Tiêu dùng năm 2023: Cầu tăng, nhưng vẫn còn yếu

0:00 / 0:00
0:00
Cầu (gồm đầu tư và tiêu dùng cuối cùng) thực tế năm 2022 khá yếu và khả năng năm 2023 vẫn yếu hơn cung.
Tiêu dùng năm 2023: Cầu tăng, nhưng vẫn còn yếu

Thực tế năm 2022

Năm 2022, cung tăng với tốc độ khá cao, khi GDP tăng đến 8,02%, cao gấp đối, gấp ba tốc độ tăng tương ứng của 2 năm trước. Trong khi đó, cầu tăng thấp hơn (tích lũy tài sản tăng 5,75%, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18%).

Vốn đầu tư tính theo giá thực tế tuy tăng 11,2% (cao hơn tổng tốc độ tăng của 2 năm trước đó), nhưng so với GDP chỉ đạt 33,8% (thấp hơn tốc độ trên 34% trong thời kỳ 2016-2021). Tỷ trọng trong khu vực ngoài nhà nước tuy vẫn cao nhất trong 3 nguồn (58,2% so với 25,6% của khu vực nhà nước và 16,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), nhưng thấp hơn năm trước đó (59,5%), đặc biệt còn bị “chôn” vào vàng, vào bất động sản, bị “lái” vào tiền ảo, trái phiếu doanh nghiệp…

Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP có xu hướng giảm dần qua các năm (năm 2015 đạt 69,49%; năm 2019 còn 66,45%; năm 2020 còn 65,45%; năm 2021 còn 65,04%). Điều đó chứng tỏ, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Trong tổng tiêu dùng cuối cùng, tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm tự cấp, tự túc tăng lên (từ 4,5% năm 2019 lên 7,9% năm 2020, lên 15,6% năm 2021, ước năm 2022 giảm còn 10%). Theo đó, tỷ lệ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng so với tiêu dùng cuối cùng đã giảm tương ứng (từ 95,5% năm 2019 xuống 92,1% năm 2020, còn 84,4% năm 2021). Năm 2022, nhờ chuyển đổi chiến lược phòng chống đại dịch, tỷ lệ trên đã tăng trở lại, đạt khoảng 90%. Theo đó, tỷ lệ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng/GDP đã giảm từ 63,5% năm 2019 xuống còn 60,3% năm 2020 và còn 54,9% năm 2021, trước khi tăng lên 59,7% năm 2022.

Cầu năm 2022 đã tăng lên so với năm 2021, nhưng có một phần do dựa trên số gốc so sánh thấp, một phần do mức nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2022 thấp hơn nhiều so với năm 2021, nên cầu vẫn thấp hơn cung so với quan hệ tương ứng của năm 2021.

Dự báo năm 2023

Năm 2023, tốc độ tăng GDP theo mục tiêu tăng chậm lại so với năm 2022 (6,5% so với 8,02%), do gốc so sánh đã cao lên, cũng như các thách thức ở trong nước và quốc tế. Tuy tốc độ tăng chậm lại, nhưng quy mô GDP tuyệt đối vẫn lớn lên ở mức khá, ước đạt 10,5 triệu tỷ đồng (442 tỷ USD), so với con số 9,51 triệu tỷ đồng của năm 2022 (402 tỷ USD). GDP tính theo đầu người đạt khoảng 4.402 USD, cao hơn mức 4.110 USD của năm 2022. Điều đó chứng tỏ cung hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng với mức khá.

Trong khi đó, cầu hàng hóa và dịch vụ năm 2023 khó tăng cao với tốc độ và mức tương ứng, vì một số yếu tố.

Khoản lớn nhất là tiêu dùng cuối cùng. Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP năm 2023 sẽ đạt cao hơn năm 2022, nhưng cũng chưa vượt được tỷ lệ 66,45% của năm 2019 (đạt gần 66%).

Trong tổng tiêu dùng cuối cùng, tỷ lệ tiêu dùng từ sản phẩm tự cấp tự túc sẽ giảm xuống dưới 10%, tương ứng tỷ lệ tiêu dùng từ sản phẩm thông qua mua bán trên thị trường sẽ có tỷ lệ cao lên, đạt trên 90%. Với tỷ lệ này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,25 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 19,8% của năm trước.

Phần dịch vụ khác cũng chiếm 10,6%, bằng tỷ trọng tương ứng của năm 2022. Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 10,6%, nhờ lượng khách du lịch nội địa và lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Tỷ trọng này của năm 2023 tuy cao hơn 3 năm trước (2022 đạt 10,2%, 2021 đạt 8,1%, 2020 đạt 9,9%), nhưng vẫn còn thấp hơn mức tăng 12,2% của năm 2019 (trước đại dịch Covid-19), bởi lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 được ước tính còn cách khá xa kỷ lục trên 19 triệu lượt khách năm 2019.

Khoản lớn thứ hai là tích lũy tài sản. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP có thể cao trở lại, cao hơn hoặc ít nhất là bằng với mức bình quân 34,63% của thời kỳ 2016-2020. Năm 2023, vốn đầu tư tăng, nhất là các khoản đầu tư công và khoản theo gói hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, nguồn vốn của khu vực ngoài nhà nước sẽ khó tăng cao, bởi đang mắc vào các kênh khác không trực tiếp sản xuất vàng, bất động sản…) hoặc bị “lái” vào các kênh đầu tư khác có nhiều rủi ro (tiền ảo, trái phiếu doanh nghiệp…).

Khoản lớn thứ ba là xuất siêu, nhập siêu. Theo mục tiêu, xuất siêu hàng hóa là 1 tỷ USD, chỉ riêng tháng 1/2023 đã đạt 1,1 tỷ USD, ước tính cả năm 2023 sẽ là năm thứ 8 hàng hóa liên tục xuất siêu, với mức cao hơn kế hoạch. Tuy nhiên, do mức xuất siêu hàng hóa thấp xa so với năm 2022 và còn nhập siêu về dịch vụ (có thể lên đến 4 tỷ USD, bằng một nửa năm 2020), nên tổng cầu vẫn còn yếu.

Tin bài liên quan