Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCKNN phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCKNN phát biểu tại Hội thảo.

"Tính công bằng, minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam đã được cải thiện giúp bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động của thị trường"

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đây là phát biểu của ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hội thảo “Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán 2021-2030 - Những thách thức và tầm nhìn” diễn ra sáng 21/3.

Ngày 21/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức hội thảo “Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) 2021-2030 - Những thách thức và tầm nhìn” đồng thời tổng kết dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.

Tính công bằng, minh bạch đã có sự cải thiện

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” do UBCKNN chủ trì, với sự hợp tác của JICA, đã được triển khai trong vòng 4 năm, từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023.

Theo đó, JICA cam kết hỗ trợ thị trường cổ phiếu Việt Nam, giúp UBCKNN tăng cường năng lực quản lý, giám sát, hướng tới thực hiện mục tiêu “bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường”.

Theo ông Sơn, với sự hỗ trợ, hợp tác từ JICA, UBCKNN đã cơ bản đạt được các mục tiêu đầu ra tương ứng với các cấu phần của dự án.

Năng lực của UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán về công tác quản lý, giám sát thị trường bao gồm cả năng lực về thanh tra, giám sát các trung gian thị trường, quản lý niêm yết và quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng được nâng cao.

Qua đó, tính công bằng, minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam được cải thiện giúp bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động của thị trường.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng gấp đôi, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong những tháng cuối năm cho thấy sức hút ngày càng lớn của TTCK Việt Nam trong và ngoài nước.

Các kết quả này đã giúp hiện thực hóa “Chiến lược Phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra của Chính phủ Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: M.Minh

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: M.Minh

Phát biểu tại hội thảo, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cũng nhận định, thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ sau khi Việt Nam mở cửa. Giá trị vốn hóa của thị trường cuối năm 2020 đã vượt hơn 180 tỷ USD; đồng thời, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng gia tăng.

Để thị trường cổ phiếu Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hấp dẫn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam nhận thấy việc cải thiện tính công bằng, minh bạch của thị trường là một vấn đề cấp bách. Nhờ đó, Chính phủ đã nỗ lực và đẩy nhanh các giải pháp để thúc đẩy vấn đề này như ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi, thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam…

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển về chất

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới của TTCK, hướng tới các mục tiêu tiếp theo trong Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 - 2030.

Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình 20% - 30% mỗi năm.

Để đạt được các mục tiêu này, UBCKNN đã đưa ra một số giải pháp định hướng xây dựng chiến lược, song TTCK Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức; do đó UBCKNN, dưới sự hỗ trợ của JICA, đang chuẩn bị bước vào dự án tiếp theo: “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả TTCK Việt Nam”.

Dự kiến dự án mới sẽ bắt đầu vào tháng 4/2024.

Tại hội thảo, ông Nakajima Junichi, Cao ủy viên Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản cũng đã có bài trình bày về những nỗ lực của Nhật Bản nhằm bước qua thời kỳ kinh tế bong bóng những năm 1980 và phát triển TTCK nước này.

Thời kỳ đó, giá cổ phiếu và giá nhà ở Nhật Bản bị đẩy lên cao kéo theo các giao dịch nội gián, thao túng thị trường nở rộ, thị trường cổ phiếu sụp đổ và giảm mạnh, dẫn tới nhiều tổ chức tín dụng lớn phá sản.

Để tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra trên thị trường tài chính, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan giám sát tín dụng nhằm kiểm soát không để tín dụng quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và đầu tư gián tiếp mà phải phát triển thị trường vốn. Cùng với đó là hoàn thiện tín dụng trực tiếp để duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Năm 2004 Nhật Bản đã sửa đổi luật nhằm ngăn ngừa các giao dịch nội gián.

Theo ông Junichi Nakajima, việc cần thiết là nâng cao vai trò và chức năng của các sở giao dịch chứng khoán để đóng góp vào lợi ích chung và bảo vệ nhà đầu tư. Cùng với đó là thiết lập các quy chế thẩm định và niêm yết, bao gồm cả thẩm định về định lượng và định tính mỗi công ty nộp đơn niêm yết.

Cũng tại hội thảo, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBCKNN thông tin về một số nội dung trong dự thảo Chiến lược phát triển triển TTCK 2021 – 2030.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBCKNN

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBCKNN

Theo đó, cơ quan quản lý đặt mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình 20% - 30% mỗi năm.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng số lượng tài khoản nhà đầu tư, phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, chiến lược đặt mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết; áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị) tại các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán, hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhận định, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn; cùng với đó, các cấu phần thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa thực sự liên kết chặt chẽ; quy mô, độ phức tạp của TTCK ngày càng tăng; Kết nối xuyên biên giới tạo áp lực trong đổi mới và công tác quản lý, giám sát liên thị trường; Áp lực cạnh tranh với các sở giao dịch chứng khoán trong khu vực và quốc tế...

Cuối cùng, tại phần hỏi đáp, các chuyên gia kinh tế, đại diện công ty chứng khoán, quỹ đầu tư... đã dành nhiều câu hỏi cho các diễn giả của UBCKVN và JICA. Các câu hỏi và giải đáp xoay quanh các vấn đề ổn định thị trường chứng khoán Việt Nam, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, đẩy mạnh việc nâng hạng thị trường lên mới nổi...

Tin bài liên quan