Tìm điểm tựa để phục hồi niềm tin

Tìm điểm tựa để phục hồi niềm tin

(ĐTCK) Tính từ đầu năm đến nay, dù thị trường bất động sản TP. HCM chưa có nhiều sôi động, song cũng vẫn giao dịch khá tốt ở một vài phân khúc, một vài dự án.

Tìm điểm tựa để phục hồi niềm tin ảnh 1

Ngày 13/6 tới đây, tại TP. HCM, Báo Đầu tư phối hợp cùng Công ty Cushman & Wakefield tổ chức Hội thảo “Triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản”. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, giới chuyên môn nhận định, đánh giá khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, cũng như những nút thắt cản trở tiến trình này.

Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, tính từ đầu năm đến nay, dù thị trường bất động sản TP. HCM chưa có nhiều sôi động, song cũng vẫn giao dịch khá tốt ở một vài phân khúc, một vài dự án. Mới đây, Công ty Hưng Thịnh Land mở bán Dự án căn hộ 91 Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), dù dự án căn hộ này có mức giá trung bình trên 20 triệu đồng/m2, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Trước đó, một số dự án như Hoàng Kim Thế Gia, Quang Thái (quận Tân Phú), 26 Nguyễn Thượng Hiền (Gò Vấp), Metro Apartment (quận 2)… cũng đều có kết quả bán hàng tốt.

Thực tế thị trường cho thấy, phần lớn những dự án có kết quả bán hàng tốt thời gian qua hội đủ các yếu tố như, vị trí đẹp, tiến độ xây dựng tốt, chính sách bán hàng và giá hợp lý. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land nhận định, nhìn chung thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đang có sự phân hóa. Những dự án nào, chủ đầu tư có uy tín, chứng minh được năng lực tài chính luôn bán được hàng, còn với những dự án dù được quảng bá tốt đến mấy, nhưng nếu khách hàng không tận mắt chứng kiến tiến độ dự án xây dựng tốt, chủ đầu tư thiếu uy tín thì sẽ rất khó bán hàng.

Qua trao đổi với phóng viên, phần lớn doanh nghiệp đều có chung nhận định, sự khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như khó khăn chung của nền kinh tế, lãi suất ngân hàng cao, DN quá tập trung vào phân khúc cao cấp… Tuy nhiên, theo các đơn vị này, khó khăn lớn nhất hiện tại chính là sự khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh cho biết, hiện nay, lượng cung căn hộ thực tế ở TP. HCM không phải là nhiều và lượng cầu cũng không hẳn là nhỏ. Vấn đề đặt ra là làm sao để cung - cầu gặp nhau mà không gặp trở ngại, làm sao để có sự hòa hợp giữa 2 yếu tố này. Điều quan trọng khiến cung và cầu chưa thực sự gặp nhau lúc này là người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường. Điều này một phần xuất phát từ việc giai đoạn trước đó, do kiếm lợi quá dễ dàng nên nhiều doanh nghiệp chưa thật sự chú trọng vào uy tín, chất lượng. Ngoài ra, giá cả vẫn là vấn đề lớn khi nhiều dự án chưa thực tế trong khâu định giá, từ đó chưa đáp ứng nhu cầu và tính chi trả, dẫn đến sự thất vọng của người mua.

“Trong năm 2013, phân khúc căn hộ trung cấp đang được các doanh nghiệp tập trung đầu tư và hứa hẹn sẽ là nhân tố giúp thị trường bất động sản ấm lên. Tuy nhiên,  doanh nghiệp muốn thành công phải có chiến lược phù hợp về giá cả - dịch vụ - chất lượng - tiến độ - mẫu mã - hệ thống tài chính cho khách hàng và cả uy tín của chính doanh nghiệp đó”, ông Thìn nhận định.

Tương tự, theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Tấc Đất Tấc Vàng, nhìn ở góc độ thực tế, thị trường bất động sản hiện có nhiều nền tảng để phục hồi. Về giá, so với chi phí đầu tư, giá cả phần lớn dự án đã giảm khá sâu, thậm chí có nhiều dự án đã bán lỗ. Ở góc độ vĩ mô, thời gian qua Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến thị trường bất động sản với hàng loạt chính sách hỗ trợ, cụ thể, gần đây nhất là Nghị quyết 02 của Chính phủ được đánh giá có sức ảnh hưởng rất lớn lên thị trường này.

“Mặt khác, hiện nay lãi suất huy động ngày càng thấp, không còn hấp dẫn người gửi tiền, đồng thời lãi suất cho vay cũng đã giảm nhiệt… là những yếu tố hỗ trợ quan trọng với thị trường bất động sản”, ông Tuấn nói và cho rằng, nút thắt lớn nhất của thị trường lúc này vẫn là tâm lý. Nếu khơi thông được tâm lý, sẽ khơi thông được thị trường.