Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Quyết sách giữ chân nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Việc Quốc hội quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV Dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, có thể nói, là bước đi tích cực, là thông điệp rất rõ ràng của Việt Nam về việc sẽ bắt đầu thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Đây cũng là thông điệp về một Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện vào kinh tế toàn cầu và sẵn sàng tham gia các luật chơi chung. Điều này chắc chắn sẽ tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ hơn đối với cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 còn vì chính lợi ích của Việt Nam. Đây là một quyết sách quan trọng để giữ chân và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% với những công ty có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR, bắt đầu từ năm 2024. Ở Việt Nam, có hơn 1.000 công ty thuộc diện này.

Nếu tham gia “sân chơi” chung, Việt Nam không chỉ giành quyền đánh thuế bổ sung (theo tính toán của Bộ Tài chính , có thể lên tới 14.600 tỷ đồng/năm).

Quan trọng hơn, là Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch hơn, tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế.

Đó cũng chính là lý do vì sao, khi thảo luận tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, cần thiết phải ban hành ngay nghị quyết này. Và không chỉ là các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, các nhà tư vấn chính sách, kể từ khi câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu “nóng” lên từ năm ngoái, đều khuyến nghị rằng, Việt Nam nên áp dụng Cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Song song đó, cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho các nhà đầu tư nước ngoài, để giữ chân và thu hút nhà đầu tư mới.

Điều này tiếp tục được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận mới đây. Rằng cần thiết có thêm nghị quyết về chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn, nhằm đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu: vừa thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam, vừa không vi phạm các cam kết quốc tế và không đi ngược lại với xu thế hội nhập. Rằng chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng, hướng tới tất cả doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách hướng tới, không phân biệt đó là các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không…

Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang được giao hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Việc này là cần thiết không chỉ trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được áp dụng từ năm tới, mà còn vì Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để đón dòng vốn đầu tư vào trong các lĩnh vực như bán dẫn, hydrogen xanh, năng lượng tái tạo…

Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới, song hành với việc ban hành nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, vì thế là vô cùng cần thiết và quan trọng. Nhiều đại biểu Quốc hội còn cho rằng, không nên ban hành nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung một cách đơn lẻ, mà cần sớm ban hành cả nghị quyết về chính sách hỗ trợ bổ sung để giữ chân các nhà đầu tư cũ, tránh hệ lụy nếu các nhà đầu tư này rời khỏi Việt Nam.

Thông tin đáng mừng là, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, khi phát biểu kết luận phần hội thảo tại nghị trường xoay quanh Dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đã cho biết, trong tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất sẽ báo cáo Quốc hội nội dung về ưu đãi đầu tư trong kỳ họp này, đồng thời sẽ thể hiện vào nghị quyết chung của kỳ họp. Các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ xây dựng một nghị định phù hợp với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực cần được ưu đãi với những chính sách phù hợp.

Đó là động thái tích cực, là bước đi quan trọng và cần thiết, thể hiện quyết tâm lớn của Việt Nam trong việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như trong tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi và công bằng. Quyết sách trên, khi được thông qua và ban hành, sẽ góp phần quan trọng giữ chân và thu hút các nhà đầu tư lớn, cùng dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Tin bài liên quan