Đoàn khảo sát tham quan tại Đình Nội (thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai).

Đoàn khảo sát tham quan tại Đình Nội (thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai).

Tìm giải pháp kích cầu du lịch phía Nam của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
Sau chuyến khảo sát tuyến du lịch “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 12/4, nhiều doanh nghiệp đã “hiến kế" giải pháp nhằm thúc đẩy kết nối các điểm đến di tích, di sản và làng nghề.

Hành trình trải nghiệm di sản

Đây là lần thứ 2 Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát tuyến du lịch “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”. Trong khuôn khổ chương trình, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, thúc đẩy kết nối các điểm đến di tích - di sản và làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Xuất phát từ Trung tâm Hà Nội, đoàn khảo sát sẽ dừng chân lần lượt tại các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Theo đó, tuyến du lịch sẽ tập trung vào các điểm di sản và làng nghề, đó là: Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức).

Ở tuyến này, du khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân; làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu và làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức. Đây là hai tuyến du lịch có nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái, di sản, làng nghề, làng cổ.

Điểm đến đầu tiên của đoàn khảo sát là Đình Nội (thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai). Nơi đây thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, đã được Nhà nước công nhận Di tích cấp quốc gia lần thứ nhất năm 1985 và được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1991. Đây là di vật có giá trị nghệ thuật - tín ngưỡng cổ xưa độc đáo, hiếm có, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Tiếp đến, một địa điểm nổi bật trong “Con đường di sản Nam Thăng Long” là làng nghề tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa với 6/6 thôn đều được công nhận là làng nghề. Tăm hương Quảng Phú Cầu không chỉ nổi tiếng về nhu cầu tâm linh của thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu đi một số quốc gia khác, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Quảng Phú Cầu hiện là điểm đến thu hút rất đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Tiến Thiết, Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà đánh giá đây là tuyến du lịch rất nhiều tiềm năng để các đơn vị lữ hành khai thác cho cả dòng khách nội địa và quốc tế muốn tìm hiểu văn hóa ngoại thành Hà Nội. Tuyến du lịch này giúp nâng cao hình ảnh du lịch Ứng Hoà nói riêng và cả 3 địa phương nói chung.

“Sự kết hợp giữa di sản văn hóa và cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, cùng với việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống như làm tăm hương, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa, trưng bày, trang trí khu check - in trước đình làng… sẽ tạo nên sự hứng thú với du khách trong nước và quốc tế.”, ông Thiết khẳng định.

Đồng thời, việc đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất dịch vụ lưu trú, nhà hàng… xung quanh điểm đến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch địa phương phát triển. Qua đó, không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, góp phần nâng cao vị thế của làng nghề tăm hương trên bản đồ du lịch.

Còn tại huyện Mỹ Đức - điểm dừng chân cuối cùng của hành trình khám phá là làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá. Tới đây, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy các công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải… và trải nghiệm làm ra các sản phẩm tơ sen độc đáo.

Làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá đang tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân. Thay vì dệt lụa, các hộ đã dần chuyển sang dệt khăn mặt, khăn tắm tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu.

Các sản phẩm dệt khăn mặt, khăn tắm được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Các sản phẩm dệt khăn mặt, khăn tắm được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Theo thông tin từ UBND huyện Mỹ Đức, hiện có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm... Đặc biệt, nghề đã tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế.

Có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất dệt may của anh Giang (huyện Mỹ Đức), đoàn khảo sát đã tận mắt nhìn thấy dây chuyền sản xuất ra những chiếc khăn mặt, khăn tắm, chăn bông… cũng như các thiết bị, máy móc làm ra chúng.

Theo anh Giang chia sẻ, tuy chỉ là hộ kinh doanh gia đình nhưng anh đã sản xuất được dòng sản phẩm khăn bông sợi nở có khả năng thấm hút cao, mềm mại, tiện dụng, an toàn. “Sản phẩm đang được bày bán ở nhiều siêu thị và được các khách sạn đặt hàng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật.”, anh Giang nói.

Hiến kế phát triển du lịch ngoại thành

Sau chương trình khảo sát, chiều cùng ngày, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát triển tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, thúc đẩy kết nối các điểm đến di tích - di sản và làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở du lịch Hà Nội cho biết, đây là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối Trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng.

“Trên cơ sở đó, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, cung cấp các dịch vụ có chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt sẽ hình thành các chương trình du lịch đa dạng với chủ đề khác nhau, kết nối các điểm du lịch trên một hay nhiều tuyến du lịch”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế hiện nay, ngành du lịch mỗi địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam phát biểu tại toạ đàm.

Ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam phát biểu tại toạ đàm.

Tại Tọa đàm, ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam chia sẻ: “Việc xây dựng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức sẽ trở thành dấu ấn cho du lịch Thủ đô trong một giai đoạn mới. Hiện tại, tuyến du lịch này mới chỉ dừng lại ở mỗi địa phương 1 địa điểm đặc trưng. Hy vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ xây dựng, tính toán, lựa chọn thêm các sản phẩm khác độc, lạ, chất lượng hơn, qua đó, có thể nhân rộng ra khai thác các giá trị của địa phương”.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh, địa phương rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, vì mỗi doanh nghiệp nắm được những thị trường khách du lịch khách nhau để đa dạng được các dịch vụ. Ông cũng hy vọng, với sự nỗ lực của các bên, địa phương sẽ không ngừng nâng cao chất lượng tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”.

Về câu chuyện liên kết, phát triển sản phẩm du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á nhận định: “Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội” đi qua nhiều làng nghề với giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, nhưng để tuyến này có sức hút thì cần có kế hoạch dài hơi.

Ông Quỳnh cho rằng, việc tạo ra không gian riêng biệt cho mỗi làng nghề là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển du lịch cộng đồng. Lấy ví dụ như làng nghề Quảng Phú Cầu ở Ứng Hòa, việc tạo ra một không gian cho du khách trải nghiệm làm nghệ nhân có thể kích thích sự tò mò của họ trong quá trình sản xuất truyền thống.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á nêu ý kiến tại toạ đàm.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á nêu ý kiến tại toạ đàm.

Tương tự, ở làng dệt lụa Phùng Xá, Mỹ Đức, nơi chỉ có một số nghệ nhân như Phan Thị Thuận làm được thì việc tạo ra các trải nghiệm độc đáo như trải nghiệm đi hái lá dâu về cho tằm ăn cần được thúc đẩy. Điều này có thể bao gồm việc quy hoạch bãi trồng dâu và cung cấp các trải nghiệm gần gũi với quy trình sản xuất lụa.

“Đặc biệt, việc thành lập hợp tác xã làng nghề sẽ giúp cộng đồng nghệ nhân có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển du lịch. Qua việc hợp tác, họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên và cùng nhau quảng bá làng nghề của mình đến du khách, tạo ra sự đồng thuận và phát triển bền vững cho cả cộng đồng và du lịch địa phương.”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Trăn trở với tiềm năng phát triển các tour, tuyến du lịch ngoại thành Hà Nội, bà Tạ Việt Hằng, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam nhận định, thông thường, không gian của các làng nghề thường được vây quanh bởi những công trình tôn giáo như chùa, đền thờ. Do đó, để khai thác tiềm năng du lịch của các khu vực này, việc quy hoạch bảo tồn vùng lõi văn hoá là cực kỳ quan trọng. Đồng thời, việc đầu tư, thiết kế không gian riêng cho mỗi làng nghề cũng giúp từng địa phương phát triển thương hiệu du lịch riêng.

“3 địa phương nằm trong tuyến du lịch này cần tái thiết kế không gian trưng bày và không gian cho du khách trải nghiệm riêng biệt. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro đến quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, cần thiết kế các sản phẩm mới, độc đáo để tăng cường thu nhập từ việc trao đổi mua bán giữa du khách với người dân địa phương.

Ngay trong buổi khảo sát, tôi nhận thấy người dân chưa thực sự đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mà mới chỉ dừng lại ở việc quảng bá. Lấy ví dụ, khi du khách tới tham quan, nghệ nhân có thể đem chính thành phẩm mình làm được dựng nên những gian hàng nhỏ, vừa đem lại giá trị kinh tế, lại vừa giúp du khách trải nghiệm và hiểu rõ hơn về truyền thống và văn hóa địa phương”, bà Hằng nêu rõ.

Đại diện Chi hội Du lịch xanh Việt Nam, Chi hội Lữ hành Hà Nội và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác.

Đại diện Chi hội Du lịch xanh Việt Nam, Chi hội Lữ hành Hà Nội và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác.

Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực kế cận cũng được bà Hằng nhấn mạnh tại buổi toạ đàm. Đây là một yếu tố quan trọng nhằm phát huy truyền thống và bảo tồn di sản của các làng nghề. Đào tạo người dân địa phương trở thành những tay nghề có kỹ năng cao không chỉ giúp duy trì và phát triển các nghề truyền thống mà còn tạo ra cơ hội việc làm và tăng cường sự tự hào về di sản văn hóa của họ. Bằng cách này, không chỉ “giữ lửa” cho truyền thống của làng nghề được phát triển mà còn tạo ra một hệ sinh thái kinh tế du lịch bền vững, giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.

Kết luận buổi Tọa đàm, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, những ý kiến của đại biểu, chuyên gia, đại diện các đơn vị lữ hành tham dự chương trình đã góp ý và chia sẻ để Sở Du lịch cùng với UBND các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức tiếp tục nghiên cứu và phát triển tuyến du lịch. Qua đó, góp phần đưa tuyến du lịch trở thành hoạt động du lịch bền vững trên “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”, hòa quyện cùng sự phát triển kinh tế - xã hội chung trong khu vực, tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Tại tọa đàm, đại diện Chi hội Du lịch xanh Việt Nam, Chi hội Lữ hành Hà Nội và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với đại diện lãnh đạo của một số điểm đến du lịch trọng điểm trên tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, nhằm không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng tuyến du lịch, đồng thời thúc đẩy kết nối với các điểm đến di tích, di sản và làng nghề trên địa bàn Thành phố.

Tin bài liên quan