Thương mại điện tử giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ sống sót trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo khảo sát của Alibaba, 10% doanh nghiệp cho biết, nhờ sử dụng thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh của họ không giảm sút mà thậm chí đã tăng lên bất chấp đại dịch Covid.
Thương mại điện tử giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ sống sót trong đại dịch

Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 cho biết, năm 2021, dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua, nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 6%, đạt 13,7 tỷ USD. Trong đó, tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Còn Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội”, được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 10/2022 cho thấy, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến đạt 23 tỷ USD trong năm 2022, nghĩa là tăng 28%, từ con số 18 tỷ USD trong năm 2021. Trong đó, thương mại điện tử đóng góp lớn với tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực (tăng 26%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc bán hàng Hộ kinh doanh Phạm Bá Tiến, một trong những doanh nghiệp sử dụng nền tảng thương mại điện tử tiết lộ: “Trong vòng 3 tháng kể từ khi đăng sản phẩm lên Alibaba.com, chúng tôi đã có được khách hàng đầu tiên - một người mua từ Mỹ đã hoàn tất giao dịch mua hàng chỉ sau một giờ. Với sự hỗ trợ của Alibaba.com, chúng tôi đã bắt đầu xuất khẩu quốc tế vào năm 2016 và kể từ đó, doanh thu đã tăng lên gấp gần 4 lần”.

Tuy nhiên, đại dịch Covid xuất hiện đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và xúc tiến thương mại để tiêu thụ hàng hóa tới người tiêu dùng trong, ngoài nước và thương mại điện tử cũng được nhận định gặp nhiều trở ngại.

Alibaba.com đã thực hiện một khảo sát từ hơn 1.000 nhà cung cấp B2B trên toàn thế giới với một số câu hỏi đặt ra bao gồm: Đại dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến công việc kinh doanh của bạn?; Bạn đã làm gì để duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong đại dịch?... lại cho thấy một góc nhìn khác.

Theo đó, hơn 55% số người được hỏi cho biết, doanh thu của họ giảm sút và 20% đóng cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, gần 15% số người được hỏi tuyên bố rằng hoạt động kinh doanh của họ không có gì thay đổi và 10% cho biết hoạt động kinh doanh của họ tăng lên thay vì giảm sút.

Lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết, sử dụng nền tảng thương mại điện tử B2B toàn cầu đã đóng vai trò là nguồn tài nguyên quý giá cho doanh nghiệp trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Nền tảng này đã giúp các doanh nghiệp chuyển hướng các hoạt động của mình sang trực tuyến để có thể duy trì trong giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn, các nền tảng đã triển lãm thương mại ảo và các sự kiện bán hàng kỹ thuật số, nhằm giúp các doanh nghiệp cùng nhau tạo lập nên các mối quan hệ kinh doanh mới.

Thêm vào đó, nền tảng thương mại điện tử còn cung cấp các công cụ giao tiếp thông minh, tự động dịch các cuộc trò chuyện, giúp phá bỏ rào cản ngôn ngữ, và kết nối nhiều đối tác thương mại tiềm năng với nhau. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được tiếp cận với nguồn dữ liệu khổng lồ từ hoạt động của sàn, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình xác định khách hàng mục tiêu, và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

“Những công cụ này và nhiều công cụ khác đã giúp các doanh nghiệp thâm nhập vào không gian kỹ thuật số và sống sót qua đại dịch”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Dù ảnh hưởng của đại dịch đang giảm dần theo thời gian và gần như cả thế giới đang hoạt động bình thường, nhưng những bài học trong suốt cuộc khủng hoảng toàn cầu này sẽ đi theo các doanh nghiệp trong nhiều thế hệ kế tiếp. Nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với những thử thách to lớn, nhưng trải nghiệm này đã giúp họ được trang bị tốt hơn để vượt qua các tình huống khó khăn, tiếp tục tiến về phía trước.

Rõ ràng, việc ghi lại cách thức các doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu này sẽ trang bị tốt hơn cho các doanh nghiệp, trong quá trình tìm đường vượt qua những cuộc khủng hoảng có quy mô tương tự trong tương lai. Có một vài phương pháp đã được những doanh nghiệp “sống sót” qua đại dịch áp dụng, đó là thương mại điện tử và số hoá, mở rộng kênh bán hàng, kiểm soát tài chính, đầu tư vào R&D và nhận viện trợ từ chính quyền địa phương.

Tin bài liên quan