
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sẽ trình cấp thẩm quyền để xin chủ trương trong kỳ họp thứ 10 tới của Quốc hội tiếp tục sửa Luật Đất đai để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Nội dung trên được Chủ tịch Quốc hội đề cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2025, sáng 10/7.
Tham gia thảo luận nội dung trên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề về kinh tế. Thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nên có các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong tình hình mới, ông Hải nêu vấn đề. Ông cũng nói thêm rằng việc này Chính phủ cũng đã có chỉ đạo nhưng hiện nay các doanh nghiệp, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu rất quan tâm vấn đề này.
Vấn đề tiếp theo được ông Hải nêu là hiện nay nhiều tỉnh, trong đó có các tỉnh miền Trung đang khan hiếm vật liệu xây dựng, giá lên rất cao.
Cho biết, qua tìm hiểu ở Đà Nẵng giá cát đã lên đến 700.000 đồng/m3, nhiều công trình gặp khó khăn, ông Hải nhấn mạnh tình trạng này nếu không tập trung tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của ngành xây dựng, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng các công trình xây dựng dân dụng.
“Đề nghị Chính phủ kịp thời tháo gỡ những vấn đề này, tôi nghĩ rằng không chỉ ở miền Trung đâu mà các nơi khác cũng thế. Các công trình xây dựng đang tập trung vào giai đoạn nước rút, trước mình nói vướng về công tác mặt bằng nhưng sau khi đã tạo điều kiện để cho công tác mặt bằng tháo gỡ bây giờ vướng về vật liệu xây dựng. Nếu cát, sỏi đã lên thì thép và các vật liệu khác cũng lên theo, đơn giá thi công, đơn giá hợp đồng sẽ thay đổi tất cả không thể tiến hành được. Tôi đề nghị hết sức lưu ý vấn đề quản lý vật liệu xây dựng”, ông Hải phát biểu.
Vẫn theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trong tháng vừa qua tiếp tục nổi lên một số vấn đề liên quan đến việc thi hành Luật Đất đai mới, trong đó nổi lên một số vấn đề liên quan đến chính sách đền bù thiệt hại, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hay, cần có hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là chuyển đổi đất ở.
“Một vài nơi có hiện tượng nộp tiền sử dụng đất lớn cho nên người ta nghĩ là tồn tại của Luật Đất đai, trong Luật Đất đai thì việc định giá đất là vấn đề khó và việc này đã giao cho chính quyền địa phương, cho nên tùy từng tình hình cụ thể của từng địa phương mà có xác định giá đất cụ thể và theo nguyên tắc của thị trường”, ông Hải phát biểu.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem còn tồn tại gì trong việc xác lập quyền sử dụng đất ở đối với nhân dân để thuận lợi trong việc công nhận quyền sở hữu hợp pháp và quyền lợi của dân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý rà soát quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp.
"Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, tới đây sẽ trình cấp thẩm quyền để xin chủ trương trong kỳ họp thứ 10 tới tiếp tục sửa Luật Đất đai để làm sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, thực hiện Luật Đất đai hiện hành để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Vấn đề tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu là cần có giải pháp cân đối cung cầu bình ổn vật liệu xây dựng. Muốn phát triển đất nước thì phải xây dựng, muốn xây dựng thì cần có vật liệu đảm bảo giá cả thị trường hợp lý để các công trình trong cả nước được triển khai nhanh, tốt hơn nữa, theo Chủ tịch Quốc hội.
Trước đó, tại báo cáo, Ủy ban Dân nguyện và giám sát phản ánh, việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp chia tách thửa đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật đất đai chưa phù hợp với thực tế... cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.