Thùng gạo đón tài khí

Thùng gạo đón tài khí

(ĐTCK) Thùng gạo là nơi cất trữ lương thực, tự nhiên cũng là chỗ tụ tài. Tuy nhiên, để thùng gạo có tác dụng đón tài khí thì cần phải đặt ở nơi sinh vượng, tránh đặt nơi có ngũ hành xung khắc.

Theo Bách khoa toàn thư mở wikipedia.org, gạo là lương thực phổ biến của gần một nửa dân số thế giới. Trong đó, có khoảng 2 tỷ người ở châu Á dùng gạo và các chế phẩm từ gạo để bổ sung 60 - 70% nguồn năng lượng hàng ngày cho cơ thể.

Không cần nói đến giá trị dinh dưỡng cao của gạo, trong đó có nhiều vi chất cần thiết, thì thông tin trên cũng cho thấy, gạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người. Thực tế, từ bao đời nay, người dân Việt Nam nói riêng, người dân châu Á nói chung coi gạo là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Hạt gạo được người Việt ví là “hạt ngọc Trời ban”.

Thùng gạo đón tài khí ảnh 1

Mặc dù được Trời ban, nhưng để có được hạt gạo, người nông dân đã phải “một nắng, hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên đồng ruộng, với bao công đoạn cày bừa, gieo cấy, tưới nước, dọn cỏ… suốt mấy tháng ròng.

Ca dao Việt Nam đồng cảm với nỗi vất vả, nhọc nhằn, thấm đẫm mồ hôi đó của người nông dân khi lên tiếng nhắc nhở mọi người: “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Năm 1968, khi nhà thơ Trần Đăng Khoa mới tròn 10 tuổi đã viết bài thơ Hạt gạo làng ta: “Hạt gạo làng ta/Có vị phù sa/Của sông Kinh Thầy/Có hương sen thơm/Trong hồ nước đầy/Có lời mẹ hát/Ngọt bùi hôm nay/Hạt gạo làng ta/Có bão tháng Bảy/Có mưa tháng Ba/Giọt mồ hôi sa/Những trưa tháng Sáu/Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy”.

Chính vì thế, hạt gạo luôn được người dân trân quý, để nơi khô ráo, sạch sẽ, không làm rơi vãi hay sử dụng lãng phí.

Gạo là lương thực chính, trong bữa ăn hàng ngày không thể thiếu gạo, nên mọi nhà đều có thùng đựng gạo và thùng đựng gạo trở thành dụng cụ không thể thiếu trong nhà bếp. Vậy phải đặt dụng cụ quan trọng này ở nơi nào trong nhà bếp thì thích hợp?

Ngày xưa, đối với nhiều gia đình, gạo là tài sản quý giá, nên thường được đặt ở nơi kín đáo và được kê cách mặt đất để chống ẩm. Còn để tránh mối mọt, dân gian hay dùng một vài nhánh tỏi khô hoặc cắt đôi quả ớt, bỏ hạt, cho vào thùng gạo. Ngày nay, để thuận tiện cho việc sinh hoạt, thùng đựng gạo được đặt phía dưới tủ bếp, gần vị trí nấu cơm.

Tuy nhiên, lý luận phong thuỷ cho rằng, thùng gạo là nơi cất trữ lương thực, tự nhiên cũng là chỗ tụ tài, mà gạo có ngũ hành là Thổ, nên thùng đựng gạo cần được đặt tại phương vị Thổ. Phương Đông Bắc, Tây Nam đều thuộc Thổ, đặt thùng gạo ở hai phương này sẽ phát huy Thổ khí tốt nhất, từ đó tăng thêm năng lực đón tài khí của thùng gạo. Ngoài ra, có thể đặt thùng gạo tại phương Nam, dùng Hoả khí của phương này hỗ trợ cho Thổ khí của thùng gạo, vì Hoả sinh Thổ. Có hai phương vị cần tránh đặt thùng gạo là Đông và Đông Nam, vì hai phương này thuộc Mộc, sẽ khắc chế Thổ khí của thùng gạo.

Lưu ý, thùng gạo to có thể đựng nhiều gạo, giúp Thổ khí tăng, tức tăng tác dụng đón tài khí, nhưng cần dựa vào tốc độ sử dụng gạo trong nhà để quyết định kích thước thùng gạo. Nếu để quá nhiều gạo, dẫn đến ăn lâu hết, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Mặt khác, khi sử dụng gần hết gạo sẽ xuất hiện tình trạng “thùng rỗng”, hình thành cách cục “có kho nhưng không có (hoặc ít) của”, điều này ít nhiều sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến tài vận.

Do đó, trọng điểm đón tài của thùng gạo theo lý luận phong thuỷ không phải ở chỗ to hay nhỏ, mà là ở bên trong có gạo hay không. Cần phải kịp thời cho thêm gạo vào thùng mỗi khi sắp hết gạo. Đối với thùng gạo tự động, nhấn nút là một lượng gạo nhất định ở phía dưới sẽ chảy ra khay, thì chỉ cần đổ thêm gạo lên trên. Nhưng đối với thùng gạo bình thường, để tránh tình trạng lưu cữu gạo cũ, cần đổ số gạo cũ ra, sau đó cho gạo mới vào và đổ gạo cũ lên trên để sử dụng trước. Thùng gạo luôn đầy tượng trưng cho quần áo, thức ăn, của cải trong nhà luôn dư dả, không bao giờ thiếu.

Liên quan đến thùng gạo và mong muốn cả năm luôn no đủ, có ý kiến cho rằng, vào ngày 30 Tết, nên cho 4 thứ sau vào thùng gạo: cá muối (đã rán vàng), tỏi, hành củ và tỏi tây (hành, tỏi còn nguyên rễ). Bởi vì, cá khô có nghĩa là “của ăn của để”, tỏi có nghĩa là “luôn có lợi nhuận để tính”, hành có nghĩa là “thông minh”, còn tỏi tây có nghĩa là “cần cù”. Vào ngày mùng 1 Tết, lấy chúng ra và dùng để chế biến thực phẩm. Làm như vậy thì gia đình sẽ không bao giờ thiếu thức ăn.

Tuy nhiên, để tăng tác dụng đón tài của thùng gạo, các nhà phong thuỷ thường sử dụng cách sau: dùng túi màu đỏ đựng ba đồng tiền xu rồi đặt vào trong thùng gạo.