Việc thắt chặt kiểm soát tín dụng với chứng khoán đã tác động thực chất từ hơn một tháng trước.

Việc thắt chặt kiểm soát tín dụng với chứng khoán đã tác động thực chất từ hơn một tháng trước.

Tín dụng chặt, chứng khoán ra sao?

(ĐTCK) Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, chính sách thắt chặt tín dụng với chứng khoán đã được thực hiện từ cách đây một tháng, khi Ngân hàng Nhà nước cử đoàn thanh tra đến các ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu CTCK ngừng thực hiện nghiệp vụ repo cổ phiếu… Khi đó, VN-Index từ hơn 500 điểm đã giảm liên tiếp xuống hơn 420 điểm.
Còn ở thời điểm này, chủ trương thắt chặt và giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng được công bố công khai chỉ tạo ra áp lực tâm lý nhất định cho thị trường và không tạo áp lực bán chứng khoán để trả nợ như đã diễn ra trong năm 2008. Báo ĐTCK đã trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.

Ông Lê Đạt Chí , Trưởng bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. HCM

Chúng ta đã chứng kiến Index tăng khá nóng trong một thời gian và trong luồng tiền đổ vào thị trường có tiền vay ngân hàng dưới hình thức vay cầm cố chứng khoán để đầu tư và cả các hình thức biến tướng như vay tiêu dùng nhưng được sử dụng để đầu tư chứng khoán. Không có số liệu thống kê để chứng minh được điều này nhưng có thể nhận thấy trong thực tế. Vấn đề là khi VN-Index ở đỉnh ngắn hạn hơn 500 điểm thì đã có những động thái của chính sách giảm tín dụng chảy vào bất động sản nên những nhà đầu tư sử dụng vốn vay đầu tư chứng khoán đã lường trước rủi ro này và đã dàn xếp để tránh rủi ro như bán cắt lỗ hoặc chốt lời. Đó chính là lý do khiến thị trường giảm điểm và thanh khoản cũng giảm mạnh trong thời gian qua.

Nhưng vấn đề là chúng ta không có những số liệu cập nhật về tín dụng cho vay chứng khoán, nên khi chính thức có thông tin về siết tín dụng, nhất là kiểm soát tín dụng cho vay chứng khoán thì NĐT sẽ chiết khấu thông tin. Người giữ cổ phiếu sẽ lo bán trước, còn người mua thì chưa muốn mua ngay. Mặc dù thông tin này tác động về mặt tâm lý nhiều hơn là thực chất ở thời điểm hiện tại, nhưng đó là thông tin vĩ mô nên sẽ là đám mây che phủ thị trường trong thời gian khá dài.

Ông Huỳnh Anh Tuấn , Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC

Hạn mức tín dụng chứng khoán đã tăng mạnh trong tháng 6, nhưng đến lúc này hạn mức cho vay chứng khoán của ngân hàng cấp cho các CTCK vẫn còn dư. Ngân hàng vẫn cho vay bình thường. So sánh cục diện thị trường thì lo sợ thắt chặt tín dụng chứng khoán khiến thị trường giảm sàn đồng loạt là hơi quá. Trước đây, người ta cho rằng, giá trị giao dịch thị trường tăng cao là do nhiều NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, nhưng lúc đó Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra văn bản yêu cầu CTCK ngừng thực hiện repo. Với cổ phiếu cầm cố, giá giảm 20% là ngân hàng đã bán để giải chấp, nhưng trong thời gian qua không có NĐT nào bị xử lý bán chứng khoán. NĐT đã tự xử lý để giảm rủi ro cho mình.

TIN LIÊN QUAN
- Siết lại nguồn cung vốn…
- Sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng như thế nào?  
- Tín dụng “thắt” chứng khoán: Chuyện cũ

Thị trường bị ảnh hưởng tâm lý nên đầu cơ sẽ giảm đi. Không có yếu tố đầu cơ thì không có yếu tố bất ngờ và ngược lại. NĐT trung và dài hạn mua sẽ mua từ từ.

NĐT cá nhân hiện tại chưa muốn đổ vốn vào thị trường, họ đang chờ đợi. Nhưng khi VN-Index ở mức 415 điểm, một số NĐT lớn vẫn mua vào, nhất là các CTCK đã và đang giải ngân một phần vốn tự doanh.

Ông Lê Anh Thi , Giám đốc Tư vấn và Phân tích, CTCP Chứng khoán Âu Việt

Theo tôi, các hạn chế tín dụng cho chứng khoán đã phát huy tác dụng từ gần một tháng nay, làm dòng tiền vào chứng khoán giảm hoặc vòng quay tiền giảm. Điều này dẫn tới giá trị giao dịch giảm đáng kể so với trước kia (trên HOSE hiện khoảng 900 - 1.000 tỷ đồng/ngày so với mức 2.000 - 3.000 tỷ đồng/ngày cách đây hơn một tháng). Một ảnh hưởng khác là dòng tiền vào chứng khoán giảm cũng làm giảm cầu với cổ phiếu mới lên sàn. Điều này góp phần làm cho cổ phiếu mới lên sàn, dù có uy tín lớn, vẫn trong xu hướng giảm như đã từng xảy ra với BVH, VCB, CTG. Do đó, điều này lại gây tâm lý không tốt cho thị trường. Với sàn UPCoM, dự kiến có rất nhiều công ty đại chúng lên sàn trong quý III, nên tác động của việc suy giảm sức cầu là không nhỏ.

Tuy nhiên, hạn chế cho vay chứng khoán không phải là nguyên nhân duy nhất làm cho thị trường suy giảm, mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Các nguyên nhân này có thể kể đến là: sự điều chỉnh tất yếu của thị trường sau một thời gian ngắn tăng mạnh; giá cổ phiếu đã phản ánh kết quả kinh doanh quý II/2009, nên khi nó chính thức được công bố thì không còn gây bất ngờ nữa...

Để thị trường có thể tăng điểm trong ngắn hạn, sự sẵn có của nguồn vốn vay (dòng tiền) là rất quan trọng. Khi giá trị giao dịch tăng lên thì thị trường mới có điều kiện để tăng điểm được.

Việc thắt chặt kiểm soát tín dụng với chứng khoán đã tác động thực chất từ hơn một tháng trước. Còn trong điều kiện hiện nay, chỉ còn tác động tâm lý là chủ yếu. NĐT cần cân nhắc với quyết định bán ra ở thời điểm này. Tuy nhiên, cũng không nên sử dụng vốn vay ở thời điểm này để tránh các rủi ro bất ngờ.