Tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung, cho doanh nghiệp nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng trình Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn dành một phần quan trọng của báo cáo để nhận diện khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, niềm tin thị trường, vấn đề khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tình trạng nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, cắt giảm lao động, giờ làm…

Những ngày cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu…

Thực hiện phương châm “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nói riêng, cho nền kinh tế nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất, toàn diện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cho ý kiến và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách; rà soát, điều chỉnh nguồn lực từ các chính sách khó triển khai hoặc không thực hiện hết như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà…

Hai là, tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp…; hoàn thiện cơ chế, chính sách về trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để giảm áp lực dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ba là, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox), tạo thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các doanh nghiệp.

(Trích trả lời phỏng vấn báo chí của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhân dịp đầu Xuân mới 2023)

* Tiêu đề do Tòa soạn đặt

Tin bài liên quan