Thực hư chuyện doanh nghiệp xi măng càng xuất càng lỗ

Thực hư chuyện doanh nghiệp xi măng càng xuất càng lỗ

(ĐTCK) Thời gian qua, dư luận rộ lên thông tin, doanh nghiệp xi măng Việt Nam lỗ nặng khi xuất khẩu. Thực hư câu chuyện này như thế nào?

Trên thị trường thời gian qua có thông tin các doanh nghiệp xi măng trong nước xuất khẩu xi măng với giá chỉ từ 38 - 40 USD/tấn (tương đương 800.000 - 845.250 đồng), thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, tất cả các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đều khẳng định, thông tin trên là không chính xác.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, mức giá 38 - 40 USD/tấn là giá xuất khẩu clinker trung bình ở các doanh nghiệp, còn giá xuất khẩu xi măng ở mức 50 - 56 USD/tấn.

Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, giá xuất khẩu xi măng của VICEM khoảng 56 USD/tấn và giá clinker ở mức 39 USD/tấn. Nếu tính cả thuế VAT mà xi măng xuất khẩu được miễn, thì giá xuất khẩu xi măng ở mức 60,5 USD/tấn (khoảng 1,28 triệu đồng) và clinker ở mức 41,8 USD (khoảng 882.800 đồng). Giá bán này tương đương giá bán trong nước, nhưng doanh nghiệp sản xuất xi măng được lợi hơn vì thu ngay được tiền bán hàng bằng ngoại tệ, chứ không bị nợ đọng như tiêu thụ trong nước.

Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cũng khẳng định, hiện giá xuất khẩu xi măng của Cẩm Phả ở mức 55 - 56 USD/tấn và clinker ở mức 38 USD/tấn. Với giá bán này, việc xuất khẩu có lãi dù lãi không lớn, không có chuyện bị lỗ.

“Việc Xi măng Cẩm Phả bị lỗ trong những năm trước đây là do chi phí tài chính, chứ không phải do xuất khẩu. Bằng chứng là sau khi về với Viettel, được cơ cấu lại tài chính, năm 2014, chúng tôi dự kiến sẽ có lãi”, ông Vịnh cho biết.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về thông tin các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước bị lỗ khi xuất khẩu, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, phải nhìn bức tranh toàn cảnh của ngành xi măng Việt Nam mới thấy rằng, thị trường tiêu thụ xi măng đang còn chồng chất khó khăn. Xuất khẩu vẫn là đầu ra khả quan cho sản phẩm, khi tiêu thụ trong nước chưa thể tăng nhanh.

Thực tế thị trường trong 2 năm qua thì thấy, năm 2012, tình trạng tồn kho trong nước lên tới đỉnh điểm, để giảm hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp xi măng đã cạnh tranh bằng cách “đại hạ giá” và khuyến mại khủng. Tuy nhiên, việc hạ giá không làm các doanh nghiệp sống tốt hơn, mà còn khiến con số lỗ của toàn ngành lên đến cả chục ngàn tỷ đồng, nhiều nhà máy dừng phải sản xuất, đóng cửa, hoặc tìm đối tác để bán lại.

Sang năm 2013, với hướng đi là tìm đầu ra bằng con đường xuất khẩu, bức tranh toàn ngành xi măng bớt ảm đạm hơn. Cụ thể, trong số 61 triệu tấn xi măng được tiêu thụ trong năm này, thì xuất khẩu đóng góp tới 14 triệu tấn.

Theo số liệu này, thì tiêu thụ xi măng trong nước năm 2013 khoảng 47 triệu tấn, tương đương năm 2012, mảng sáng tiêu thụ của ngành xi măng trong năm 2013 chính là nhờ con đường xuất khẩu.

Theo dự báo, tình hình tiêu thụ trong nước còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2014 và các năm tới, trong khi đó, áp lực dư cung luôn hiện hữu.

Năm 2014, ngành xi măng đặt mục tiêu tiêu thụ khoảng 62 - 63 triệu tấn, nhích nhẹ so với năm 2013. Tuy nhiên, nếu tình hình khả quan và ngành xi măng đạt kế hoạch tiêu thụ đề ra, thì công suất toàn ngành vẫn ngành vẫn dư thừa trên 7 triệu tấn, chưa kể đến 7 triệu tấn của 5 dây chuyền sẽ đưa vào vận hành cuối năm. Như vậy, tương lai của ngành xi măng vẫn khá u ám và xuất khẩu vẫn là hướng đi tốt để tìm đầu ra cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xi măng nói riêng, họ phải tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của chính mình. Mục tiêu chính của doanh nghiệp là lợi nhuận, đem lại lợi ích tối đa, hoặc giảm thiểu thiệt hại cho mình. Việc doanh nghiệp xi măng trong nước tìm kiếm đầu ra bằng con đường xuất khẩu để giảm bớt hàng tồn kho, giảm áp lực lãi vay là hướng đi mà doanh nghiệp đã tính toán kỹ. Vì vậy, không có chuyện các chủ doanh nghiệp tự tay ném tiền của mình qua cửa sổ.

Hơn nữa, việc doanh nghiệp tự cứu mình là đã góp sức cứu cả nền kinh tế, vì vậy, không thể kết luận các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng đã làm thất thoát, hay lãng phí tài nguyên quốc gia.

Tin bài liên quan