Khách hàng tham quan nhà mẫu tại 1 dự án ở Bình Dương. Ảnh: Việt Dũng

Khách hàng tham quan nhà mẫu tại 1 dự án ở Bình Dương. Ảnh: Việt Dũng

Tìm “điểm trũng” hút tiền trên thị trường địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường địa ốc tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực về nguồn cung, các nhà đầu tư nhanh nhạy, sẵn tiền mặt cũng đang rốt ráo tìm kiếm bất động sản giá tốt tháng cuối năm.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Nhà đầu tư Ngọc Sơn (TP. Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, hơn 1 tháng nay, anh cùng các cộng sự liên tục di chuyển về vùng ven TP.HCM và các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, thậm chí xa hơn là Tây Ninh... để tìm mua đất nền.

Hồi giữa tháng 11/2023, nhóm anh đã mua một lô đất tại Long An diện tích 200 m2 với giá 2,5 tỷ đồng, rẻ hơn khoảng 500 triệu đồng so với thời cao điểm, tiền mua là “tiền thịt” và thời gian đầu tư dự tính từ 3-5 năm. Chia sẻ lý do mua đất thời điểm này, nhà đầu tư trên cho biết, hiện nay lãi suất tiết kiệm xuống thấp nên quyết định bỏ tiền vào đất với kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

“Thực tế, giá đất nền nhiều khu vực đã giảm khoảng 20-30% so với trước đây. Bên cạnh đó, dịp cuối năm, nhiều người kinh doanh phải tất toán công nợ, trong trường hợp kẹt quá, nếu có đất họ sẽ chấp nhận bán rẻ hơn để có thể bán nhanh. Do đó, thời điểm hiện tại đi mua đất có thể kiếm được giá hời và chúng tôi vẫn đang tìm mua thêm”, nhà đầu tư trên nói.

Tương tự, nhà đầu tư Tuấn Hà (quê Quảng Ngãi, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM) đang tìm mua bất động sản để ở, vì thời gian qua chứng kiến nhiều nhà đầu tư dùng nhiều vốn vay ngân hàng bị “trượt sóng”, buộc phải thoát hàng để thu hồi vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư này không vội mua ngay, mà đợi đến thời điểm thích hợp mới bắt đầu “đi săn”, lý do bởi tâm lý của những người sử dụng đòn bẩy tài chính mua bất động sản đến thời điểm này đã lung lay, có thể dễ dàng thương lượng giá bán.

“Tôi đang tìm kiếm những bất động sản tốt để mua, nếu là đất nền thì phải giữ được 5 năm trở lên, như vậy mới chắc chắn thắng lớn trong tương lai, còn với căn hộ thì cần ưu tiên lựa chọn những dự án có pháp lý đầy đủ, thuận tiện cho việc di chuyển và đáp ứng nhu cầu ở thực”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Không chỉ nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp cũng tranh thủ thời điểm thị trường có dấu hiệu hồi phục cũng như mùa kinh doanh cao điểm cuối năm để ra hàng.

Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền vừa chính thức mở bán dự án The Privia quy mô 1.043 căn hộ tại quận Bình Tân, TP.HCM. Đáng chú ý, 90% sản phẩm trong giỏ hàng đã tìm được chủ trong đợt mở bán này.

Trước đó, trong quý III/2023, Khang Điền mở bán giai đoạn tiếp theo dự án Classia tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) với 176 căn nhà liền kề, giá bán trung bình từ 180-200 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và chiết khấu). Tính đến cuối quý, dự án đã bán được khoảng 92% rổ hàng và bàn giao được 75% số căn. Khang Điền dự kiến hoàn thành việc bán hàng tại dự án này trong năm nay.

Nhà đầu tư rốt ráo tìm mua sản phẩm tốt. Ảnh: Việt Dũng

Nhà đầu tư rốt ráo tìm mua sản phẩm tốt.

Ảnh: Việt Dũng

Đâu là “điểm trũng”?

Việc một số dự án ghi nhận giao dịch ấn tượng cho thấy, nhu cầu nhà ở luôn hiện hữu và những chính sách hỗ trợ thị trường bắt đầu phát huy tác dụng, đến khi thị trường phục hồi thì giá bất động sản sẽ tăng trở lại. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, hiện là thời điểm thích hợp cho người có sẵn nguồn tài chính “đi săn” bất động sản vị trí đẹp, tiềm năng tăng giá tốt, mức chiết khấu cao, nếu bỏ qua sẽ lỡ cơ hội.

“Thị trường sẽ chủ yếu tập trung vào những sản phẩm bất động sản cơ bản, có giá trị tích lũy tài sản như nhà liền thổ, đất nền..., bởi với các sản phẩm này, nhà đầu tư có thể giữ lâu dài mà không lo mất giá”, ông Trần Khánh Quang, nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại TP.HCM chia sẻ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Lộc - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Việt Nam cho rằng, ngoại trừ trường hợp đang gặp khó khăn về tài chính, người có nhu cầu thực về nhà ở và dòng vốn cơ bản ổn định nhưng còn phân vân thì đây là lúc phù hợp nhất để xuống tiền.

“Sau giai đoạn khủng hoảng 2008-2012, giá đất không ngừng đi lên tại nhiều khu vực ở TP.HCM nói riêng, trên cả nước nói chung. Hiện tại, thị trường đang gặp khó khăn, song giá bất động sản cũng chỉ giảm phổ biến từ 10-25%, chứ khó có thể giảm sâu hơn 30-40% như nhiều người kỳ vọng. Bởi lẽ, ngoài là một nguồn tài nguyên hữu hạn, thì trong bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào, kênh đầu tư bất động sản luôn có dòng tiền lớn chực chờ, nên cơ hội tăng giá trong tương lai luôn được đảm bảo”, ông Lộc phân tích và cho rằng, vấn đề người mua cần quan tâm nhất lúc này là lựa chọn sản phẩm phù hợp quy hoạch, pháp lý rõ ràng, với sản phẩm dự án thì uy tín và năng lực của chủ đầu tư là điều cần tìm hiểu kỹ.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, một số dự án mới đưa ra thị trường có mức giá “mềm” hơn mặt bằng chung. Chẳng hạn, quanh khu vực Làng Đại học Quốc gia TP.HCM, trong giai đoạn đầu năm 2021 đến đầu năm 2022, một số dự án mới tại đây có giá bán từ 40 triệu đồng/m2, thì hiện nay, dự án mới nhất là Bcons City của Tập đoàn Bcons có giá khoảng 38 triệu đồng/m2. Tương tự, dự án The Privia của Khang Điền, giá mở bán cũng thấp hơn mức “rumor” là 48 triệu đồng/m2.

Đối với phân khúc đất nền, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng, quy định siết phân lô theo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được thông qua sẽ ít nhiều tác động đến phân khúc này trong ngắn hạn. Do đó, khi đầu tư đất trong giai đoạn đang chuyển giao theo Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật Nhà ở như hiện nay, đặc biệt trong khu vực hoạt động phân lô bán nền bị kiểm soát chặt, người mua cần đảm bảo chắc chắn lô đất đầu tư đó phải đầy đủ pháp lý.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần lựa chọn khu vực có động lực tăng trưởng rõ ràng hơn, đó là nơi có hạ tầng, tăng trưởng GDP đều đặn, có khả năng thu hút dân cư, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, bởi đây là những khu vực ít chịu tác động khi thị trường biến động.

“Chẳng hạn, tại Bắc Ninh hay Bình Dương, thị trường đất nền nơi đây không giảm giá trong nhiều năm bởi động lực chính đến từ GDP bình quân đầu người tăng, nhu cầu nhập cư nhiều, đầu tư tăng... Ngược lại, tại các khu vực như Phú Yên, Bình Thuận…, khi nhà đầu tư rút đi giá sẽ giảm vì nội lực nội tại của địa phương hạn chế”, ông Tuấn dẫn chứng.

Tin bài liên quan