Giá thép trong nước sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động từ chi phí đầu vào như xăng, điện, than, tỷ giá ngoại tệ...

Giá thép trong nước sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động từ chi phí đầu vào như xăng, điện, than, tỷ giá ngoại tệ...

Tìm giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng

(ĐTCK-online) Cảnh báo về việc giá vật liệu xây dựng (VLXD) sẽ tăng theo giá xăng dầu, than, điện đã sớm trở thành hiện thực khi ngay đầu tháng 4, giá xi măng bán lẻ ngoài thị trường đã đồng loạt tăng khoảng 30.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu tháng 3. Trên thị trường Hà Nội, biên độ tăng giá thép trong 30 ngày qua cũng đã lên tới con số kỷ lục 3,3 triệu đồng/tấn. Ước tính, trung bình mỗi ngày, giá thép tăng lên tới 110.000 đồng/tấn. Các loại VLXD khác như gạch lát, sứ vệ sinh, ngói... cũng đã tăng giá từ 7% đến 10%.

Đồng loạt tăng

Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự báo, trong tháng 4, giá xi măng sẽ tăng khoảng 5%, tương đương 50.000 - 70.000 đồng/tấn so với tháng 3. Dù trong quý I, giá xi măng tại các nhà máy đã hai lần tăng: tháng 1 tăng 5%; tháng 2 tăng tiếp khoảng 4%.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho biết, hiện nay giá thép xuất xưởng tại các nhà máy là 13,5 triệu đồng/tấn, cộng 10% VAT, giá sẽ lên gần 15 triệu đồng/tấn. Mặc dù đến nay, ngành thép đã chủ động được khoảng 60% nhu cầu phôi (3 triệu tấn), nhưng theo dự báo năm 2010, vẫn sẽ phải nhập 2 triệu tấn phôi cho nhu cầu sản xuất trong nước. Vì vậy, trong thời gian tới, các DN sản xuất sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán thép thành phẩm.

Giá điện, xăng, nguyên phụ liệu và chi phí nhân công tăng cũng đang là gánh nặng đối với DN sản xuất, đặc biệt là DN sản xuất VLXD. Để tháo gỡ khó khăn, các DN trong lĩnh vực này đang nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam nhận định, đối với các DN sản xuất gốm sứ dùng nhiều than và điện, việc tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo cân đối lợi nhuận chắc chắn phải được tính đến. "Đây là giải pháp để DN tồn tại và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động", ông Huy nói.

Đến nay, ngoài xi măng, sắt thép... hầu hết đã tăng giá so với năm 2009, giá bán một số loại VLXD khác như sơn, sứ vệ sinh, gạch, ngói... của nhiều DN bán ra thị trường cũng được điều chỉnh tăng 7 - 10%.

 

Nguyên nhân do giá đầu vào

Theo VSA, nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới là Australia (chiếm 75% trữ lượng quặng thế giới) đã tuyên bố sẽ tăng giá quặng từ 40 - 50% (từ hơn 80 USD lên 140 - 150 USD/tấn) so với năm 2009. Đồng thời, giá than mỡ nhập khẩu cũng tăng hơn 80%, giá gang luyện thép cũng tăng cao. Như vậy, giá nhập khẩu phôi tháng 3 tăng 70 - 80 USD/tấn so với tháng 2 và tăng 115 - 130 USD/tấn so với tháng 12/2009. Giá thép phế nhập khẩu cũng tăng hơn 70% (tăng từ 60 - 80 USD/tấn so với tháng 2). Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng mạnh nhưng nguồn cung rất hạn chế do tình hình kinh tế các nước đã bắt đầu hồi phục, nhu cầu cho xây dựng ngày càng tăng cao.

Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, để bù đắp phần nào chi phí sản xuất tăng cao, nhiều DN cũng buộc phải tính đến giải pháp tăng giá bán sản phẩm, cắt giảm khoản chiết khấu cho các nhà phân phối. Cụ thể, CTCP Xi măng Hoàng Thạch vừa tăng giá bán xi măng lên thêm 40.000 đồng/tấn, CTCP Xi măng Bút Sơn cũng tăng giá bán thêm 30.000 đồng/tấn. Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, nếu tăng thêm 30.000 - 40.000 đồng/tấn xi măng, thì DN vẫn lỗ, do chi phí sản xuất của ngành xi măng hiện đã bị "đội" thêm 100.000 - 120.000 đồng/tấn.

 

Can thiệp bình ổn giá

Trước việc giá thép tăng mạnh trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương vừa quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Thị trường trong nước và Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính. Tổ công tác sẽ làm việc tại một số DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân lớn trong ngành thép để tìm hiểu nguyên nhân tăng giá thép mạnh trong thời gian qua để đưa ra những giải pháp thích hợp.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thời gian tới, một số sản phẩm thép sẽ không được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu, tính cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Vì vậy, DN sản xuất thép cần áp dụng các biện pháp ổn định sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh giá bán linh hoạt hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngay trên thị trường trong nước.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết, VSA cũng yêu cầu các DN sản xuất thép, phôi thép, nhất là các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, tính toán lại chi phí sản xuất để có phương án đổi mới công nghệ, cân bằng chi phí, tránh gây tác động lớn lên giá thành sản phẩm. Theo VSA, giá thép trong nước sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động từ chi phí đầu vào như xăng, điện, than, tỷ giá ngoại tệ... Ngoài ra, thép trong nước vẫn còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ các nước ASEAN được nhập khẩu miễn thuế.

"Các DN trong nước vẫn có nhiệm vụ bình ổn thị trường như không để thiếu thép, không đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại làm tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, không để giá thép tăng đột biến, gây "sốc" cho thị trường", ông Cường nói.