Tìm hướng đi mới cho VASB

(ĐTCK) Một số CTCK giảm phí quá đà, giảm dưới giá thành. Đó là biểu hiện cần sự can thiệp của VASB.

Cuộc họp đầu năm 2014 của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) chỉ có khoảng 1/3 số CTCK tham dự. Tuy nhiên, những thành viên có mặt đã có cuộc trao đổi cởi mở trong một nỗ lực chung nâng cao vị thế Hiệp hội đúng tầm là một tổ chức gắn kết các CTCK.

Tìm hướng đi mới cho VASB ảnh 1VASB, mong tìm lại “khí thế” cho Hiệp hội, như cái thời sôi động năm 2006

VASB cần thể hiện mình tốt hơn

Đề cao nỗ lực của VASB trong thời gian qua, nhưng Chủ tịch UBCK cho rằng, VASB cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thể hiện đúng vai trò, vị trí của Hiệp hội chuyên ngành. “Khi VASB có những hoạt động thiết thực, các thành viên sẽ tự tìm đến với Hiệp hội, sẽ góp phần tạo nên sức mạnh của Hiệp hội”, ông Bằng nói.

Nhưng VASB phải làm thế nào để thu hút được các CTCK? Báo cáo năm 2013 của Tổng thư ký Hiệp hội, ông Nguyễn Thanh Kỳ cho biết, trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều CTCK lâm vào tình cảnh khó khăn, phải tự cắt giảm nghiệp vụ, cắt giảm chi phí, nên không còn mặn mà với các công việc chung của Hiệp hội. Sức lan tỏa của Hiệp hội, vì thế còn chưa mạnh, còn hạn chế về nhiều mặt, đặc biệt là công tác phổ cập thông tin, kiến thức TTCK đến công chúng và mang lại những giá trị hữu ích đến thành viên.

“Ban chấp hành Hiệp hội đã có cuộc họp, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế này và chúng tôi quyết tâm thay đổi”, ông Kỳ nói và mong rằng, các CTCK sẽ ủng hộ những nỗ lực của Hiệp hội trong thời gian tới.

Tự nhận là một trong các CTCK nhỏ nhất trên TTCK, ông Phạm Ngọc Phú, Tổng giám đốc CTCK An Thành cho rằng, điều các CTCK nhỏ cần nhất ở Hiệp hội là có sự can thiệp cần thiết khi thị trường có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.

“Gần đây, một số CTCK lớn đã thực hiện giảm phí quá đà, giảm dưới giá thành, thậm chí miễn phí hoàn toàn cho nhà đầu tư trong một thời gian. Đó là biểu hiện bất thường và chúng tôi rất cần vai trò của Hiệp hội đứng ra điều hòa lại, để đảm bảo các CTCK cạnh tranh công bằng hơn trên thị trường”, ông Thành nói.

Cũng trong tâm trạng của CTCK nhỏ, ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc CTCK IVS chia sẻ một câu chuyện khác. Công ty ông có 2 phòng kinh doanh đang hoạt động ổn định, nhưng gần đây, nhân sự Công ty nhận được những lời mời hấp dẫn từ một CTCK khác và khả năng IVS mất nhân sự rất cao.

“Trong việc phát triển TTCK, tôi rất mong UBCK cũng như VASB quan tâm nhiều hơn đến các CTCK nhỏ và có những can thiệp cần thiết để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các CTCK”, ông Hoàn nói.

Là CEO trẻ nhất ngành chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect mang đến những gợi ý thú vị trong công tác gắn kết Hiệp hội với các thành viên.

“Hãy tính đến việc ưu đãi hơn cho các thành viên VASB, chẳng hạn, 2 Sở sẽ thu phí của các CTCK là thành viên VASB thấp hơn các CTCK khác, hoặc có những ưu đãi riêng cho các thành viên của VASB”, ông Giang gợi ý và cho rằng, không cần phải dành nhiều lợi ích, nhưng sự quan tâm của UBCK, các Sở GDCK với CTCK là thành viên VASB sẽ tạo động lực giúp VASB thu hút được các CTCK gia nhập Hiệp hội.

Đứng trên lợi ích thị trường, ông Giang tiếp tục cho rằng, VASB cần có ý kiến cụ thể thúc đẩy nhà quản lý giảm thời gian giao dịch chứng khoán. Ý kiến này của ông Giang nhận được sự đồng tình của tất cả các CEO CTCK, bởi giảm thời gian giao dịch là cách tốt nhất thúc đẩy thanh khoản, giảm rủi ro cho nhà đầu tư và gia tăng hiệu quả cho CTCK.

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt mong Hiệp hội sẽ thường xuyên tạo ra các cuộc giao lưu, trao đổi nghiệp vụ giữa các CTCK. “Có những lúc, chính chúng tôi cũng lúng túng trong áp dụng các quy định mới của nhà quản lý và rất muốn được tham khảo cách làm của các CTCK khác”, ông Hòa nói và nhắc lại câu “học thầy không tày học bạn” để thể hiện mong muốn được gặp gỡ, chia sẻ nhiều hơn với các DN cùng ngành.

“Nhìn sang ngành ngân hàng, họ có những hợp đồng đồng tài trợ tín dụng; ngành bảo hiểm có các hợp đồng đồng bảo hiểm, tại sao ngành chứng khoán chưa từng có sự hợp tác nào để thực hiện hợp đồng đồng bảo lãnh?”, ông Hòa đặt câu hỏi và mong rằng, VASB sẽ là cây cầu gắn kết các CTCK, không chỉ để giao lưu, mà còn hợp tác cùng thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh lớn. “Đây cũng là cách tốt nhất để ngăn chặn những thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh, khi nó mới manh nha diễn ra trên thị trường”, ông Hòa nói.

Kêu gọi CTCK lớn hỗ trợ VASB nhiều hơn

Từ trao đổi của các thành viên có thể thấy, không gian hoạt động của VASB là rất rộng, dù hiện tại VASB chưa nhận được sự hợp tác của nhiều CTCK, chưa có nguồn kinh phí đủ để thực hiện các hoạt động cốt yếu. Một yếu tố nữa khẳng định sự tồn tại tất yếu của Hiệp hội là vai trò không thể thiếu trên thị trường. “Ở các nước, Hiệp hội chứng khoán rất quan trọng, bởi có nhiều việc nhà quản lý không thể giải quyết được bằng pháp lý, mà phải xử lý theo các quy tắc riêng của Hiệp hội”, Chủ tịch UBCK nói. “Năm 2014, UBCK, các Sở sẽ có sự bàn bạc thêm để tìm biện pháp củng cố hoạt động của VASB”, theo ông Bằng, đồng thời Chủ tịch UBCK cũng kêu gọi các CTCK lớn hãy hỗ trợ VASB nhiều hơn để Hiệp hội có thể tuyển thêm nhân sự, mở rộng hoạt động.

Điều VASB mong đợi nhất là UBCK trao quyền cấp chứng chỉ hành nghề về đạo đức nghề nghiệp cho Hiệp hội. Hiện tại, bộ quy tắc mới về đạo đức nghề nghiệp của Hiệp hội đang chờ đối tác nước ngoài hỗ trợ hoàn thiện.

“VASB đề xuất UBCK trao quyền cấp chứng chỉ đạo đức cho Hiệp hội, nhưng ở phía Hiệp hội, chúng tôi cũng cần phải chuẩn bị điều kiện cần thiết để có thể tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ này”, ông Phan Quốc Huỳnh, Tổng giám đốc CTCK SBS, kiêm Phó Chủ tịch VASB nói.

Lên kế hoạch 3 hoặc 6 tháng tổ chức giao lưu một lần, đồng thời sẽ tập hợp ý kiến các thành viên để kiến nghị giải pháp cho TTCK, là công việc chính VASB sẽ làm trong năm 2014. Những công việc này, như cách nói hóm hỉnh của Tổng thư ký VASB, ông Nguyễn Thanh Kỳ, là để tìm lại “khí thế” cho Hiệp hội, như cái thời sôi động của năm 2006.

Tin bài liên quan