Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội giải trình, tiếp thu Bộ luật Lao động.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội giải trình, tiếp thu Bộ luật Lao động.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động: Dứt khoát không tăng giờ làm thêm

Nhiều ý kiến của Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu vẫn tiếp tục thâm dụng lao động thì chủ doanh nghiệp không dại gì đầu tư máy móc, công nghệ, dây chuyền, thiết bị hiện đại, tiên tiến để tăng năng suất lao động mà vẫn cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ, bằng công sức, thời gian của người lao động.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được gút lại, chỉ còn 3 vấn đề cần phải thảo luận, là mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; tuổi nghỉ hưu; và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Nhưng cuối cùng chỉ còn mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm được nhiều thành Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm vào sáng nay, 2 nội dung còn lại về cơ bản đã đồng thuận.

Lo doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm

Về tăng giờ làm thêm, theo phương án 1, tức là giữ như quy định hiện hành (thời gian làm thêm giờ tối đa không quá 300 giờ/năm), đồng thời nâng quy định khống chế thời gian làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng, nhưng có quy định cụ thể về trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm. Còn theo phương án 2 là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm.

Đại diện Cơ quan thẩm tra Dự thảo luật, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, loại ý kiến tán thành với quan điểm tăng giờ làm thêm vì xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động (chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông trong lĩnh vực da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…) để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống; nhưng đề nghị phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động để tạo điều kiện tháo gỡ cho nhóm doanh nghiệp, ngành nghề có nhu cầu làm thêm giờ.

Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra không đồng tình với quan điểm này vì cho rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu”, bà Thúy Anh phát biểu.

Không bày tỏ chính kiến ủng hộ quan điểm nào, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng chia sẻ, trình độ phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ của Nhật Bản, Hàn, Singapore và Trung Quốc... hơn Việt Nam rất nhiều lần, nhưng học sinh của họ lại học hành nhiều hơn cả học sinh Việt Nam. Không phải mấy chục năm trước khi mà thu nhập của người lao động, quy mô nền kinh tế của những quốc gia này như Việt Nam thậm chí không bằng Việt Nam bây giờ, người lao động mới chăm chỉ làm việc, mà bây giờ các quốc gia này có trình độ kinh tế, thu nhập của người dân cao hơn Việt Nam rất nhiều, họ đã bước vào danh sách các nền kinh tế giàu có nhưng người lao động của họ vẫn tranh thủ vừa ăn vừa làm, tranh thủ cả giờ nghỉ, ngày nghỉ để làm việc.

“Khi còn là nền kinh tế thu nhập thấp, người dân chăm chỉ làm việc nên thu nhập của họ tăng bình quân 20-30%/năm nhờ đó quốc gia họ đã trở thành giàu có. Còn bây giờ, họ đã giàu có rồi nhưng ý thức lao động, khát vọng vươn lên vẫn không hề giảm vì Trung Quốc muốn đuổi kịp và vượt Hàn Quốc. Hàn Quốc lại muốn đuổi kịp và vượt Nhật Bản. Còn Nhật bản lại muốn vươn xa hơn nữa”, ông Dũng phát biểu.

Còn đối với Việt Nam, theo ông Dũng mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, quy mô, trình độ của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người phải đạt được từng này; đến năm 2030 phải đạt từng kia. Đây là khát vọng, nhưng để đạt được khát vọng thì mọi người dân phải cố gắng làm việc, chăm chỉ làm việc, phải có khát vọng làm việc.

“Có lẽ 5-7 năm nữa, khi trình độ khoa học - công nghệ, thu nhập của người lao động được cải thiện thì tính lại xem có nên làm thêm giờ hay không”, ông Dũng đề nghị.

Chưa giảm được thì không nên tăng

Ngoài ý kiến không rõ lập trường cụ thể là ủng hộ hay không ủng hộ tăng thời gian làm thêm giờ của ông Phan Xuân Dũng, thảo luận về nội dung này, tất cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ủng hộ phương án không tăng thời gian làm thêm giờ nếu chưa giảm được.

Từng là lãnh đạo doanh nghiệp (Giám đốc CTCP Gạch ốp lát Thái Bình), ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội không đồng tình với việc kéo dài thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm. Vì theo ông, nếu vẫn tiếp tục thâm dụng lao động thì chủ doanh nghiệp không dại gì đầu tư máy móc, công nghệ, dây chuyền, thiết bị hiện đại, tiên tiến để tăng năng suất lao động mà vẫn cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ, bằng công sức, thời gian của người lao động.

“Khi làm việc với đối tác nước ngoài, tôi từng tự hào là Việt Nam có lực lượng lao động hùng hậu, nhân công giá rẻ, người lao động cần cù, chịu khó, ý muốn nói là hàng hóa sản xuất ở Việt Nam có mức độ cạnh tranh rất cao. Tuy nhiên, đối tác bảo đây không phải là nhân tố cạnh tranh, vì ở các nước phát triển, hàng hóa cạnh tranh không phải bằng cách sử dụng người lao động làm việc thêm giờ với mức lương giá rẻ. Doanh nghiệp ở các nước phát triển đến Việt Nam khi đi tìm đối tác, người ta không tìm hiểu ngay chất lượng, giá thành, mẫu mã sản phẩm mà người ta đi xem bếp ăn, đời sống hằng ngày của người lao động, an toàn vệ sinh lao động, chế độ lao động của người làm ra sản phẩm…”, ông Phúc bày tỏ quan điểm không ủng hộ nâng thời gian làm thêm giờ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Hà Ngọc Chiến cho rằng, kéo dài thời gian làm thêm và không giảm thời gian làm việc chính thức là đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại và bất bình đẳng ngay chính tại Việt Nam.

“Công chức, viên chức trước đây là 48 tiếng/tuần, giờ giảm xuống chỉ còn phải làm việc 40 tiếng/tuần, trong khi người lao động ở khu vực khác vẫn phải làm việc 48 tiếng/tuần đã là bất bình đẳng. Giờ nếu chúng ta cho phép kéo dài thời gian làm thêm, tức là người lao động phải làm việc hơn 48 tiếng/tuần. Chúng ta phải phấn đấu giảm thời gian làm việc, tăng thu nhập, tăng năng suất lao động chứ không phải là cứ kéo dài thời gian làm việc, kéo dài thời gian làm thêm”, ông Chiến nhấn mạnh.

“Chúng ta đang ở khu vực có thu nhập trung bình thấp và mục tiêu là sớm bước vào danh sách các nước có thu nhập trung bình cao, nền kinh tế phát triển. Muốn đạt được điều này phải nâng cao năng suất lao động thông qua tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị, dây chuyền, máy móc, tăng hàm lượng giá trị gia tăng chứ không phải là thâm dụng lao động”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan điểm dứt khoát không tăng giờ làm thêm.

Tin bài liên quan