Bảo vệ cổ đông là đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty. Đây là cái gốc giúp các công ty phát triển bền vững

Bảo vệ cổ đông là đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty. Đây là cái gốc giúp các công ty phát triển bền vững

Tìm đường cho cổ đông nhỏ vào hội đồng quản trị

(ĐTCK) Một số quốc gia như Úc, Canada, Singapore... áp dụng tỷ lệ 10%, một số áp dụng tỷ lệ thấp hơn là 5% như Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ 5% là phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam. 

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bỏ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 1% cổ phần và quay lại giữ nguyên tỷ lệ đề cử người vào Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát là cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu tối thiểu 10% cổ phần.

Tuy nhiên, quyền tiếp cận thông tin sâu được rộng mở hơn cho các cổ đông nhỏ. 

Thông thường, HĐQT một công ty có từ 5 thành viên trở lên.

Đối với các cổ đông nhỏ, một vị trí thành viên HĐQT không đảm bảo được việc ra quyết định sẽ phù hợp với ý chí, nguyện vọng của cá nhân cổ đông hoặc nhóm cổ đông, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc nắm bắt thông tin và tạo sức ép đối với các nhóm cổ đông khác có tham gia HĐQT.

Các cổ đông thông thường chỉ có thể nắm bắt thông tin về công ty qua các báo cáo vốn rất ít ỏi và có thể không công bố theo đúng quy định, qua cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên...

Tham gia vào HĐQT nghĩa là cổ đông có thể nắm rõ bản đồ hoạt động của công ty, nguyên nhân thực sự tại sao công ty lại chọn dự án này mà không tiến hành dự án kia; bản đồ các mối quan hệ, các lợi ích, các xung đột quanh hoạt động kinh doanh của công ty quanh những người liên quan...

Nếu có một thành viên HĐQT là đại diện của cổ đông nhỏ thì sự nắm bắt thông tin chính xác, thực trạng công ty của nhóm cổ đông nhỏ lẻ có thể sẽ tạo nên sự giám sát khiến công ty sẽ thận trọng hơn trong các quyết định và tính tuân thủ pháp luật sẽ được đề cao.

Còn nhớ cách đây ít lâu, các cổ đông một công ty nhựa y tế bàn tán về việc lãnh đạo công ty có “sân sau” cùng lĩnh vực và các dự án “ngon” đều bị công ty sân sau hứng hết khiến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh.

Mặc dù biết đích xác tên tuổi công ty sân sau này, nhưng các cổ đông không thể quy kết lãnh đạo công ty rút ruột, chuyển lợi nhuận qua công ty của bản thân bởi còn nhiều vấn đề mà cổ đông không thể có tài liệu, chứng cứ chứng minh.

Đây cũng là tình huống phổ biến ở rất nhiều công ty cổ phần thuộc diện công ty đại chúng. Một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm chia sẻ, tình trạng này sẽ được hạn chế đáng kể nếu các cổ đông nhỏ có được một đại diện trong HĐQT.

Tuy nhiên, đặt chân vào HĐQT không dễ. Nhiều trường hợp cổ phiếu cô đặc, cổ đông nhỏ lẻ có tập hợp lại cũng không đủ đạt được các tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết quan trọng 5%, 10%... để có quyền đề cử, ứng cử, quyền yêu cầu cho xem các báo cáo tài liệu, quyền khởi kiện...

Không ít tranh chấp giữa cổ đông và công ty về quy định tỷ lệ ứng cử, đề cử là 5% hay 10%. Luật Doanh nghiệp quy định tỷ lệ này là 10%.

Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành chứng khoán có quy định về quản trị công ty đại chúng, có Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty đại chúng.

Công ty viện dẫn Luật Doanh nghiệp còn cổ đông cho rằng, đã là công ty đại chúng, công ty niêm yết thì phải tuân thủ cả pháp luật chứng khoán.

Nhiều trường hợp, các cổ đông nhỏ đã gom đủ tỷ lệ để ứng cử, đề cử hay đắc cử thì gặp "rào cản kỹ thuật” được cổ đông lớn mượn danh HĐQT dựng nên.

Đơn cử trường hợp của một công ty xi măng, vào năm ngoái, khi bầu HĐQT, công ty đã đưa ra các quy chế yêu cầu cá nhân ứng cử thành viên HĐQT phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó có yêu cầu phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty.

Có thể thấy, điều kiện này sẽ làm khó cho các cổ đông bên ngoài bởi không phải nhà đầu tư chứng khoán nào cũng có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đối với lĩnh vực sản xuất xi măng.

Chưa kể, theo các cổ đông, nội dung này là trái với các quy định tại Điều 13 - Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị áp dụng đối với công ty đại chúng: “Cơ cấu HĐQT cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, tài chính, lĩnh vực hoạt động kinh doanh của công ty”, có nghĩa là thành viên của HĐQT không chỉ là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, mà cần có cả các thành viên khác có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, tài chính. Vụ việc chỉ được giải quyết êm xuôi sau khi cơ quan quản lý vào cuộc.

Gần đây, một công ty trong ngành dầu khí áp dụng cách thức bầu bổ sung từng thành viên HĐQT mỗi khi hết nhiệm kỳ thay, vì bầu lại toàn bộ 5 thành viên HĐQT.

Vì chỉ bầu 1, 2 thành viên nên cổ đông chi phối sở hữu 51% vốn điều lệ luôn là người thắng cuộc, trong khi các cổ đông khác dù tập hợp được tỷ lệ 25% vẫn đành "ngậm ngùi nhìn".

Với tình trạng này, khi Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, nhà đầu tư rất quan tâm các nội dung về tỷ lệ đề cử, ứng cử, các quy định về quản trị công ty.

Trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 vừa qua, cơ quan soạn thảo nhiều lần lấy ý kiến góp ý cho các nội dung sửa đổi và tỷ lệ ứng cử, đề cử là 1% từng được đưa ra thảo luận.

Việc giảm tỷ lệ ứng cử, đề cử từ 10% xuống còn 1% được nhiều cổ đông quan tâm và bày tỏ sự vui mừng.

Bởi tỷ lệ 10% không chỉ liên quan đến quyền ứng cử, đề cử, mà còn liên quan tới hàng loạt quyền khác như quyền xem xét, trích lục các nghị quyết, báo cáo, hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT, yêu cầu triệu tập ĐHCĐ, yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể trong quản lý điều hành của công ty...

Nguyên tắc quan trọng của cơ chế bảo vệ cổ đông là đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty.

Tuy nhiên, nó cũng phải đảm bảo xung đột lợi ích trong công ty được kiểm soát, hạn chế tình trạng hoạt động doanh nghiệp bị ngưng trệ bởi mâu thuẫn nội bộ của cổ đông.

Một số doanh nghiệp bày tỏ e ngại về việc cổ đông có thể quấy rối nếu được trao quyền quá lớn.

Được biết, một số quốc gia như Úc, Canada, Singapore... áp dụng tỷ lệ 10%, một số áp dụng tỷ lệ thấp hơn là 5% hơnnhư Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ 5% là phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều vòng lấy ý kiến, quy định về quyền cổ đông trong Điều 114 - Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được cấu trúc lại, bao gồm quyền cơ bản của cổ đông phổ thông, quyền của cổ đông 3% và quyền của cổ đông 10%.

Theo đó, quyền cơ bản của cổ đông phổ thông được giữ nguyên không thay đổi, nhóm cổ đông tập hợp được tỷ lệ 3% được quyền như xem xét, trích lục các nghị quyết, báo cáo, hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT, yêu cầu triệu tập ĐHCĐ, yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể trong quản lý điều hành của công ty, được quyền khởi kiện...

Trong khi đó,  chỉ cổ đông/nhóm cổ đông tập hợp được tỷ lệ 10% trở lên mới được đề cử người vào HĐQT, Ban Kiểm soát.

Như vậy, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã tăng thêm quyền tiếp cập thông tin sâu cho cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, quyền đề cử vẫn là 10%, trừ khi Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn.

Tin bài liên quan