Tận dụng hết công suất chế biến của nhau, tránh đầu tư lãng phí, đang được nhiều DN thuỷ sản tính đến.

Tận dụng hết công suất chế biến của nhau, tránh đầu tư lãng phí, đang được nhiều DN thuỷ sản tính đến.

Thủy sản bắt tay để tăng tốc

(ĐTCK-online) Liên kết lỏng lẻo, thiếu hợp tác đang là điểm yếu của các DN thủy sản Việt Nam, dẫn đến tình trạng nông dân được mùa thì bị ép giá, nhiều DN đua nhau xây dựng nhà máy, trong khi những công ty đang hoạt động lại chạy chưa hết công suất hoặc thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Hai "đại gia" trong ngành thủy sản là CTCP Hùng Vương (HVG) và CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản An Giang (Agifish) đang có sự hợp tác chặt chẽ nhằm đạt hiệu quả tốt hơn trong kinh doanh. HVG mới đây đã mua 3,75 triệu cổ phiếu Agifish, tăng lượng nắm giữ lên 6,56 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 51,08%.

Sau khi HVG nắm giữ cổ phần chi phối tại Agifish, hai bên đã tận dụng tốt hơn lợi thế của nhau về thị trường xuất khẩu, vùng nuôi cá, nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động, thiết bị nhà xưởng sẵn có của nhau, đặc biệt vào thời điểm HVG đang có nhu cầu xây dựng nhà máy sản xuất, trong khi thiết bị nhà xưởng của Agifish lại chưa tận dụng hết. Agifish có 4 nhà máy chế biến cá, công suất sử dụng chỉ đạt 40%, nhưng hiện đã được nâng lên 80 - 100%. Bên cạnh đó, hai DN san sẻ thị trường cho nhau.

Thế mạnh của HVG là các thị trường Nga, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ. Với Agifish, đó là các thị trường xuất khẩu ở Mỹ và châu Âu. Thêm nữa, vùng nuôi của Agifish nhỏ nên khó chủ động được nguồn nguyên liệu, trong khi vùng nuôi cá, nguồn nguyên liệu của HVG ổn định, dồi dào, nên có thể hỗ trợ cho nhau.

So với đầu năm, công suất các nhà máy của Agifish được nâng lên rất nhiều, công suất chế biến tăng gấp đôi, lượng công nhân tăng thêm 30%. Lợi nhuận sau thuế quý II/2010 của Agifish là 16,6 tỷ đồng, tăng 533% so với mức 2,62 tỷ đồng thực hiện trong quý II/2009 và tăng 37,86% so với mức 12,04 tỷ đồng thực hiện trong quý I/2010.

 

Bài học từ "khan tôm"

Năm 2010, giá tôm nguyên liệu tăng kỷ lục, cứ 30 con có giá từ 130.000 - 150.000 đồng, trong khi trước đây chỉ có 70.000 đồng. Giá cao như vậy, nhưng DN vẫn thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng, không dám ký các đơn hàng mới. Để có nguồn nguyên liệu, các DN buộc phải nhập khẩu và chỉ ăn phí gia công, chế biến lại.

Hiện nay, đa số nhà máy xuất khẩu chế biến tôm dựa vào nguồn cung ứng bên ngoài, không chủ động vùng nuôi như các DN chế biến xuất khẩu cá tra. Do đó, khi nông dân không mặn mà với nuôi tôm, DN ngay lập tức gặp khó khăn. Nhìn lại năm 2008, người nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, nhưng giá rớt thê thảm (giảm 20 - 25% so với mọi năm). DN được thể ép giá mua thật thấp. Sang mùa tôm năm 2009, theo thống kê, 30 - 35% các địa phương "treo ao" tôm, người nuôi không còn khả năng tiếp tục nuôi tôm, dẫn tới nhà máy thiếu tôm nguyên liệu. Cung không đủ cầu, các nhà máy lại tranh nhau mua, tranh nhau nâng giá. Thấy giá tăng cao, nông dân đua nhau nuôi lại tôm, hệ quả là tôm giống chưa được đảm bảo và thiếu kiểm soát về chất lượng, dịch bệnh. Cộng với thời tiết nắng hạn, tôm chết hàng loạt, nông dân thất bại càng thêm chán nản, dẫn tới nguồn cung nguyên liệu khan hiếm. Mối liên kết giữa DN và người nuôi lỏng lẻo. DN không chịu đầu tư, cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm, cũng không có sự hỗ trợ thống nhất về giá bán, khiến ngành sản xuất chế biến tôm vẫn trong vòng luẩn quẩn.

Chủ động đầu tư vùng nuôi trồng, liên kết chặt chẽ với người nuôi - kinh nghiệm của CTCP Chế biến xuất khẩu thủy sản Minh Phú đang được nhiều đơn vị tham khảo. Trong cuộc đua tranh giành nguyên liệu gay gắt, Minh Phú vẫn duy trì được công suất của các nhà máy và chủ động tới 70% nguyên liệu. Agifish thì có mô hình Liên hợp Sản xuất cá sạch được đánh giá cao. Thành viên trung tâm của Liên hợp là các công ty, nhà máy chế biến thủy sản và chủ trang trại. Các chủ trang trại liên kết thành từng nhóm, mỗi nhóm có sản lượng từ 5.000 - 12.000 tấn và mỗi thành viên phải đạt từ 500 tấn trở lên. Các thành viên của Liên hợp cung cấp cho các nhà máy của Agifish bình quân 180 tấn cá nguyên liệu/ngày. Nhờ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và có những thống nhất với nhau, tỷ lệ cá nuôi loại 1 trong nhóm này tăng hơn 25%, chất lượng sản phẩm đồng nhất.