Tiền mới âm thầm chảy vào chứng khoán

Tiền mới âm thầm chảy vào chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ghi nhận tại nhiều công ty chứng khoán, dù không ào ạt, nhưng lượng tiền mới đang chảy vào thị trường.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, dòng tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua là có, nhưng không phải ồ ạt như giai đoạn 2021. Bởi sau những pha “co giật” của thị trường, nhiều nhà đầu tư có phần thận trọng hơn.

Với những nhà đầu tư coi chứng khoán là một kênh đầu tư tích lũy, hàng tháng vẫn nộp thêm vài chục triệu đồng vào tài khoản, trong khi những nhà đầu tư “mạo hiểm” có xu hướng sử dùng dòng tiền margin nhiều hơn và quay vòng nhanh hơn.

Rất khó để đưa ra một con số thống kê chuẩn xác về dòng tiền mới trên thị trường chứng khoán, bởi thị trường biến động liên tục, nhà đầu tư bơm, rút tiền thường xuyên. Tuy nhiên, dòng tiền mới - động lực quan trọng thúc đẩy nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán vừa qua - được giới phân tích nhận định sẽ gia tăng trong giai đoạn tới.

Theo ông Quang, số lượng nhà đầu tư trading thường xuyên thường tập trung ở các tài khoản một vài tỷ đồng trở xuống, trong khi những tài khoản lớn thì có xu hướng đầu tư dài hạn nhiều hơn. Số lượng tài khoản đang hoạt động chiếm khoảng 30%.

Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tháng 7/2023, thị trường đón thêm 150.619 tài khoản chứng khoán mở mới, mức cao nhất trong vòng 11 tháng. Riêng số tài khoản cá nhân trong nước mở mới đạt 150.351 tài khoản.

Lượng tài khoản mở mới tại các công ty chứng khoán trong tháng 8/2023 cũng ghi nhận ở con số tương đương, cho thấy kênh chứng khoán vẫn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Trong số tài khoản mở mới, khá nhiều tài khoản đến từ sinh viên, phần lớn tham gia thị trường để học hỏi nên giá trị chưa lớn, nhưng đây cũng sẽ là nhóm nhà đầu tư rất tiềm năng trong tương lai.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tại thời điểm cuối quý II/2023, dòng vốn vào thị trường chứng khoán đã xuất hiện tín hiệu tích cực. Tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh cuối quý I/2022, nhưng tăng nhẹ 3,2% so với quý trước và con số này, theo VNDIRECT, tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua.

Dòng tiền mới đổ vào thị trường là có nhưng không ồ ạt như giai đoạn 2020-2021.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, trước tiên, cần khẳng định có một lượng tiền nhất định quay trở lại thị trường chứng khoán khi thị trường có nhiều cơ hội hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi khá tốt trong giai đoạn vừa qua, nhờ những kỳ vọng lạc quan từ việc giảm lãi suất điều hành của Chính phủ và các giải pháp khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp.

Giá trị giao dịch trong tháng 8 đã tăng mạnh và tính bình quân một phiên đã đạt khoảng 1 tỷ USD. Thị trường chứng khoán sẽ đi trước kỳ vọng hồi phục của nền kinh tế vĩ mô tối thiểu 6 tháng.

Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, phần lớn các thị trường lớn trên thế giới đều tăng mạnh, chỉ số S&P 500 tăng 13,6%, Nasdaq tăng 34,3%, Nikkei tăng 21,74%..., trong khi chỉ số VN-Index cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng 12,58%. Những con số này cho thấy giới đầu tư toàn cầu đang có góc nhìn khá lạc quan về thị trường chứng khoán.

Trở lại với dòng tiền mới, theo ông Huy, tiền đổ vào thị trường có thể đến từ nhiều nguồn, nhưng để nói thực sự về việc dịch chuyển kênh đầu tư theo luồng lớn từ tiết kiệm sang chứng khoán thì không hẳn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tiền gửi của cá nhân vẫn tiếp tục tăng trưởng trong những tháng gần đây.

“Dòng tiền sôi động phần lớn từ việc chấp nhận rủi ro cao hơn. Hiện tại, dư nợ margin thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng so với số liệu cuối quý II và có thể đạt xấp xỉ 150.000 tỷ đồng, cho thấy bên cạnh dòng tiền mới thì dòng tiền margin vẫn rất lớn”, ông Huy chia sẻ.

Tuy vậy, niềm tin của nhà đầu tư cũng đã có sự cải thiện tích cực trong thời gian qua khi bối cảnh chính sách tiền tệ có khuynh hướng nới lỏng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm sẽ là động lực thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán. Đồng thời, các yếu tố rủi ro trung hạn giảm cũng là động lực khiến dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn như chứng khoán.

Hiện tại, đã có thể nhìn thấy một số dấu hiệu tích cực như mặt bằng lãi suất hạ, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trở lại. Những chuyển biến tích cực từ chính sách mang đến kỳ vọng kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023 và tiếp tục tích cực trong năm 2024.

Tin bài liên quan