Tình trạng dư cung làm giảm biên lợi nhuận trong ngành gạo ở Ấn Độ

Tình trạng dư cung làm giảm biên lợi nhuận trong ngành gạo ở Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà kinh doanh gạo tại Ấn Độ đang lo ngại về sụt giảm biên lợi nhuận khi người mua đang chật vật đối phó với tình trạng dư thừa gạo do tác động từ việc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu của nước này.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang rơi vào tình cảnh tương tự như Thái Lan và Việt Nam, những nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá gạo giảm do nguồn cung dư thừa tại Ấn Độ.

“Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ đã hạ dự báo tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2025 xuống còn 11%, tương đương khoảng 20 triệu tấn, so với dự báo trước đó là tăng 25% lên 22,5 triệu tấn”, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ cho biết.

Với đà tăng trưởng xuất khẩu liên tục, mặc dù ở tốc độ chậm hơn cũng dự kiến sẽ tiếp tục dẫn tới tình trạng giá gạo sụt giảm, ngay cả khi các yếu tố khác như đồng rupee ổn định giúp ngăn chặn sự suy giảm.

Gạo Ấn Độ đã tràn ngập thị trường toàn cầu vào đầu năm nay sau khi quốc gia chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu này đã dỡ bỏ một số hạn chế xuất khẩu trong năm qua. Ấn Độ đã áp dụng các hạn chế trong năm 2022 và 2023 sau khi lượng mưa kém gây ra lo ngại về sản lượng.

Tuy nhiên, tình trạng dư cung hiện cũng đang gây thiệt hại cho các nhà kinh doanh gạo Ấn Độ, trong bối cảnh họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua vì đã có đủ hàng tồn kho và biết rằng nguồn cung sẽ dồi dào trong thời gian tới.

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ đã giảm hơn 40% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước xuống còn 1,1 triệu tấn. Công ty nghiên cứu và tư vấn Kedia Advisory đã báo cáo mức giảm thậm chí còn mạnh hơn 60% trong xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong tháng 4 và tháng 5.

Giá gạo non-basmati xuất khẩu giảm mạnh

Giá gạo non-basmati xuất khẩu giảm mạnh

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (IFPRI), giá gạo non-basmati đã giảm hơn 13% so với tháng 9/2024, xuống còn 430,5 USD/tấn trong tháng 5/2025. Giá gạo basmati đã giảm 20% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 862,1 USD/tấn.

"Chúng tôi đang chứng kiến sự sụt giảm biên lợi nhuận rõ rệt", Seema Rani, Giám đốc Công ty Kinh doanh thực phẩm Sarveshwar Foods cho biết. Gạo 5% tấm của Ấn Độ hiện có giá khoảng 380 - 390 USD/tấn, gần mức thấp nhất trong 2 năm.

“Mức giá này kết hợp với chi phí đầu vào và vận chuyển tăng cao đang làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu trên tất cả các phân khúc", bà cho biết thêm.

Biên lợi nhuận của các nhà kinh doanh gạo thường dưới 5%, và một nửa trong số này có thể bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của cả xuất khẩu và giá cả.

Tuy nhiên, tình trạng dư thừa trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Theo truyền thông địa phương, Ấn Độ đang nắm giữ gần 38 triệu tấn gạo dự trữ tính đến ngày 1/7/2025, gấp gần 3 lần so với mức dự trữ dự kiến là 13,5 triệu tấn.

Trong khi đó, sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh do mưa gió mùa lớn đang thúc đẩy việc gieo trồng.

Điều này có thể đồng nghĩa với việc giá gạo tiếp tục giảm. “Nông dân trên khắp châu Á sẽ có ít hoặc không có các lựa chọn thay thế có lợi nhuận hoặc ở mức an toàn…Tác động của giá gạo thấp hơn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt nếu họ là nông dân sản xuất nhỏ lẻ", Shirley Mustafa, chuyên gia kinh tế tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cho biết.

Các nhà kinh doanh gạo Ấn Độ cho biết, họ dự kiến xuất khẩu gạo sẽ ổn định, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, nhưng giá xuất khẩu có thể đã chạm đáy.

Giá hỗ trợ tối thiểu (MSP) của Chính phủ Ấn Độ có thể là những yếu tố chính trong việc tạo ra một mức sàn cho giá gạo toàn cầu.

“Mặc dù các chính sách như MSP có thể bảo vệ nông dân trong nước khỏi việc giá xuất khẩu giảm, nhưng tính khó lường của chính sách xuất khẩu gạo Ấn Độ luôn là một mối nguy hiểm do ảnh hưởng quá lớn của nó.… Một động thái khó lường của quốc gia này sẽ luôn gây ra những cú sốc cho cả các nước xuất khẩu như Thái Lan và Việt Nam, cũng như các nước tiêu thụ gạo lớn ở lục địa châu Phi”, ông Shahidur Rashid, Giám đốc Khu vực Nam Á của IFPRI cho biết.

Tin bài liên quan