Hình ảnh trong BCTN của CTCP CNG Việt Nam

Hình ảnh trong BCTN của CTCP CNG Việt Nam

Tiêu chí bình chọn Báo cáo Phát triển bền vững

(ĐTCK) Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội đã sàng lọc được 88 công ty trong số 132 công ty có báo cáo về nội dung phát triển bền vững để chấm điểm vòng sơ khảo. Sau đó, 35 báo cáo tốt nhất đã được đưa vào chấm chung khảo, trong đó có 30 báo cáo của doanh nghiệp niêm yết trên sàn TP. HCM và 5 báo cáo của doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hà Nội.

Hội đồng giám khảo chấm Báo cáo phát triển bền vững đánh giá báo cáo trên 3 phương diện:

* Tính đầy đủ (40%): Một báo cáo phát triển bền vững cần giúp người đọc hình dung được tổng quan đầy đủ về hoạt động và những ảnh hưởng của doanh nghiệp báo cáo. Về cơ bản, chúng gồm các phương diện sau: hoạt động cốt lõi, cấp độ của các hoạt động, phạm vi của báo cáo trong mối tương quan với các hoạt động tổng thể.

Tính đầy đủ thể hiện trên 5 khía cạnh:

- Tính trọng yếu: mức độ quan trọng của thông tin được công bố;

- Sự tham gia của các bên liên quan: xác định đối tượng sử dụng báo cáo và các bên liên quan cũng như các quy trình đối với các bên liên quan;

- Chiến lược: Mức độ tích hợp và cam kết của tổ chức đối với phát triển bền vững;

- Bối cảnh của doanh nghiệp: Thông tin khái quát và các hoạt động tuyển dụng trong bối cảnh phát triển bền vững;

- Chuẩn mực hiệu quả hoạt động: tính đầy đủ của chỉ số hiệu quả hoạt động nhằm đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp báo cáo.

* Mức độ tin cậy (35%): Dựa trên bằng chứng được trình bày trên báo cáo cho thấy doanh nghiệp đã thiết lập cơ cấu tổ chức, các quy trình và biện pháp kiểm soát thông tin về các tác động tới doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp có chính sách và nhân sự phù hợp, có hệ thống tổng hợp thông tin, hệ thống quản lý và các chỉ tiêu được xây dựng để đảm bảo phát triển bền vững. Các đối tượng sử dụng báo cáo muốn xác định được mức độ cung cấp bằng chứng về việc hệ thống và thông tin nội bộ đã được kiểm chứng và quan điểm của các bên độc lập ngoài doanh nghiệp đã được đưa vào nội dung báo cáo, trong các trường hợp có thể.

Mức độ tin cậy bao trùm 5 phương diện tổng thể: quy trình quản lý; sự tham gia của các bên liên quan (ý kiến phản hồi được sử dụng như thế nào và có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp); quản trị; hiệu quả hoạt động; kiểm toán (cả nội bộ và độc lập).

Tiêu chí bình chọn Báo cáo Phát triển bền vững  ảnh 1

Hình ảnh trong BCTN của CTCP Nhà Thủ Đức

* Trình bày (25%): Giá trị của một báo cáo không chỉ xuất phát từ nội dung báo cáo, mà còn từ việc nội dung có được trình bày một cách hợp lý cho đối tượng phù hợp hay không. Báo cáo được trình bày hướng tới đối tượng mục tiêu đã công bố. Việc trình bày gồm 3 phương diện tổng thể: hình thức báo cáo; báo cáo được cung cấp cho đối tượng mục tiêu như thế nào; cấu trúc/cách thức báo cáo.

Hội đồng tập trung vào cách thức các đơn vị báo cáo về hoạt động môi trường và xã hội của mình, không chịu  trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của thông tin.