Tiền mã hóa: Quản lý cần đi đôi với “bảo tồn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Làn sóng quy định mới về tiền mã hóa đang dần lan rộng trên toàn cầu, đặt ra một thách thức không nhỏ: Làm thế nào để bảo vệ những giá trị cốt lõi đã định hình nên bản sắc công nghệ blockchain trong khi vẫn đảm bảo yếu tố quản lý?

Ngay từ khi ra đời, tiền mã hóa đã gắn liền với lý tưởng về tự do cá nhân và chủ quyền tài chính - những nguyên tắc nền tảng thúc đẩy sự hình thành của một hệ thống tài chính nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ và ngân hàng trung ương. Bitcoin, biểu tượng đầu tiên và nổi bật nhất của làn sóng này, đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới đầu tư. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ cũng làm dấy lên nỗi lo: Liệu những giá trị đó có bị mai một?

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, thách thức đặt ra không phải là lựa chọn giữa quản lý hay tự do, mà là tìm được điểm cân bằng hợp lý. Nếu được thiết kế đúng cách, các quy định có thể trở thành nền tảng vững chắc để bảo vệ và thúc đẩy các giá trị như phi tập trung và quyền riêng tư.

Luật sư Kayvan Sadeghi (Công ty Jenner & Block) cho rằng, tự do cá nhân và chủ quyền tài chính là linh hồn của thị trường tiền mã hóa. Tính phi tập trung và quyền riêng tư là phương tiện thiết yếu để đạt được mục tiêu đó.

Thực tế cho thấy, các nhà làm luật ngày nay bắt đầu nhìn nhận blockchain không chỉ là một công nghệ mới, mà còn là công cụ mang lại những giá trị độc đáo mà hệ thống tài chính truyền thống không có được. Khi được áp dụng đúng cách, blockchain giúp loại bỏ sự phụ thuộc vào các tổ chức trung gian tài chính, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả vận hành.

Tính phi tập trung không đơn thuần là một khái niệm kỹ thuật, mà là nền tảng cốt lõi cho nhiều ứng dụng blockchain - từ tài chính phi tập trung (DeFi) đến mạng xã hội phi tập trung hay danh tính số.

Thay vì áp đặt những mô hình pháp lý cũ lên công nghệ mới, các nhà quản lý nên tập trung vào vấn đề kiểm soát.

Luật sư Connor Spelliscy, đồng sáng lập Hiệp hội Blockchain Canada nhấn mạnh: “Nếu có khuôn khổ phù hợp, các dự án blockchain sẽ duy trì được tính phi tập trung, trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho người dùng với tài sản và dữ liệu của họ, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào các tổ chức trung gian can thiệp quá mức”.

Một số chuyên gia đề xuất, thay vì áp đặt những mô hình pháp lý cũ lên công nghệ mới, các nhà quản lý nên tập trung vào vấn đề kiểm soát. Cách tiếp cận này cho phép phân loại và điều chỉnh phù hợp - với các dự án thực sự phi tập trung có thể được hưởng các quy định linh hoạt hơn.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có các tranh luận gay gắt về việc xác định token nào là chứng khoán và phải chịu sự điều chỉnh theo luật chứng khoán. Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá rõ ràng về mức độ kiểm soát sẽ giúp giảm thiểu bất cân xứng thông tin và tạo điều kiện để các dự án blockchain phát triển.

Bà Michelle Ann Gitlitz, nhà sáng lập ChangeAgents cho rằng, công nghệ blockchain vốn dĩ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ, nhờ khả năng lưu trữ dữ liệu minh bạch, có thể kiểm chứng và không thể sửa đổi - đúng với kỳ vọng của các cơ quan quản lý.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính truyền thống vẫn vận hành trên những hệ thống công nghệ cũ, dữ liệu phân tán và khó tích hợp. Ngược lại, các nền tảng tiền mã hóa hiện đại được xây dựng với tư duy API-first, dễ dàng tích hợp với các công nghệ giám sát (RegTech) và tự động hóa quy trình tuân thủ.

Điều này có nghĩa, về dài hạn, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa có thể giảm đáng kể chi phí tuân thủ, đồng thời cung cấp thông tin chuẩn xác hơn cho cơ quan quản lý - tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các tổ chức tài chính truyền thống.

Ngoài ra, khi bàn đến giá trị cốt lõi của tiền mã hóa, cần nhớ rằng đây không chỉ là một công nghệ, mà còn là sản phẩm của một cộng đồng. Những quy định hiệu quả trong lĩnh vực này cần tôn trọng và bảo vệ cả nền tảng kỹ thuật lẫn tinh thần cộng đồng gắn bó với nó. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách nên tích cực tham vấn cộng đồng blockchain khi xây dựng khung pháp lý, đồng thời giữ được sự linh hoạt để thích ứng với tốc độ đổi mới không ngừng của công nghệ.

Tại Việt Nam, song song với việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nghiên cứu bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa.

Tin bài liên quan