ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, không nên bỏ vai trò giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, không nên bỏ vai trò giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Toà án hay Uỷ ban nhân dân giải quyết tranh chấp đất đai là phù hợp?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, cần giữ lại vai trò của UBND cấp tỉnh, huyện trong giải quyết tranh chấp về đất đai, tránh đặt toàn bộ gánh nặng này vào ngành Toà án.

5 lý do nên giữ lại vai trò giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện

Phát biểu tại thảo luận hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 14/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu một số ý kiến đóng góp về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Luật hiện hành đã quy định ngoài Tòa án nhân dân thì có Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sửa theo hướng là bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND. Vị đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc đối với sửa đổi này.

Theo bà Thuỷ, từ khi thành lập nước đến nay, mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi vì đây là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, cho nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.

Thứ hai, không phải là không có lý khi pháp luật giao cho UBND chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với loại đất mà không có một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.

"Mặc dù không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thì UBND có điều kiện thuận lợi để nắm được nguồn gốc lịch sử đất đai, nắm được quá trình mâu thuẫn, tranh chấp của các bên, cho nên cũng thuận lợi trong quá trình giải quyết", vị đại biểu nói.

Đồng thời, bà Thuỷ cũng nêu bất cập, pháp luật đang đồng thời giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa án đối với cả loại đất này, tức là đất không có giấy tờ, nhưng sau khi thụ lý hồ sơ thì Tòa án lại phải có văn bản đề nghị UBND cung cấp hồ sơ, tài liệu thì mới có căn cứ giải quyết, cho nên thời gian giải quyết sẽ bị kéo dài hơn.

Lý do thứ ba, theo đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, việc sửa đổi luật thì phải trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, nghiên cứu báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật và các tài liệu trong hồ sơ dự án luật thì không có thông tin về lý do tại sao lại bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND, cũng như không có bất cứ số liệu nào thống kê về số liệu mà Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp đất từ khi luật có hiệu lực đến nay.

Về vấn đề này, bà Thuỷ nói rằng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin, tuy nhiên, báo cáo của Bộ chỉ mới thống kê được số lượng vụ việc tranh chấp do Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết là 1.922 vụ, còn toàn bộ số liệu thống kê về số lượng vụ tranh chấp hơn 700 vụ UBND cấp huyện giải quyết chưa có thông tin. "Do vậy, căn cứ thực tiễn cho việc đề xuất sửa đổi quy định này vẫn đang còn thiếu, chưa có căn cứ", bà Thuỷ nói.

Lý do thứ tư, đại biểu nói rằng, pháp luật hiện hành đang giao cho 2 cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân. Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm được sự lựa chọn cơ quan giải quyết việc tranh chấp của mình, trong đó cơ chế giải quyết thông qua UBND có thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí. Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền lựa chọn của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng.

Cuối cùng, theo bà Thuỷ, thực tế giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay của người dân cũng đang được giao cho nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc và còn rất áp lực. Nếu dự thảo giao hết việc này cho tòa án và bổ sung thêm trọng tài thương mại được giải quyết một số vụ việc phát sinh từ hoạt động thương mại như Điều 235, thì khả năng đảm đương của các cơ quan này như thế nào cũng chưa được báo cáo đánh giá tác động đề cập. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến nhưng cơ quan soạn thảo vẫn giữ quan điểm, không có thêm thông tin giải trình.

Từ những lý do nêu trên, vị đại biểu đề nghị tiếp tục giữ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như quy định của pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn về cơ chế giải quyết tranh chấp của mình.

"Giải quyết tranh chấp không phải là việc của cơ quan hành chính, mà thuộc cơ quan tư pháp"

Tranh luận về vấn đề nói trên, chiều 14/11, Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, các đại biểu đưa ra nhiều quan điểm khác nhau thì sẽ giúp cơ quan soạn thảo cân nhắc, rà soát kỹ hơn về nội dung này.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) phát biểu tranh luận về thẩm quyết giải quyết tranh chấp đất đai chiều 14/11.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) phát biểu tranh luận về thẩm quyết giải quyết tranh chấp đất đai chiều 14/11.

Tuy nhiên theo ông Thân, giải quyết tranh chấp không phải là việc của cơ quan hành chính, mà thuộc cơ quan tư pháp, bao gồm cơ quan xét xử, tòa án, trọng tài.

"Việc giải quyết tranh chấp của UBND các cấp là không lớn và không cần thiết", vị đại biểu đoàn Khánh Hoà nêu quan điểm và nhấn mạnh cần bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND các cấp, giao hết công tác này cho cơ quan tư pháp, cơ quan xét xử.

"Quy định giao việc giải quyết tranh chấp đất đai về đầu mối tòa án là đúng theo tinh thần của Hiến pháp 2013", ông Thân nói.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, trong cơ chế giải quyết tranh chấp thì chúng ta có nói đến Tòa án, trọng tài, hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại ở tòa án, nhưng còn phương thức xử lý tranh chấp nữa cũng rất hiệu quả để đảm bảo quyền tự do lựa chọn của người dân - đã được quy định trong nghị định của Chính phủ - đó là hòa giải thương mại.

Ông Lộc đề nghị bổ sung thêm phương thức hòa giải thương mại vào trong cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề quyền sử dụng đất.

Do tính chất phức tạp, "đồ sộ" của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đề nghị Quốc hội xem xét tổ chức một kỳ họp chuyên đề để thảo luận thật sâu về dự án Luật vô cùng quan trọng này trước khi thông qua.

Ông Khải nói rằng, Đảng, Nhà nước đang rất kỳ vọng vào Quốc hội trong việc thể chế hóa kịp thời, đúng với các chủ trương, chính sách của Đảng. Quốc hội XV đã xác định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ này, chúng ta nghiên cứu sửa đổi các nội dung của Luật thế nào để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, mong mỏi của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và giải quyết được các thách thức từ thực tiễn.

Tin bài liên quan