Tiếng cồng khai sàn

Tiếng cồng khai sàn

(ĐTCK-online) Chiều cuối năm. Trời se lạnh. Mưa lay phay. Giờ mà ngồi đàn đúm với mấy miếng dồi chó lật sật thì tuyệt cú mèo. Nghĩ là làm. Bốc máy gọi cho ông anh xã hội rủ lên Nhật Tân. Qua máy điện thoại còn cảm thấy như ông này lắc đầu quầy quậy: mai công ty anh gõ chiêng khai trương giao dịch cổ phiếu. Bận lắm, hẹn chú khi khác…

À ra thế. Cung hỷ. Cung hỷ. Việc lớn thế thì chỉ biết nói lời chúc mừng thôi. Thế nhưng, hình như là “gõ cồng giao dịch” chứ nhỉ.

Ông anh cười: Ôi dào, chú cứ vẽ. Cồng chiêng gì chả như nhau. Miễn trước khi lên sàn anh em trọng yếu trong công ty “tịnh khẩu”, không ăn uống lăng nhăng, không chơi bời bừa bãi là được rồi.

Đặt tai nghe xuống mà cứ thắc mắc mãi. Cái cồng là cái cồng, cái chiêng là cái chiêng chứ nhỉ? Sàn nhà mình chơi cồng hay chơi chiêng đây? Đành phải đi tìm hiểu. Lên mạng thì thấy anh Gúc (Google) bảo: Cồng chiêng là loại nhạc cụ bằng đồng phổ biến nhất ở Việt Nam mà tên gọi tùy theo từng tộc người.

Vẫn thấy tù mù, liền bốc máy hỏi nhạc sĩ Vũ Lân, Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Đắk Lắk và là một chuyên gia hàng đầu về cồng chiêng, ông cho rằng, theo quan niệm phổ thông của người Việt, loại có núm là cồng và loại không núm gọi là chiêng. Chứ còn đụng đến văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thì phức tạp lắm.

Ở Tây Nguyên, cao nguyên sẽ được gợi lên qua những đêm Khan siêu thoát cùng không gian nguyên sơ bên tượng nhà mồ và những thanh âm vĩnh cửu, hồng hoang của đại ngàn sâu thẳm. Khi đó, cồng chiêng là tiếng gọi linh thiêng mở đầu những lễ hội. Đối với các dân tộc ở Việt Nam, cồng, chiêng được coi là nhạc cụ thiêng. Lúc đầu, chỉ dùng để tế lễ thần linh, sau này mới được dùng trong các lễ hội dân gian.

Tất nhiên, ở Tây Nguyên, cồng chiêng luôn gắn với lễ hội. Ở phía Bắc, thông thường, cồng thường gắn với cuộc vui; chiêng, lệnh thường gắn với những việc buồn.

Cồng chiêng là một nhạc cụ nghi lễ. Nhạc chiêng cho lễ đâm trâu, mừng nhà rông mới, mừng chiến thắng, lễ xuống đồng, lễ cầu an cho lúa, mùa gặt... Vậy nên, cứ theo hình thức mà suy thì hẳn là trên sàn chứng khoán phải gọi là đánh cồng khai sàn mới đúng. Tiếng cồng luôn đem đến một cảm xúc rạo rực khó tả trong mỗi con người. Khai trương giao dịch một cổ phiếu cũng là lúc bà mụ chứng khoán “cắt rốn” để cổ phiếu ấy đua tranh với đời. Từ nay, sẽ góp mặt cùng anh em bạn bè trên bảng điện. Một nghi thức long trọng như vậy mà thiếu tiếng cồng thì quả là kém vui.

Trong đời sống văn hoá tâm linh người Việt từ Bắc chí Nam, âm điệu thiêng liêng của tiếng cồng thì đã rõ. Nhưng tại sao khai sàn chứng khoán lại gõ cồng? Thủ tục này có từ bao giờ và ai nghĩ ra nhỉ?

Cứ lăn tăn mãi mà không có lời giải đáp, liền đem câu hỏi này chuyển sang cho anh Lê Hải Trà, một yếu nhân ở sàn HOSE. Anh Trà bảo, ở các TTCK tiên tiến, giao dịch được tiến hành theo cách… “chuông reo là bắn”. Vào đầu phiên giao dịch, vị nào có cổ phiếu chào sàn hay nhân vật VIP sẽ nhấn chuông và bảng điện tử theo đó nhảy múa. Còn ở Việt Nam, theo anh Trà, chúng ta chưa thể nhấn chuông vì công nghệ điện tử chưa cho phép.

Mặc dù câu chuyện còn dang dở, nhưng chả lẽ lại đơn giản đến thế? Phen này có khi phải nhờ tinnhanhchungkhoan điện tử mở cuộc thi tìm hiểu cũng nên.

À, nghĩ ra rồi. Hỏi về những hoạt động khởi sự thị trường, có lẽ ông Lê Văn Châu, Chủ tịch đầu tiên của UBCK có lẽ là người hiểu sâu nhất. Quanh quẩn vài ba câu chuyện, đến chuyện đó, ông Châu cười: thật ra các sàn chứng khoán lâu đời, ít cổ phiếu mới khai sàn thì người ta chọn cách bấm chuông. Còn các sàn chứng khoán mới nổi họ cũng đều chọn cách đánh cồng. Sàn chứng khoán Trung Quốc có phong thổ giống ta cũng vậy. Chứ mình đã nghĩ ra được cái gì mới đâu!

Giờ thì cũng đã tạm hiểu, nhưng chẳng biết có quá khiên cưỡng hay không, tôi vẫn nghĩ rằng, tiếng cồng ở sàn chứng khoán nhà mình thoát thai từ tiếng cồng tâm linh của người Việt. Nói chuyện này với một bậc đàn anh trong nghề, kiêm nhà đầu tư cá mập. Anh bảo, chú cứ vẽ vời, chứ anh thì vẫn thích cái ý tưởng tiếng cồng khai sàn chứng khoán giống như trong những trận đấu quyền anh hơn. Cũng hay. “Xới chứng khoán” khắc nghiệt đâu kém gì xới quyền anh. Mà đâu chỉ có mươi hiệp, ngoại trừ vài vị chồn chân mỏi gối được trọng tài bố trí nghỉ ngơi dài hạn. Nhưng kiểu “nghỉ ngơi” như Bông Bạch Tuyết thì ai muốn đây!?

Bây giờ nói về giai đoạn “hậu khai sàn”. Được biết rằng, cồng chiêng luôn là những vật thiêng được bảo quản rất kỹ. Ở Tây Nguyên, nếu cồng chiêng, nhất là những cồng mẹ bị bể hay bị vỡ thì thủ tục cúng giải xui rất phức tạp. Đặc biệt, có những cái cồng mà đàn bà con gái lỡ tay đụng vào có khi còn bị phạt vạ. Dân Tây Nguyên vốn không đúc được cồng, mà chỉ đi mua (thường là bên Lào) về rồi nhờ “bác sĩ chỉnh chiêng” thổi hồn dân tộc vào.

Mấy cái cồng trên sàn chứng khoán chắc cũng có thể đặt hàng hàng loạt. Vậy nhưng, sau nghi lễ khai sàn thì nó cũng được thổi vào ý nghĩa thiêng liêng lắm. Ít nhất là với các bác được vinh dự gõ cồng. Vậy thì tại sao ta không đấu giá cái cồng khai sàn nhỉ? Này nhé, mỗi năm trung bình vài bốn chục DN lên sàn. Năm qua, người ta đánh cồng khai sàn nhiều đột biến, cỡ khoảng 160 DN. Cũng là chừng ấy cái ngân sách bỏ ra cho việc PR cổ phiếu. Bây giờ thêm một vài trăm triệu mua lại cái cồng khai sàn về để ở phòng truyền thống thì ông nào chẳng gật.

Nghe nói, có tờ báo từ hạng làng nhàng lên mức đỉnh thị trường, các bác lãnh đạo  còn dành nguyên một phòng làm phòng truyền thống, trong đó chứa nào là điếu cày, nào là xe đạp cũ cho đồng nát không đắt. Coi như những kỷ niệm về một thời gian khó. DN niêm yết nhà ta bủn xỉn gì mà không mua lại cái cồng (khắc tên khắc tuổi đàng hoàng) - dấu hiệu của một ngày trọng đại…

Nghĩ ra rồi! Buôn chứng khoán năm qua lỗ chỏng gọng, “phen này ta quyết đi buôn… cồng”. Có khi mình ấm túi mà các bác ở sàn cũng lãi khẳm. Kém gì phí giao dịch đâu!

Trở lại với câu chuyện thịt chó chiều cuối năm. Hóa ra cũng chẳng phải vì quá bận chuẩn bị bếp núc cho việc đánh cồng khai sàn nên “ngài” giám đốc mới không đi chén chú chú chén anh. Mấy đứa đàn em nhanh miệng kể lại: ngài đã “tịnh khẩu”, kiêng mấy món nhạy cảm từ cả tháng trước khi cổ phiếu lên sàn. Âu cũng là một cách giữ mình chay tịnh trước khi làm một việc lớn. Nhưng đã “thờ”, đã “kiêng” thì nên kiêng cho trót. Lên sàn, nếu thấy... núm (lệnh ông không bằng cồng bà) thì phải bảo, “em đi gõ cồng” nhé.