Tín hiệu vui từ khu vực sản xuất công nghiệp

Tín hiệu vui từ khu vực sản xuất công nghiệp

Chỉ tiêu sản xuất tổng hợp nhất của công nghiệp là GDP do ngành này tạo ra trong quý I năm nay cao hơn con số tương ứng của cùng kỳ năm trước (tăng 4,69% so với mức tăng 4,59%). Tương ứng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp quý I năm nay cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,2% so với tăng 4,9%).

Mặc dù tốc độ tăng cao hơn không nhiều, nhưng đó là xu hướng tích cực. Xu hướng tích cực này diễn ra trong 2 điều kiện. Một là, CPI bình quân quý I năm nay tăng thấp hơn so với quý I năm trước (tăng 4,83% so với tăng 6,91%). Hai là, tỷ lệ thực hiện dự toán thu ngân sách cả năm đạt cao hơn chi ngân sách (đạt 20,1% so với 18,3%); xuất siêu cao gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước (hơn 1 tỷ USD so với 454 triệu USD).

Trong toàn ngành công nghiệp, 3 ngành có IIP tăng cao hơn tốc độ tăng chung. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2012 tăng 5,5%, 2013 tăng 4,6%); ngành sản xuất - phân phối điện tăng 9,2%; ngành cung cấp - xử lý nước thải, rác thải tăng 5,7%. Chỉ có ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,9%.

Đây cũng là xu hướng tích cực, bởi sự tăng lên của công nghiệp chế biến là một biểu hiện tích cực về phát triển công nghiệp, trong khi sự giảm xuống của công nghiệp khai khoáng là phù hợp với chủ trương tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên…

Về tiêu thụ, chỉ số tiêu thụ 2 tháng đầu năm 2014 của công nghiệp chế biến so với cùng kỳ năm trước tiếp tục tăng 4,3%, trong đó, xuất khẩu hàng công nghiệp tăng cao. Nếu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I năm nay đạt 33,35 tỷ USD (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước), trong đó hàng nông, lâm nghiệp - thủy sản đạt 6,9 tỷ USD (tăng 9,4%), hàng hóa công nghiệp đạt 26,446 tỷ USD (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước).

Cơ cấu xuất khẩu hàng công nghiệp đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Xuất khẩu các mặt hàng là nguyên liệu khai khoáng có xu hướng giảm, như xuất khẩu than giảm 25,4%, dầu thô giảm 8,3%, trong khi xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến tăng cao, đóng góp lớn vào tổng mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 5,42 tỷ USD, tăng 22,7% (chiếm 24,3% tổng mức tăng); hàng dệt may đạt 4,537 tỷ USD, tăng 21,9% (chiếm 19,8% tổng mức tăng); giày dép đạt 2,155 tỷ USD, tăng 25,9% (chiếm 10,7% tổng mức tăng); phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,613 tỷ USD, tăng 24,8% (chiếm 7,8% tổng mức tăng); túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 534 triệu USD, tăng 38,7% (chiếm 3,6% tổng mức tăng); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,533 tỷ USD, tăng 9,7% (chiếm 3,3% tổng mức tăng). Chỉ với 6 mặt hàng trên đã chiếm 69,6% tổng mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công nghiệp trong quý I năm nay cũng có một số hạn chế, bất cập và đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Tốc độ tăng GDP do công nghiệp tạo ra còn thấp hơn tốc độ tăng GDP của toàn ngành kinh tế (tăng 4,88% so với tăng 4,96%). Điều đó chứng tỏ, vai trò đầu tàu, động lực của công nghiệp bị yếu đi từ mấy năm nay, cần phải được “xốc lại” trên cơ sở giải quyết khó khăn của ngành này về các mặt, nhất là tiếp cận vốn, nợ xấu, tồn kho cao.

Đáng chú ý là, tốc độ tăng tiêu thụ thấp hơn tốc độ tăng của sản xuất (2 tháng đầu năm 2014, tiêu thụ tăng 4,3%, trong khi sản xuất tăng 5,4%), dẫn đến chỉ số tồn kho của công nghiệp chế biến tiếp tục tăng (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước).

Tin bài liên quan