Các dự án khai thác, chế biến bauxite và sản xuất alumin tại Nhân Cơ và Tân Rai có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite tại Việt Nam

Các dự án khai thác, chế biến bauxite và sản xuất alumin tại Nhân Cơ và Tân Rai có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite tại Việt Nam

TKV: Dự án Alumin dự kiến có lãi sớm hơn so với kế hoạch

(ĐTCK) Dự án Alumin Tân Rai và Alumin Nhân Cơ là các dự án thí điểm đầu tiên về chế biến sâu khoáng sản bauxite, với công nghệ phức tạp, có quy mô lớn trong ngành khai khoáng Việt Nam. 

Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Nhà máy Alumin Tân Rai hoạt động ngày càng hiệu quả, dự kiến trong năm nay sẽ đạt công suất thiết kế 650.000 tấn/năm. Đặc biệt, những sáng kiến trong việc vận hành nhà máy, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm đối với Nhà máy Alumin Tân Rai có thể áp dụng cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Chất lượng sản phẩm đạt và vượt thiết kế

Được biết, thời gian đầu mới đi vào vận hành sản xuất Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng), công tác tổ chức quản lý, vận hành, làm chủ công nghệ gặp rất nhiều khó khăn do thiết bị công nghệ mới, kinh nghiệm chưa có. Tuy nhiên, qua sự chỉ đạo quyết liệt của TKV và nỗ lực của cán bộ, công nhân viên Công ty Nhôm Lâm Đồng (đơn vị vận hành nhà máy), Nhà máy Alumin Tân Rai hoạt động ngày càng hiệu quả.

Riêng năm 2016, cán bộ, công nhân viên Công ty Nhôm Lâm Đồng đã có 83 sáng kiến trong việc duy trì vận hành ổn định nhà máy, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Qua gần 3 năm vận hành thương mại, đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật đã nắm vững được công nghệ và quy trình vận hành nhà máy, duy trì sản xuất ổn định, sản lượng ngày càng tăng.

Theo TKV, chất lượng alumin đạt theo thiết kế và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, riêng hàm lượng Al2O3 đạt 98,9%, vượt thiết kế (98,6%), đáp ứng yêu cầu cho xuất khẩu.

Về các chỉ tiêu tiêu hao công nghệ chính, thời gian đầu mới đi vào sản xuất, một số chỉ tiêu định mức thực hiện cao hơn thiết kế, nhưng đến nay đã đạt theo thiết kế. Đặc biệt, 2 nguyên liệu đầu vào chính là xút, vôi sống đã giảm tiêu hao rất nhiều. Cụ thể, tiêu hao xút đạt 43,8 kg/tấn alumin so với thiết kế là 74 kg/tấn alumin (bằng 59,2%); vôi sống đạt 30,9 kg/tấn alumin so với thiết kế là 40,0 kg/tấn alumin (bằng 77,2%).

Sản lượng sản xuất và tiêu thụ alumin (quy đổi) hàng năm đều tăng, hiện đã tiệm cận với thiết kế và nhu cầu thị trường sản phẩm. Quý IV/2013, sản lượng sản xuất đạt 89.100 tấn, năm 2014 đạt 483.300 tấn, năm 2015 đạt 546.400 tấn, năm 2016 đạt 602.000 tấn.

Dự kiến, năm 2017, Nhà máy Alumin Tân Rai dự kiến sẽ tiếp tục đạt công suất thiết kế 650.000 tấn/năm, những năm tiếp theo cũng sẽ đạt, thậm chí vượt công suất thiết kế.

Trong quá trình sản xuất, TKV đã không ngừng hoàn thiện công tác quản trị chi phí, tổ chức theo dõi, rà soát, tổng hợp, thống kê, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các công đoạn khai thác mỏ, tuyển quặng, sản xuất hydrat, alumin. Giao khoán chi phí sản xuất cho Công ty Nhôm Lâm Đồng thông qua việc ban hành đơn giá sản phẩm alumin và hydrat.

Lãnh đạo TKV cho biết, sau khi Nhà máy Alumin Tân Rai vận hành đạt công suất thiết kế và khi thị trường thuận lợi, sẽ xem xét, tiếp tục đầu tư mở rộng nâng công suất, để tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm alumin.

Thực tế, Dự án Alumin Tân Rai khi đầu tư với công suất 650.000 tấn/năm đã được tính toán cho việc mở rộng, nâng gấp đôi công suất sau này, như dự phòng mặt bằng bố trí dây chuyền thiết bị thứ hai, một số hạng mục có thể đáp ứng cho việc mở rộng.

Ngoài ra, dự án thu hồi quặng sắt trong bùn đỏ (bùn đỏ là bã thải của quá trình khai thác quặng bauxite để sản xuất alumin) đến nay đã triển khai xong bước nghiên cứu công nghệ (do Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thực hiện), đang được triển khai bước lập dự án đầu tư (do Công ty cổ phần Sắt Thái Hưng thực hiện). 

Giá thành sản phẩm liên tục giảm

Nhờ những nỗ lực của TKV và Công ty Nhôm Lâm Đồng trong việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất và quản trị chi phí, nên chi phí sản xuất trong các năm qua tại Nhà máy Alumin Tân Rai liên tục giảm.

Theo đó, giá thành sản phẩm alumin (chi phí phân xưởng, chưa kể khấu hao, lãi vay) năm 2015 bằng 90% năm 2014 và giá thành năm 2016 bằng 79% năm 2014.

Đáng chú ý, các sáng kiến nêu trên hoàn toàn có thể áp dụng cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông). Do công suất, thiết kế cơ sở và dây chuyền thiết bị của Nhà máy Tân Rai và Nhà máy Nhân Cơ cơ bản tương đồng nên việc áp dụng các sáng kiến của Dự án Tân Rai cho Dự án Nhân Cơ là khả thi.

Theo tính toán trong dự án, Dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm, Dự án Nhân Cơ lỗ kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, với Dự án Tân Rai, nhờ áp dụng các sáng kiến cải tiến công nghệ trong sản xuất dẫn đến hạ giá thành và nhờ áp dụng các giải pháp quản trị chi phí, nên thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ rút ngắn được 1 năm.

Nguy cơ lỗ kéo dài sẽ không trở lại, do dây chuyền sản xuất của Dự án Tân Rai đã vận hành ổn định, cán bộ, công nhân viên Công ty Nhôm Lâm Đồng đã làm chủ được công nghệ sản xuất alumin, các giải pháp quản trị chi phí được xây dựng và áp dụng, giá alumin trên thị trường thế giới có diễn biến khả quan.

Trong thời gian qua, giá các sản phẩm khoáng sản nói chung và alumina nói riêng có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm, giá alumina đã tăng với biên độ lớn trong quý IV/2016. Dự báo, giá alumina trong thời gian tới sẽ dao động quanh mức 300 USD/tấn FOB. 

Thị trường xuất khẩu và trong nước đều khả quan

Trong giai đoạn hiện nay, do nhu cầu tại thị trường trong nước thấp nên trước mắt, phần lớn sản lượng alumin được xuất khẩu. Năm 2016, xuất khẩu chiếm 97% sản lượng tiêu thụ. Cụ thể, tiêu thụ alumin năm 2016 của Dự án Tân Rai là 646.000 tấn alumin quy đổi, trong đó xuất khẩu 626.500 tấn và tiêu thụ tại thị trường nội địa 19.500 tấn.

Tuy nhiên, TKV đã có hợp đồng cung cấp alumin cho Công ty Luyện kim Trần Hồng Quân (THQ), khi nhà máy điện phân nhôm của THQ đi vào hoạt động, ước tính sẽ sử dụng hầu hết sản phẩm của Nhà máy Nhân Cơ. Khi đó, khoảng 50% sản lượng alumin của cả hai nhà máy (Tân Rai và Nhân Cơ) sẽ được tiêu thụ tại thị trường trong nước cho nhà máy điện phân nhôm của THQ và cho các nhu cầu khác như hoá chất, vật liệu xây dựng…, phần còn lại sẽ xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, TKV đã và đang xuất khẩu alumin sang các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Indonesia, Kenya, Philippines, Thái Lan… Với mối quan hệ bạn hàng truyền thống và uy tín kinh doanh, TKV từng bước khẳng định được thương hiệu sản xuất - kinh doanh alumin trên thị trường quốc tế, ngày càng mở rộng thêm nhiều thị trường tiêu thụ mới.

Việc tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm của Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong thời gian nhà máy điện phân nhôm của THQ chưa đi vào hoạt động được đánh giá là khả quan, do có chất lượng tương đương với sản phẩm của các nhà máy alumin trên thế giới. Mối quan hệ bạn hàng hiện nay của TKV dự báo cũng sẽ giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Nhân Cơ được thuận lợi, đảm bảo sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Tin bài liên quan