Thực phẩm dồn dập tăng giá

(ĐTCK-online)Trái với quy luật hàng năm là giá cả các mặt hàng tiêu dùng nói chung và giá lương thực, thực phẩm nói riêng thường tăng mạnh vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, thì năm nay, chỉ số giá cả tiêu dùng lại có những biến động mạnh vào giữa năm. Hiện tượng “giá tăng trái mùa” này không chỉ khiến người tiêu dùng lo ngại, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất lúng túng trong việc tìm các giải pháp bình ổn thị trường. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, giá cả các mặt hàng tiêu dùng tiếp tục có biến động.

Mấy tháng gần đây, các loại thực phẩm chế biến từ gia cầm, thủy cầm gần như đã bị người tiêu dùng “loại” ra khỏi danh sách thực phẩm cần thiết hàng ngày, chuyển sang các loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt bò, thủy sản... Nắm bắt được tâm lý này, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm tại các chợ đã nhanh chóng “điều chỉnh” giá, “đẩy” giá thực phẩm nhích lên từng ngày.

Chị Hà, bán hàng tại chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, người dân không còn “mặn mà” với thịt gia cầm, thủy cầm như trước, từ đầu năm đến nay, giá thịt gà giảm từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, nhưng vẫn không bán được, xu hướng của đa số người tiêu dùng là chuyển sang sử dụng thịt lợn làm “chủ đạo” trong thực đơn hàng ngày. “Tháng trước, thịt lợn nạc thăn mỗi cân giá chỉ gần 50.000 đồng, thì nay đã xấp xỉ 60.000 đồng”, chị Hà cho biết.

Bà Nguyên, bán thịt lợn lâu năm ở chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét, giá thịt lợn hơi đã tăng lên đáng kể, nếu sau Tết, giá mới dao động từ 18.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg thì nay đã lên tới 25.000 đồng/kg. “Do vậy, các hộ kinh doanh phải điều chỉnh giá bán cho phù hợp. Riêng trong tháng 7 này, giá thịt lợn đã tăng thêm từ 3.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg tùy loại”, bà Nguyên nói.

Theo khảo sát, không chỉ có thịt lợn tăng giá, mà hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá bán, trong đó giá thủy, hải sản cũng tăng lên đáng kể. Giá bán các loại cá (cá thu, cá quả, cá chép...) mỗi kg tăng khoảng 2.000 -3.000 đồng so với tháng trước.

Chị Hương ở tổ 10 A, Thịnh Quang (Hà Nội) cho biết, trước đây tiền mua thức ăn bình quân của gia đình chị (có 4 thành viên) là 35.000 đồng/ngày, trong đó tiền rau chỉ khoảng 5.000 đồng, còn lại là tiền thịt hoặc các loại thức ăn khác, nhưng hiện tại với số tiền trên chỉ mua được lượng thực phẩm bằng một nửa. “Không chỉ riêng thịt tăng giá, mà rau cũng rất đắt đỏ, vài tháng trước, một mớ rau muống cỡ to chỉ khoảng 2 000 đồng đến 2.500 đồng, còn bây giờ, ít nhất là 3.000 đồng một mớ, các loại rau quả khác như bầu, bí... cũng tăng thêm từ 500 đồng đến 1.000 đồng”, chị Hương nói..

Qua khảo sát tại các chợ Cầu Giấy, Thành Công... ở Hà Nội có thể thấy, hầu hết các mặt hàng thịt, cá, rau đều tăng, riêng giá thịt lợn tăng nhiều nhất. Hiện tại giá thịt dọi khoảng 40.000 đồng/kg, thịt mông sấn khoảng hơn 40.000 đồng/kg; thịt thăn là 45.000đ/kg; thịt bò tăng tới  90.000 đồng/kg...

Theo phân tích của cơ quan quản lý giá cả, trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ, giá thực phẩm tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung. Nguyên nhân là do chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch cúm gia cầm tái phát và lan rộng ở nhiều địa phương, người tiêu dùng không còn “mặn mà” với sản phẩm thịt và trứng gia cầm mà chuyển sang dùng thịt lợn, thịt bò và thủy sản. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giá thịt lợn, thịt bò, tôm, cá tăng. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của thời tiết cũng là nguyên nhân khiến các mặt hàng rau, củ quả tăng mạnh.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, nếu giá tiêu dùng cũng tăng như  thời điểm những tháng cuối năm 2006 (tháng 8 tăng 0,4%, tháng 9 tăng 0,3%, tháng 10 tăng 0,2%, tháng 11 tăng 0,6%, tháng 12 tăng 0,5%, tức là tăng 2,02%) thì cả năm 2007 sẽ tăng 8,34%.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để kiềm chế và giữ ổn định giá thị trường, các bộ, ngành cần bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu chính của nhiều ngành sản xuất; áp dụng tốt các biện pháp tài chính để giảm chi phí, giảm giá, khống chế bội chi ngân sách ở mức hợp lý (bằng khoảng 5% GDP). Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Trí Long, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, để kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá cả tiêu dùng trong các tháng tới, vấn đề quan trọng là cần khống chế yếu tố tâm lý. “Yếu tố quan trọng nhất là sự chủ động của từng doanh nghiệp sản xuất trong phương thức quản lý doanh nghiệp, cũng như sự quản lý điều hành ở từng địa phương trong các quyết định điều chỉnh giá”, ông Long nói.