Thực thi Hiệp định CPTPP: Doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn nữa để vừa tăng được giá trị xuất khẩu, vừa tăng được ưu đãi thuế trong các lô hàng xuất sang các thị trường thuộc CPTPP.
Ngành dệt may Việt Nam chưa thể thỏa mãn quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan trong CPTPP do vẫn đang phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu.

Ngành dệt may Việt Nam chưa thể thỏa mãn quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan trong CPTPP do vẫn đang phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu.

Xuất khẩu tăng tốc

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề “Tận dụng ưu thế của người đi đầu” hôm 26/12, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, sau 3 năm thực thi CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; nhập khẩu 43 tỷ USD, tăng 16,26% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 4,4 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do trước đó đạt dấu ấn tăng trưởng kỷ lục. Cụ thể, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021; con số với Mexico là khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Thủy sản là ngành tận dụng CPTPP để tăng tốc xuất khẩu khá điển hình. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin, sau hơn 3 năm thực thi CPTPP, 10 nước thành viên CPTPP đang chiếm đến 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, năm 2021, tỷ trọng này là 25%, cho thấy độ phủ sóng của thủy sản Việt Nam tại khu vực thị trường này ngày càng rộng hơn.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp, đại diện Tập đoàn PAN đánh giá, CPTPP tạo ra một cú hích cho các sản phẩm nông nghiệp của Tập đoàn chinh phục các thị trường mới. Nhiều sản phẩm của PAN như gạo Vinaseed, hạt điều Lafooco... từng bước chiếm được thị phần ở Mỹ Latinh.

Doanh nghiệp cần nhanh chân hơn

Doanh nghiệp cần kết nối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước, cũng như trong khối CPTPP. Việc kết nối này sẽ giúp hàng hóa của doanh nghiệp có thêm cơ hội để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa, từ đó có thể tận dụng ưu đãi thuế quan mà CPTPP mang lại.

- Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều thay đổi, lợi thế “người đi đầu” của Việt Nam không còn kéo dài, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn nữa để khai thác CPTPP, gia tăng tận dụng ưu đãi thuế quan theo các cam kết trong hiệp định này.

Nhiều quốc gia nhìn thấy tác động tích cực từ CPTPP nên đã xin gia nhập FTA này. Ông Thái cho biết, bên cạnh Vương quốc Anh đã đệ đơn, nhiều quốc gia và nền kinh tế khác, như Trung Quốc và Đài Loan, Hàn Quốc, cũng xin gia nhập FTA này. Urugoay, Costa Rica cũng bày tỏ mối quan tâm đến CPTPP.

Thực tế thời gian qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa giải quyết được vướng mắc về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế tại CPTPP. Theo bà Phạm Thị Ngọc Minh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nguyên nhân là quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng trong CPTPP được xem là chặt nhất so với các FTA khác.

Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may trong CPTPP là quy tắc xuất xứ 3 công đoạn từ sợi trở đi. Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam lại nhập khẩu nhiều nguyên liệu, nên chưa thể thỏa mãn quy tắc xuất xứ của CPTPP.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho hay, trong 3 năm thực thi CPTPP, tỷ lệ xin chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan đối với ngành dệt may rất thấp. Lý do là, trong 7 nước đã ký CPTPP, Việt Nam đã có hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương và các doanh nghiệp đã tận dụng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định này từ trước. Thậm chí, điều kiện để được hưởng mức thuế suất 0% theo FTA giữa Việt Nam - Nhật Bản còn dễ thở hơn so với CPTPP.

Các chuyên gia khuyến cáo, với một loạt FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi, doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều lựa chọn để được hưởng ưu đãi, không nhất thiết phải là CPTPP. Trong giai đoạn tới, các ngành xuất khẩu cần phát triển bền vững nguồn nguyên liệu trong nước nhằm gia tăng việc tận dụng ưu đãi thuế quan tại CPTPP.

Theo Vasep, với việc vẫn phải nhập 20-30% nguyên liệu, xuất khẩu thủy sản sẽ bị ảnh hưởng lớn khi chi phí nhập khẩu tăng cao trong bối cảnh lạm phát ở các thị trường lớn. “Vasep mong muốn rằng, các chính sách của Nhà nước có thể điều chỉnh phù hợp hơn, như xem xét kéo dài thêm một số chính sách của giai đoạn Covid-19”, ông Nam nêu.

Tin bài liên quan