành kinh tế (nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); cho vay doanh nghiệp theo chương trình kích cầu của Thành phố; cho vay doanh nghiệp bình ổn và triển khai cho các ngân hàng nắm bắt để thực hiện cho vay doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của Thành phố…

Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, thực hiện tốt vai trò “là huyết mạch của nền kinh tế”.

3. Tăng cường và nâng cao hiệu quả, kết quả thực hiện đối với việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong năm 2019 và đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ như thuế, điện, nước, học phí, viện phí, đồng thời mở rộng phạm vi, đối tượng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4.

Đây là điểm quan trọng cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ hành chính công trên địa bàn, qua đó, tạo sự thuận lợi cho người dân khi giao dịch với chính quyền, cơ quan nhà nước, dần tạo lập một nền hành chính văn minh, hiện đại, minh bạch và công khai, hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

4. Ngành ngân hàng Thành phố tiếp tục tổ chức triển khai và thực hiện tốt các hoạt động cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, các ngân hàng xây dựng kế hoạch hành động hướng đến tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng, thông qua các hoạt động mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới mô hình giao dịch, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tiết giảm chi phí đầu vào.

Trên cơ sở đó, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và xem đây là hoạt động thường xuyên liên tục trong quá trình hoạt động, là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững trong hoạt động ngân hàng.

Những bài học kinh nghiệm

Từ quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra.

Một là, chủ trương chính sách và định hướng đúng đắn của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng sẽ tạo động lực tăng trưởng và phát triển bền vững ngành ngân hàng, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thị trường tài chính, của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Bài học này đòi hỏi các nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành ngân hàng phải được đảm bảo thực hiện tốt.

Trong đó, để phát triển ngân hàng trung ương hiện đại và hướng tới đạt được mô hình quản lý như mục tiêu đề ra trong giai đoạn đến năm 2030, ngoài các giải pháp về đổi mới và nâng cao trình độ quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…, thì quan trọng là phải đạt được các mục tiêu chính sách như chống đô-la hóa; phát triển hiệu quả thị trường tài chính; mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo dư địa, nâng cao hiệu quả trong thực hiện và điều hành chính sách tiền tệ - nền tảng quan trọng để phát triển ngân hàng trung ương hiện đại.

Bên cạnh đó, việc thực hiện và hoàn thành mục tiêu chuyển từ quan hệ gửi - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp và người dân trong thanh toán, mua bán hàng hóa, dịch vụ với nước ngoài, sẽ không chỉ góp phần quan trọng trong việc chống đô-la hóa nền kinh tế, mà còn tạo thuận lợi và hiệu quả trong điều hành, thực thi các chính sách về lãi suất, tỷ giá, hoạt động tín dụng, cũng như giảm thiểu yếu tố rủi ro và hệ lụy mỗi khi đồng đô-la Mỹ biến động, thị trường tài chính biến động.

Ngoài ra, thị trường tài chính phát triển và sử dụng vốn hiệu quả từ nền kinh tế sẽ giảm bớt áp lực vốn đối với hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn, gắn với bản chất là các định chế tài chính cung cấp dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cho nền kinh tế.

Kết quả này góp phần quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, trong việc thực hiện mục tiêu cơ bản của chính sách tiền tệ, đó là ổn định giá trị tiền đồng, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, bài học về công tác tổ chức triển khai thực hiện và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề ra. Bài học này nhằm đảm bảo cho các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược phát triển ngành ngân hàng được thực hiện tốt và đạt các mục tiêu của chiến lược đề ra cho ngành ngân hàng, NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong đó, trên cơ sở nhiệm vụ được giao đối với mỗi đơn vị thuộc NHNN và đối với các tổ chức tín dụng, cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, kế hoạch và lộ trình phù hợp với chương trình hành động của ngân hàng trung ương, nhằm đạt được các kết quả cụ thể qua từng năm, từng giai đoạn góp phần quan trọng trong việc đạt mục tiêu chung của toàn ngành.

Giá trị bài học này, không chỉ với việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng, mà còn là kết quả thực tiễn quý báu từ việc tổ chức triển khai cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHNN và Ủy ban nhân dân Thành phố trong suốt thời gian qua.

Trong đó, từ việc hình thành và phát triển các loại hình ngân hàng thương mại cổ phần, phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng, đến việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cho vay bình ổn thị trường; cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất… đã trở thành những mô hình điểm, mang đậm dấu ấn về công tác tổ chức triển khai thực hiện.

Bài học này đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị theo chương trình hành động đã phân công. Trong đó, đối với NHNN Chi nhánh TP.HCM - cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trên địa bàn Thành phố, phải tập trung tổ chức tốt khâu triển khai thực hiện; theo dõi, giám sát thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý (hoặc đề xuất kiến nghị để xử lý) phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình hành động và công tác báo cáo tổng kết đánh giá… Các hoạt động này phải được thực hiện tốt, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường và chấp hành đúng quy định của các đơn vị thực hiện.

Ba là, bài học về hiệu quả của quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu, có liên quan trực tiếp đến hiệu quả để đạt được các mục tiêu của Chiến lược đã đề ra.

Hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nhằm khắc phục tồn tại hạn chế nội tại của hệ thống; nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác sử dụng tốt các nguồn lực như vốn, công nghệ, nguồn nhân lực… cũng chính là những vấn đề thuộc nội dung và các giải pháp của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả chiến lược này, trước hết, các tổ chức tín dụng phải thực hiện và quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Thành công của hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng, trong việc đạt được các mục tiêu theo lộ trình của Chiến lược đã đề ra.

Tin bài liên quan