Thương hiệu với doanh nghiệp sản xuất: Tầm nhìn cho vị thế đầu ngành

Thương hiệu với doanh nghiệp sản xuất: Tầm nhìn cho vị thế đầu ngành

(ĐTCK) Trong danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam năm 2018 do Forbes Việt Nam công bố, với tổng giá trị thương hiệu đạt gần 8,1 tỷ USD, có nhiều thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất, đứng đầu là Vinamilk - giá trị thương hiệu gần 2,3 tỷ USD, các thương hiệu lớn khác là Sabeco, Masan Consumer, Hòa Phát, Thaco, Nutifood, TH Milk, Dược Hậu Giang, Habeco, Nhựa Bình Minh…

Ông Anantharaman Sridharan, Tổng giám đốc Công ty FWD Việt Nam cho rằng, xây dựng thương hiệu không phải là một mẫu quảng cáo hay một hoạt động truyền thông, mà là chiến lược thông tin về sản phẩm, dịch vụ và tương tác với khách hàng.

Trong đó, nếu sản phẩm, dịch vụ không đúng với cam kết hay không mang lại lợi ích thiết thực thì sẽ bị người tiêu dùng đánh giá không thân thiện với họ.

Nhiều chuyên gia cũng như những nhân sự phụ trách về xây dựng thương hiệu cho biết, xây dựng thương hiệu mạnh cần nhiều yếu tố, trong đó, đặc điểm quan trọng cần chú ý là khách hàng sẽ cảm nhận được giá trị thông qua thương hiệu.

Vì vậy, doanh nhiệp cần xây dựng được sự trung thành của khách hàng bằng cách mang đến cho họ chất lượng sản phẩm và dịch vụ ổn định ở mọi thời điểm. Để phát triển một thương hiệu thì đòi hỏi phải có thời gian và một tầm nhìn dài hạn.

Năm nay, Vinamilk là đơn vị lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu danh sách các thương hiệu giá trị nhất do Forbes công bố. Công ty đã nhận không ít giải thưởng lớn về thương hiệu và duy trì liên tục nhiều năm liền.

Chẳng hạn, theo báo cáo của Kantar World Panel công bố năm 2018, Vinamilk tiếp tục là thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam 4 năm liên tiếp, 2014 - 2017.

Chiến lược xây dựng thương hiệu dựa trên một giá trị cốt lõi, một ý tưởng bền vững về sản phẩm là yếu tố tiên quyết giúp thương hiệu của doanh nghiệp tồn tại lâu dài

Điều này đạt được là nhờ vào chất lượng sản phẩm vượt trội và sự nhận biết thương hiệu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu Vinamilk, cùng với hệ thống phân phối rộng khắp toàn quốc của doanh nghiệp có lịch sử hơn 40 năm hoạt động này.

Xây dựng danh mục sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả cạnh tranh…, từ đó được người tiêu dùng ủng hộ, Vinamilk có những lợi thế vượt trội, giúp Công ty liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, tăng trưởng ổn định. Vì thế, cổ phiếu VNM của Công ty trên thị trường luôn được các nhà đầu tư ưa thích, các tổ chức nước ngoài chạy đua để gia tăng tỷ lệ sở hữu.

Với Nhựa Bình Minh, đây là thương hiệu có vị thế đầu ngành nhựa, sản phẩm được định vị ở phân khúc chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Trong định hướng phát triển bền vững, cũng như chiến lược xây dựng thương hiệu của Nhựa Bình Minh, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu.

Đây là nguyên tắc tạo nên thương hiệu Nhựa Bình Minh trong suốt 40 năm hoạt động. Cũng bởi lẽ đó, sản phẩm ống nhựa Bình Minh đã định vị vững chắc trong lòng người tiêu dùng và được sử dụng ở nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn.

Nhờ vậy, dù nhiều năm không tăng chiết khấu bán hàng cho đại lý, Nhựa Bình Minh vẫn mở rộng được thị phần và duy trì hiệu quả kinh doanh qua các năm. Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, Công ty mới nâng mức chiết khấu thêm 4%, trong bối cảnh mức độ cạnh tranh trong ngành tăng cao.

Sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển của Nhựa Bình Minh là việc cổ đông Thái Lan - Nawaplastic Industries chính thức mua lại cổ phần BMP từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Cộng thêm tích cực gom trên sàn, cổ đông này đang sở hữu ở mức chi phối 54,39% vốn tại Nhựa Bình Minh. Giới đầu tư nhận định, sở dĩ cổ đông Thái Lan mạnh tay thâu tóm Nhựa Bình Minh bởi đây là đơn vị sở hữu 4 nhà máy với tổng công suất là 140.000 tấn, cùng hệ thống phân phối tốt, thương hiệu phổ biến với mức độ nhận diện cao.

Điều này sẽ giúp cổ đông ngoại, vốn là công ty thành viên của “đại gia” ngành nhựa - Tập đoàn SCG, xây dựng chuỗi giá trị tổng hợp trong ngành nhựa Việt Nam.

Trong ngành bia, thương vụ chi 4,8 tỷ USD mua cổ phần Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá 320.000 đồng/cổ phần của một tỷ phú người Thái Lan được cho là nhắm đến quyền kiểm soát hãng bia lớn nhất Việt Nam, nắm hơn 40% thị phần.

Một số ý kiến quan ngại về nguy cơ mất thương hiệu bia Sabeco. Tuy nhiên, tham vọng của cổ đông lớn này là phát triển thương hiệu Sabeco ở Việt Nam (tăng thị phần từ 40% lên 50% nhờ mạng lưới bán lẻ của Thaibev - công ty do vị tỷ phú Thái Lan trên làm Chủ tịch), đồng thời nâng tầm trong khu vực.

Trước mắt, ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết, Tổng công ty sẽ khai thác thị trường Thái Lan, Singapore thông qua hệ thống khách sạn của Thaibev.

Theo nhiều chuyên gia, thương hiệu muốn in sâu vào tâm trí khách hàng thì việc tái định vị là cần thiết cho bất cứ thương hiệu nào. Với những doanh nghiệp sản xuất thường xuyên nghiên cứu và tung ra các sản phẩm mới thì việc gửi gắm thông điệp qua các chương trình quảng cáo có tính gắn kết cao giúp người tiêu dùng nhớ và tìm đến nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc chú trọng xây dựng kênh bán hàng sẽ mang lại sự tiện dụng nhất cho người mua bất cứ đâu.

Trên tất cả, chiến lược xây dựng thương hiệu dựa trên một giá trị cốt lõi, một ý tưởng bền vững về sản phẩm là yếu tố tiên quyết giúp thương hiệu của doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Thương hiệu phải được vun đắp thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các hoạt động từ sản xuất đến cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Tin bài liên quan