Tích cực gom đất, doanh nghiệp địa ốc tính đường dài

Tích cực gom đất, doanh nghiệp địa ốc tính đường dài

(ĐTCK) Mặc dù thị trường địa ốc 2020 tiếp tục xuất hiện thách thức lớn ngay từ đầu năm khiến kế hoạch ra hàng bị ảnh hưởng, nhưng nhiều ông lớn trong ngành vẫn thể hiện tham vọng trong tương lai thông qua việc chủ động tích lũy các lô đất lớn tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tích cực gom đất

Một trong những doanh nghiệp khá nổi trong hoạt động này thời gian qua phải kể đến Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - mã CK: HPX). Liên danh Hải Phát Invest và Công ty TNHH Hà Sơn vừa trúng thầu dự án Khu đô thị mới Mai Pha  (Lạng Sơn) với quy mô gần 92 ha và tổng mức đầu tư gần 2.900 tỷ đồng. 

Nằm ở phía Nam TP. Lạng Sơn, thuộc xã Mai Pha, dự án này được triển khai lập quy hoạch từ năm 2011, thực hiện theo chủ trương thu hút đầu tư phát triển đô thị của tỉnh Lạng Sơn. Cơ cấu sản phẩm của dự án bao gồm, nhà ở liền kề 2.457 hộ, nhà ở biệt thự 264 hộ, nhà tái định cư 119 hộ, nhà ở xã hội 152 hộ thấp tầng theo kiểu chia lô và khoảng 2.100 căn hộ ở xã hội cao tầng.

Tuy chưa chia sẻ cụ thể về kế hoạch đối với dự án này, nhưng hướng đi phát triển các dự án lớn ở nhiều địa phương trên cả nước là điều được các lãnh đạo Hải Phát Invest nói tới nhiều lần. Trên thực tế, trong suốt thời gian vừa qua, Hải Phát Invest đã liên tục mở rộng và hướng tới nhiều thị trường tiềm năng hơn, trong đó có Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu; Long An, TP. Huế…

Tương tự Hải Phát Invest, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (VPI) và Công ty VCI cũng đang lên kế hoạch triển khai khu đô thị quy mô 470 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là dự án khu đô thị trung tâm tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu và khu đô thị Hải Đăng, phường 12, TP. Vũng Tàu. Trong đó, dự án khu đô thị trung tâm tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu có quy mô khoảng 200 ha và Dự án Khu đô thị Hải Đăng, phường 12, TP. Vũng Tàu có quy mô khoảng 270 ha.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú và Công ty VCI, kinh phí xây sân bay mới khoảng 1 tỷ USD. Hai phương án đầu tư được đưa ra là: (1) bán đất sân bay cũ để lấy kinh phí và (2) đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư).

Ở phương án 2, nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện sân bay tại Gò Găng sau đó được khai thác, sử dụng quỹ đất sân bay hiện hữu để hoàn vốn hoặc được quyền khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.

Theo lãnh đạo Văn Phú Invest, việc đề xuất triển khai dự án nằm trong chiến lược mà Công ty đã định ra trong năm 2020. Theo đó, Văn Phú Invest sẽ không ngừng mở rộng địa bàn đầu tư, với nhiều dự án trọng điểm tại các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ… Các dự án của VPI có quy mô lớn, được đầu tư bài bản, tích hợp nhiều tiện ích hiện đại, với chất lượng cao và tiến độ thi công đảm bảo, được khách hàng đánh giá cao.

Tại Quảng Ninh, liên danh Công ty Liên Sơn và Công ty KDI vừa có buổi làm việc về việc đầu tư dự án Vega City Vân Đồn tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn. Trong đó, ý tưởng triển khai của liên danh chủ đầu tư này là phát triển dự án Vega City Vân Đồn thành dự án du lịch quy mô 473,99 ha với tổng mức đầu tư dự kiến là 10.000 tỷ đồng. Dự án du lịch này sẽ tái hiện lại thương cảng Vân Đồn trước đây.

Diện tích phát triển dự án gồm diện tích đất liền, mặt nước, sình lầy và bãi cạn. Diện tích dự án đã được nâng lên hơn 170 ha so với dự kiến trước đó. Dự án gồm 3 phân khu riêng biệt. Các hạng mục tại dự án gồm: các khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ, khu du lịch tâm linh, công viên di sản, khu vực tái hiện lại thương cảng cổ Vân Đồn, bảo tàng sinh thái biển, sân khấu trình diễn nghệ thuật thực cảnh, câu lạc bộ du thuyền, khu vui chơi giải trí, thể thao dưới nước, hơn 100 biệt thự nổi trên biển...

Được biết, người đại diện của Liên Sơn Quảng Ninh hiện là ông Lương Phan Sơn (sinh năm 1963) - cựu thành viên HĐQT Ngân hàng VPBank.

Hồi đầu năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về ý tưởng triển khai dự án khu dân cư nông thôn mới, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú). Theo báo cáo ý tưởng triển khai dự án của FLC, dự án này nhằm hướng tới xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng, thể dục, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp với nhiều loại hình dịch vụ du lịch đa dạng, đặc sắc kết hợp khu đô thị dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái tạo cơ sở hạ tầng du lịch đẳng cấp quốc tế.

Tổng quy mô dự án dự kiến khoảng 1.332 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Thanh Sơn và Phú An (huyện Tân Phú). Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 786 ha được lên ý tưởng phát triển khu quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, khu biệt thự, khu dân cư đô thị du lịch, công viên vui chơi giải trí. Trước đó, từ cuối năm 2019, FLC cũng đã tiến vào Gia Lai với dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại FLC Hilltop Gia Lai tọa lạc giữa trung tâm TP. Pleiku. Bên cạnh đó, FLC cũng đang xúc tiến triển khai nhiều dự án trọng điểm khác tại địa phương, quỹ đất cho mỗi dự án dự kiến lên đến hàng trăm héc-ta.

Chiến lược phát triển dài hạn

Hải Phát Invest, Văn Phú Invest, FLC, Liên Sơn, KDI… chỉ là một số trong rất nhiều ông chủ bất động sản có định hướng mở rộng quỹ đất ở các tỉnh trong năm 2020. Bên cạnh đó, những cái tên như Kosy, Phát Đạt, LDG, Alphanam, Đất Xanh... hoặc công khai, hoặc âm thầm vẫn đang quyết liệt thu gom quỹ đất.

Theo kết quả khảo sát nhanh với gần chục lãnh đạo các doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán của Báo Đầu tư Bất động sản, dù kế hoạch kinh doanh có điều chỉnh vì yếu tố thị trường bất lợi, nhưng kế hoạch mở rộng quỹ đất vẫn sẽ tiếp tục, thậm chí gia tăng mạnh hơn, bởi nếu không tích lũy quỹ đất vào thời điểm này thì trong tương lai sẽ rất khó phát triển.

Trong đó, nguyên nhân cơ bản là quỹ đất tại các thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM hiện còn rất hạn chế và thủ tục bàn giao rất nhiêu khê. Bên cạnh đó, do các thị trường này đã phát triển ổn định nên giá đất, suất đầu tư cao, lợi nhuận mang lại không thực sự hấp dẫn, thủ tục cấp phép đầu tư lại khó khăn, nên để có được bước phát triển mới, các doanh nghiệp phải hướng đến những vùng đất mới tiềm năng hơn. Hơn nữa, kết nối hạ tầng giao thông ở các địa phương trên cả nước đang phát triển rất mạnh cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

“Do đó, việc tìm kiếm và phát triển các quỹ đất lớn không chỉ nằm trong chiến lược lâu dài của doanh nghiệp địa ốc, mà ở thời điểm này, nó trở thành yêu cầu bắt buộc trước bối cảnh quỹ đất trung tâm các đô thị lớn khan hiếm”, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Alphanam chia sẻ và cho biết thêm, việc tăng cường tìm kiếm quỹ đất tỉnh lân cận cũng là cách để chuẩn bị nguồn cung mới cho thị trường trước thực tế sản phẩm đưa ra thị trường ngày càng ít đi. Theo dự báo, trong giai đoạn sắp tới, sản phẩm bất động sản sẽ đa dạng hơn, bên cạnh phân khúc nhà chung cư thì bất động sản nghỉ dưỡng (biệt thự, nhà phố biển, condotel….) sẽ có xu hướng nở rộ trên thị trường. Hoạt động đầu tư vì thế cũng được dự báo gia tăng.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Tập đoàn Kosy cho rằng, trong một thị trường “đất chật, người đông”, thì doanh nghiệp nào nắm quỹ đất càng lớn, càng có cơ hội phát triển. Năm 2020, thị trường bất động sản sẽ đứng trước nhiều khó khăn và thách thức về chính sách, cơ chế cũng như tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, có những kế hoạch ứng phó với sự biến động của thị trường và thanh khoản mang tính dài hơi thì vẫn có cơ hội lớn ở nửa sau của năm. Và việc tích lũy quỹ đất vào thời điểm này sẽ đảm bảo giúp các doanh nghiệp có được lợi thế lớn một khi thị trường tăng trưởng trở lại.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan