Tiếp tục đầu tư hàng trăm ngàn tỷ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt với yêu cầu Ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng.
Đại biểu bấm nút thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu bấm nút thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục kỳ họp thứ nhất, sáng 28/7 Quốc hội khoá XV đã phê duyệt chủ trương đầu tư hai chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt với yêu cầu Ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Mục tiêu tiếp theo là phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

Cũng là mục tiêu phấn đấu, 2025 cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt với tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.

Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Tại nghị quyết, Quốc hội yêu cầu trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Chính phủ cũng được giao cân đối, bổ sung ngân sách trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình; nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng.

Tin bài liên quan