Thuế chứng khoán: Những câu hỏi từ thị trường

Thuế chứng khoán: Những câu hỏi từ thị trường

(ĐTCK-online) Nếu có ý định gắn bó lâu dài với TTCK thì ngay từ bây giờ, mỗi NĐT hãy tính toán xem nên quyết định đóng thuế thu nhập theo hình thức nào.

Nhìn vào diễn biến thực tế trên TTCK hiện nay có thể thấy hầu hết NĐT đều lỗ và theo lý thuyết họ nên chọn phương pháp đóng 20% trên thu nhập tính thuế cả năm, như thế sẽ được kết chuyển lỗ trong 5 năm. Tuy nhiên, hình thức thu thuế này cũng có nhiều tình huống nếu cơ quan thuế không xem xét một cách thấu đáo có thể gây thiệt thòi và ức chế tâm lý nơi NĐT.

Theo quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), NĐT được lựa chọn một trong hai hình thức đóng thuế. Thứ nhất, đóng 20% trên thu nhập tính thuế cả năm, con số này được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ (-) giá mua của phần vốn góp và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng. Thứ hai, đóng thuế 0,1% trên giá trị bán chứng khoán từng lần. Nếu NĐT chọn theo cách thứ nhất, họ phải đăng ký với cơ quan thuế từ tháng 12 năm trước và cuối năm phải tự kê khai, quyết toán với cơ quan thuế. Cách thứ hai thì NĐT không phải đăng ký và làm bất cứ thủ tục gì với cơ quan thuế. Một điểm đáng chú ý là dù thực hiện theo cách nào chăng nữa, NĐT cũng bị khấu trừ luôn 0,1% giá trị mỗi lần bán chứng khoán và trong trường hợp chọn phương án thứ nhất, nếu cuối năm quyết toán thuế, NĐT lỗ thì được hoàn thuế và nếu có lãi và số thuế phải nộp cao hơn số tiền cơ quan thuế đã tạm thu thì sẽ phải nộp thêm.

Nếu NĐT chọn cách nộp 0,1% giá trị mỗi lần bán chứng khoán thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát  nhỏ của ĐTCK thực hiện với khoảng 20 NĐT (những người tham gia thị trường từ 3 - 8 năm) cho thấy, 70% chọn cách thứ nhất vì… đang lỗ. Vậy nên sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra từ thị trường.

Băn khoăn đầu tiên là xác định giá mua. Hiện trên TTCK có những NĐT sở hữu cổ phiếu từ trước khi nó được niêm yết. Việc mua - bán giữa hai bên chỉ có giấy viết tay, không có sự xác nhận của DN phát hành cũng như của CTCK. Như vậy, giá mua sẽ xác định thế nào? Theo một thành viên Ban soạn thảo Nghị định, trong trường hợp này giá bán chứng khoán được tính theo sổ sách kế toán của công ty có chứng khoán được chuyển nhượng tại thời điểm bán. Nhìn lại thời điểm cuối năm 2006, đầu năm 2007 khi TTCK ở thời hoàng kim, nhiều cổ phiếu thời thượng như ngân hàng, dầu khí, năng lượng, NĐT mua với giá cao ngất ngưởng và giữa hai bên không hề có hợp đồng, nay tính ra họ đang lỗ nặng nhưng nếu áp giá mua theo giá trị sổ sách của công ty phát hành thì có khi lỗ lại thành lãi và phải đóng thuế (?).

Ngay cả đối với cổ phiếu đang niêm yết, trong một phiên giao dịch, NĐT có thể đặt hàng chục lệnh mua với những mức giá khác nhau, khi bán họ cũng bán thông qua nhiều lệnh, vậy xác định giá mua/giá bán thế nào chưa thấy dự thảo Nghị định đề cập.

Một câu hỏi nữa được đề cập là những chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng, ngoài yêu cầu phải có chứng từ, hóa đơn hợp lệ, theo tìm hiểu của ĐTCK, chi phí này chỉ bao gồm phí môi giới, các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phí ủy thác đầu tư, quản lý danh mục. Những chi phí như lãi vay (trong trường hợp NĐT mượn vốn và có hợp đồng của ngân hàng), phí tư vấn, học phí bồi dưỡng nâng cao kiến thức… dù có chứng từ, hóa đơn hợp lệ cũng không được khấu trừ. Nếu chi phí hợp lý được tính quá hẹp như vậy sẽ khó khuyến khích người dân tham gia đầu tư vào TTCK, họ sẽ tìm đến các hình thức đầu tư khác như mua vàng, gửi tiết kiệm...

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cách hành thu thuế chứng khoán khá đơn giản, không cần nhiều nhân lực. Cụ thể, CTCK có trách nhiệm khấu trừ thuế ngay khi lệnh được khớp, nếu cơ quan thuế phát hiện thu thiếu thì chính CTCK phải chịu trách nhiệm và việc thanh kiểm tra có hiệu lực trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, quy định nghiêm ngặt đó bước đầu chỉ có thể áp dụng được với chứng khoán niêm yết, con số rất nhỏ so với hàng nghìn loại chứng khoán của các công ty đại chúng hiện nay. Làm thế nào để thu thuế một cách công bằng giữa các NĐT? Theo quan điểm của các nhà làm luật, trong tương lai tất cả cổ phiếu của các công ty đại chúng đều phải được lưu ký và quản lý chặt chẽ, có thị trường giao dịch cho những cổ phiếu này. Song với những khó khăn về công nghệ, chi phí và năng lực tổ chức thị trường, để đưa hệ thống cổ phiếu OTC vào khuôn phép sẽ không đơn giản và thời gian có thể chậm hơn rất nhiều so với thời điểm NĐT phải nộp thuế đang đến gần. Cùng đầu tư chứng khoán, người nộp, kẻ không sẽ tạo ra những kẽ hở nảy sinh tiêu cực, Nhà nước thất thu thuế, NĐT bức xúc. Đó là chưa nói tới việc xác định giá mua, giá bán cổ phiếu OTC trên thị trường hiện vô cùng phức tạp. Nếu không có căn cứ hợp lý, lấy giá trị sổ sách của công ty phát hành cổ phiếu (như đã đề cập ở trên) làm người nộp thuế không "tâm phục khẩu phục" và ở nhiều trường hợp giá trị sổ sách của công ty phát hành cũng không chuẩn xác.

Với những rắc rối như trên cộng với việc đằng nào cũng bị khấu trừ thuế từ trước, cuối năm NĐT lại phải tự đi kê khai quyết toán thuế, chưa biết có được khấu trừ đồng nào hay không, không ít ý kiến cho rằng, thôi thì chọn cách nộp 0,1% mỗi lần bán chứng khoán cho tiện. Vậy là tuy đưa ra hai hình thức cho NĐT lựa chọn nhưng vô hình trung lại chỉ có một cách dễ thực hiện cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Theo khảo sát sơ bộ của ĐTCK, hầu hết NĐT ủng hộ chủ trương nộp thuế thu nhập, nhưng khi  văn bản hướng dẫn luật còn đang được soạn thảo, họ chỉ mong những khúc mắt nêu trên đến được với những nhà làm luật để có hướng dẫn "hợp tình, hợp lý", khuyến khích tinh thần "nộp thuế là quyền lợi, là nghĩa vụ", giải tỏa lo lắng lỗ cũng phải nộp thuế thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

 

Luật ưu tiên cho NĐT lựa chọn hai hình thức nộp thuế. Nếu tôi là NĐT nhỏ lẻ, tôi sẽ chọn cách nộp 0,1% giá trị bán chứng khoán cho gọn. Nếu là NĐT trường vốn, có ý định gắn bó với TTCK lâu dài có thể tôi sẽ chọn hình thức còn lại. Với hình thức này, có thể lúc giá chứng khoán xuống không nhất thiết phải bán ra thì không phải nộp thuế hoặc nếu bị lỗ thì sau đó có thể bù đắp lại.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính

 

Quy định như hiện nay thì NĐT nên chọn cách nộp thuế 0,1% mỗi lần bán chứng khoán cho đơn giản. Chúng tôi còn muốn kiến nghị nên quy định thống nhất cả tổ chức, cá nhân đầu tư chứng khoán đều nên áp dụng một hình thức thống nhất là thu 0,1%, tương tự như thuế khoán với các hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Nếu chọn hình thức kia, không ai tập hợp được chi phí, giấy tờ rồi chứng minh giá mua, giá bán được để mà cuối năm đi quyết toán, chờ hoàn thuế (nếu lỗ).

 

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCK Doanh nghiệp vừa và nhỏ

CTCK chỉ có thể khấu trừ tại nguồn với hình thức thuế khoán (tương tự Trung Quốc). Nếu NĐT chọn cách nộp thuế khác, CTCK cũng sẽ phải hỗ trợ họ giấy tờ, tính toán để họ có thể quyết toán thuế. Với một số ít NĐT thì còn được, chứ hàng nghìn NĐT là rất khó khăn, phải lập trình để thực hiện tự động.